Là một loại hệ thống với tính cách là tập hợp các thành phần có mối liên hệ nhất định với nhau tạo thành một toàn thể cân bằng với môi trường xung quanh. Theo lý thuyết hệ thống tổng quát của Ludwig von Bertalanffy, hệ thống xã hội cũng bao gồm ba yếu tố cấu thành như sau: (i) yếu tố toàn thể: tập hợp các bộ phận riêng biệt hay các cấu trúc tạo thành chỉnh thể, toàn thể; (ii) yếu tố tương tác: các bộ phận này phụ thuộc lẫn nhau hay liên hệ với nhau chặt chẽ đến mức bất kỳ một thay đổi ở một bộ phận nào cũng đều tạo ra thay đổi ở ít nhất một trong các bộ phận khác còn lại; (iii) yếu tố cân bằng: các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau nên chúng có xu hướng rơi vào trạng thái cân bằng (equilibrium) hay trạng thái đứng im, ổn định, trật tự trong các mối liên hệ lẫn nhau.
Trong xã hội học, các nhà nghiên cứu khác nhau nhấn mạnh những đặc trưng khác nhau của hệ thống xã hội.George A. Theodorson and Achilles G. Theodorson (1969) nhấn mạnh sự tương tác xã hội tạo nên tính toàn vẹn khi định nghĩa: hệ thống xã hội là một nhóm xã hội hay một tập hợp các cá nhân đang tương tác với nhau hay một nhóm được xem là khác biệt với các cá nhân nhất định mà các cá nhân đó tạo nên nhóm. Định nghĩa này đáp ứng cả ba yêu cầu của một hệ thống xã hội như vừa nêu, đồng thời nhấn mạnh đặc trưng hợp trội của cả hệ thống không thấy ở từng bộ phận riêng lẻ tạo nên hệ thống. Duncan Mitchell (1979) nhấn mạnh tính mở và cân bằng động khi cho rằng hệ thống xã hội là hệ thống của hai hoặc hơn hai cá nhân tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau trong một tình huống nhất định. Hệ thống xã hội là hệ thống mở luôn trao đổi thông tin với các hệ thống khác và thường xuyên hành động có tính đến các hệ thống khác. Endruweit và Trommsdorff (1989) nhấn mạnh tính quy luật khi định nghĩa hệ thống là một biểu tượng cố định cho phép gọi tên những hiện tượng xuất hiện một cách có quy luật, các hiện tượng hiếm thấy, các sự kiện có thể tin được và không thể tin được. David Jary và Julia Jary (1991) nhấn mạnh tính khuôn mẫu của quan hệ xã hội khi định nghĩa hệ thống xã hội là (i) bất kỳ một khuôn mẫu tương đối bền vững của các quan hệ xã hội trong thời gian-không gian được hiểu như là các thực tiễn được tái tạo (Giddens, 1984), (ii) một hệ thống bất kỳ bền vững của mối tương tác giữa hai hay nhiều hơn hai các tác nhân xã hội và bao hàm cả một xã hội thống nhất mà gắn liền với nó là xu hướng duy trì ranh giới, tức là giữ được vị trí của nó trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài nó dù đó là các hệ thống xã hội khác hay thế giới vật lý.
Allan Johnson (1995) nhấn mạnh yếu tố văn hóa và cấu trúc khi định nghĩa hệ thống xã xã hội là bất kỳ một tập hợp phụ thuộc lẫn nhau nào của các yếu tố văn hóa và yếu tố cấu trúc mà tập hợp đó được hiểu như là một đơn vị, một toàn thể. Nicholas Abercrombie và các đồng sự (2000) nhấn mạnh yếu tố chức năng khi xác định hệ thống xã hội là một tập hợp các bộ phận quan hệ với nhau mà những bộ phận này có chức năng duy trì một ranh giới hay sự thống nhất của các bộ phận. Tóm lại, có thể định nghĩa hệ thống xã hội là hệ thống các mối quan hệ giữa con người và xã hội trong đó các cá nhân, nhóm người tương tác với nhau theo những cấu trúc nhất định tạo thành một chỉnh thể cân bằng động với môi trường xung quanh. Ở Việt Nam, khái niệm hệ thống xã hội chủ yếu được vận dụng trong nghiên cứu xã hội học về cấu trúc xã hội, phân hóa xã hội, phân tầng xã hội và sự biến đổi xã hội trong thời kỳ đổi mới kinh tế-xã hội (xem: cấu trúc xã hội, phân hóa xã hội, phân tầng xã hội, biến đổi xã hội).
