Hệ thống thông tin nông nghiệp (tiếng Anh Agricultural Information System) là hệ thống hỗ trợ việc khởi tạo, chuyển đổi, tổng hợp, tiếp nhận và phản hồi... thông tin nông nghiệp để làm cơ sở cho việc sử dụng tri thức của người sản xuất nông nghiệp.
Thành phần chính[sửa]
Hệ thống thông tin nông nghiệp bao gồm các thành phần:
(i) Các quá trình liên quan đến thông tin, cho phép tạo, chuyển đổi, lưu trữ, truy xuất, tích hợp, khuếch tán và sử dụng;
(ii) Cơ chế hệ thống, tức giao diện và mạng;
(iii) Hoạt động của hệ thống, tức điều khiển và quản lý.
Ngoài ra, việc phân tích hệ thống thông tin nông nghiệp trong một hệ thống canh tác cụ thể có thể cung cấp việc xác định các thành phần và cấu trúc cơ bản của hệ thống, các nguồn thông tin khác nhau được sử dụng bởi các thành phần khác nhau trong hệ thống, sự hiểu biết về cách hệ thống hoạt động thành công và cách cải thiện hiệu suất hệ thống. Cách tiếp cận này cũng hữu ích để xác định các giá trị mặc định có thể có và cải thiện sự phối hợp giữa các thành phần. Một số yếu tố khác:
1. Việc trao đổi thông tin, tức truyền thông, qua mạng giữa các thành phần hệ thống là quan trọng để tạo ra công nghệ và chuyển giao thông tin thành công;
2. Lý thuyết về hệ thống thông tin cho phép sử dụng phương pháp luận hệ thống mềm, để một nhóm các tác nhân đang đối mặt với một vấn đề chung có thể giải quyết nó trong một quá trình chung.
Thông tin trong hệ thống thông tin nông nghiệp[sửa]
Thông tin nông nghiệp là thông tin liên quan đến vấn đề nông nghiệp. hệ thống thông tin nông nghiệp với nhân là cơ sở dữ liệu về vấn đề nông nghiệp cần có những loại thông tin:
- Thông tin về thị trường nói chung và thị trường nông nghiệp nói riêng. Thông tin này liên quan đến xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp;
- Thông tin thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Thông tin này cần thiết cho nông dân và người tổ chức sản xuất nông nghiệp;
- Thông tin về chính sách nhà nước được vấn đề nông nghiệp;
- Thông tin về tiến bộ khoa học kĩ thuật. Thông tin này gồm (i) sự phát triển của khoa học công nghệ; (ii) công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Nguồn thông tin[sửa]
Nguồn thông tin đối với hệ thống thông tin nông nghiệp. Khi xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn. Đặc biệt các công cụ thu thập dữ liệu tự động như thiết bị IoT có ý nghĩa quan trọng. Các nguồn có thể (i) nông dân; (ii) tổ chức khuyến nông; (iii) tư nhân buôn bán vật tư nông nghiệp; (iv) tổ chức nhà nước; (v) các tổ chức của nông dân…
Tại Việt Nam, qua 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản phẩm gia tăng nhiều lần, sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Thực tế, quy mô sản xuất nhiều ngành hàng còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản chưa cao. Mặt khác, khu vực nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững. hệ thống thông tin nông nghiệp với các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Đồng thời hệ thống thông tin nông nghiệp hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất.
Các hoạt động chính[sửa]
Kinh nghiệm sử dụng dự án hệ thống thông tin nông nghiệp tại Pakistan cho thấy cần có các hoạt động chính:
1. Về đào tạo. (i) Đào tạo về Thống kê, viễn thám, GIS và điện toán di động để cải thiện diện tích cây trồng và ước tính năng suất, nâng cao năng lực của cấp tỉnh trong việc sử dụng hình ảnh vệ tinh để đưa ra dự báo và ước tính cây trồng; (ii) sử dụng vệ tinh dựa trên kỹ thuật Khung theo vùng; (iii) Thiết kế và kiểm tra các chiến lược lấy mẫu; (iv) Xây dựng tiêu chuẩn che phủ đất, công cụ, phương pháp luận và quy trình làm việc để tạo cơ sở dữ liệu, làm giàu và khảo sát thực địa để xác nhận; khảo sát và đánh giá phương pháp luận;
2. Hỗ trợ kỹ thuật. Có dự án trợ giúp (i) xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đào tạo; (ii) thiết lập các đơn vị có chức năng dịch vụ báo cáo thu hoạch;
3. Về tổ chức dữ liệu và phổ biến thông tin. (i) Phát triển và duy trì trang Web của dự án; (ii) Thông tin, tài liệu và dữ liệu liên quan: hệ thống và công cụ hỗ trợ, sáng kiến phát triển năng lực, báo cáo, thống kê, ấn phẩm và tài liệu tiếp cận; (iii) Phát triển Cổng thông tin cây trồng, giao diện dựa trên Web; (iv) Lập danh mục dữ liệu không gian địa lý dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ nguồn mở.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- http://www.fao.org/, 2020
- Nisansala Vidanapthirana, Agricultural information systems and their applications for development of agriculture and rural community, a review study, Project: E-learning, 2019.
- Đỗ Trung Tuấn, Khoa học dữ liệu, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, 2021