Xã hội học đã phát triển được hai lý thuyết nổi bật về hệ thống xã hội là lý thuyết chức năng và lý thuyết cấu trúc. Lý thuyết chức năng về hệ thống xã hội đặc trưng bởi sự phân tích chức năng của các bộ phận cấu thành của hệ thống xã hội. Lý thuyết chức năng có nhiều phiên bản với các tên gọi thuộc chủ thuyết chức năng (functionalism, chức năng luận, thuyết chức năng, chủ nghĩa chức năng) và lý thuyết này lớn mạnh đến mức còn được gọi chung là lý thuyết hệ thống trong xã hội học. Thuyết chức năng chú trọng nghiên cứu mối quan hệ của chỉnh thể và các bộ phận của hệ thống xã hội: câu hỏi nghiên cứu là các bộ phận có mối quan hệ với nhau như thế nào và thực hiện chức năng nào đối với toàn hệ thống? Cấu trúc của toàn thể hệ thống và cả hệ thống có tác động như thế nào tới các bộ phận của hệ thống?
Một phiên bản nổi tiếng nhất, thuộc loại điển hình, kinh điển là lý thuyết chức năng của Talcott Parsons về hệ thống xã hội là lý thuyết điển hình, kinh điển. Theo Talcott Parsons, hệ thống xã hội là bất kỳ một hệ thống ổn định nào của mối tương tác giữa hai hay nhiều hơn hai tác nhân xã hội (social actors) và bao gồm toàn thể xã hội với tính cách là hệ thống xã hội luôn trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài gồm thế giới tự nhiên và các hệ thống xã hội khác. Hình thức cụ thể nhất của lý thuyết chức năng theo Parsons là lý thuyết hệ thống bốn chức năng. Theo lý thuyết này, hệ thống xã hội bị phân hóa thành bốn tiểu hệ thống tương ứng với bốn chức năng mà hệ thống phải thực hiện này và ký hiệu là AGIL. Đó là bốn chữ viết tắt lần lượt của các thuật ngữ tiếng Anh: Adaptation nghĩa là thích ứng, Goal attaintement – hướng đích, đạt mục đích; Integration – đoàn kết, Latent pattern maintainance – duy trì khuôn mẫu lặn.
Một phiên bản khác của lý thuyết chức năng do Stanley Eitzen và các đồng sự đưa ra. Theo lý thuyết này, hệ thống xã hội luôn có tính trật tự và do vậy có thể dự báo được. Đồng thời hệ thống luôn có ranh giới xác định về mặt thành viên phụ thuộc lẫn nhau và phạm vi hoạt động. Hệ thống được tạo bởi các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau, gắn kết với nhau tạo thành một chỉnh thể có chức năng tự duy trì - ranh giới trong môi trường xác định.
Như vậy, theo cách tiếp cận lý thuyết chức năng, hệ thống biểu hiện trên hai cấp độ: một là cấp độ toàn thể, chỉnh thể của hệ thống, ví dụ xã hội, cộng đồng, cơ quan, tổ chức, gia đình hay bất kỳ một nhóm nào. Hai là cấp độ các bộ phận cấu thành của hệ thống, ví dụ các thành viên của tổ chức, các nhóm của cộng đồng hay các lĩnh vực hoạt động. Chức năng là hành vi, hoạt động mà hệ thống hay bộ phận cấu thành của hệ thống thực hiện trong mối tương tác với môi trường xung quanh. Các tác giả của thuyết chức năng phân biệt các loại chức năng và phi chức năng, chức năng tích cực và chức năng tiêu cực, chức năng trội và chức năng lặn.
Lý thuyết cấu trúc cho rằng hệ thống xã hội là sự sắp đặt của các mối quan hệ của các bộ phận cấu thành hệ thống xã hội. Các bộ phận như các cá nhân, nhóm gắn kết với nhau thông qua cấu trúc của các trao đổi (exchanges), nhờ vậy mà việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cũng dễ dàng hơn. Hệ thống xã hội được tạo bởi các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau gắn kết với nhau trong một trạng thái hay một khuôn mẫu ít nhiều ổn định trong thời gian nhất định mà thay đổi ở một bộ phận này gây ảnh hưởng tới toàn bộ các bộ phận còn lại của hệ thống. Cách tiếp cận lý thuyết cấu trúc của Beth Hess và các đồng sự cho biết cấu trúc xã hội bao gồm các hệ thống, các nhóm và các tổ chức. Theo quan niệm này, hệ thống xã hội, với tính cách là một bộ phận của cấu trúc, là cách sắp đặt các quan hệ, các vị thế và các vai xã hội tách biệt khỏi các cá nhân nắm giữ vị thế và thực hiện các vai xã hội .
Tài liệu tham khảo
1. Allan G. Johnson. 1995.The Blackwell Dictionary of Sociology: A User’s Guide to Sociological Language. Massachusetts: Blackwell Publishers Ltd. 1995. P. 265-26
2. Beth B. Hess, Elizabeth W. Markson, Peter J. Stein. Sociology. 5th Edition. Boston: Allyn and Bacon. 1996. Tr. 73-74.
3. David Jary & Julia Jary. The HapperCollins Dictionary of Sociology. New York: HapperCollins Publishers, Ltd. 1991. P. 466.
4. S. Duncan Mitchell (editor). A New Dictionary of Sociology. London and Henley: Routledge & Kegan Paul Ltd. 1979. P. 203-204.
5. G. Endruweit và G. Trommsdorff (1989). T. Endruweit và G.. Nxb Thweit và G. Trommsdorff (1989). Pau
6. George A. Theodorson and Achilles G. Theodorson. A Modern Dictionary of Sociology. New York: Thomas Y. Crowell Company. 1969. P. 395.
7. Nicholas Abercrombie, Stephen Hill, Bryan S. Turner. The Penguin Dictionary of Sociology. 4th Edition. New York: Penguin Books. 2000. Pp. 327-328. Theo David Jary & Julia Jary. Sđd. Tr. 466; Talcott Parsons (1951). The Social System. 2nd edition. The Free Press, Glencoe, Illinois. 1952; Talcott Parsons (1959). “General Theory in Sociology” in Robert K. Merton, Leonard Broom, Leonard S. Cottrell, Jr. (Eds.). Sociology Today: Problems and Prospects. New York: Basic Books, Inc. Publishers, 1959. Pp. 3 – 38.
8. Ralph Linton trích theo Beth B. Hess, Elizabeth W. Markson, Peter J. Stein. Sociology. 5th Edition. Boston: Allyn and Bacon. 1996. Tr. 74
9. Stanley Eitzen, Maxine Baca Zinn and Kelly Eitzen Smith. In Conflict and Order: Understanding Society. Boston: Allyn and Bacon. 2010. Pp. 41-43
10. Talcott Parsons (1951). The Social System. 2nd edition. The Free Press, Glencoe, Illinois. 1952; Talcott Parsons (1959). “General Theory in Sociology” in Robert K. Merton, Leonard Broom, Leonard S. Cottrell, Jr. (Eds.). Sociology Today: Problems and Prospects. New York: Basic Books, Inc. Publishers, 1959. Pp. 3 – 38; Lê Ngs (1959).LNew York: Basic Books, Inc. PubNxb ĐYork: Basic Books, Inc. Publishers, 1