Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu

Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu, hình thành tại Hội nghị Khí hậu thế giới lần thứ hai (1992) khi các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đồng ý hỗ trợ, phát triển, thực hiện cơ chế thu thập, chia sẻ dữ liệu khí hậu. Sau thỏa thuận Paris được ký kết, tại COP 21 năm 2015, hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu thêm yêu cầu giám sát phát thải, giảm phát thải, đánh giá thích ứng và khả năng chống chịu với biến đổi khí, nhu cầu dữ liệu để phát triển năng lực và nhận thức cộng đồng. Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Hội đồng Khoa học quốc tế tài trợ thực hiện hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu. Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu quan trắc tại chỗ và vệ tinh báo cáo đầy đủ lên UNFCCC. Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu có quan trắc vật lý, hóa học và sinh học tin cậy về khí quyển, đại dương, đất liền kể cả chu trình thủy văn, chu trình carbon và tầng băng tan từ nhiều mạng lưới quan trắc trên thế giới. Việt Nam tham gia UNFCCC từ năm 1992 và hiện tích cực tham gia hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu.

Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu gồm Hệ thống quan trắc tích hợp toàn cầu, Cơ quan giám sát khí quyển toàn cầu, Hệ thống quan trắc chu kỳ thủy văn thế giới và Hệ thống quan trắc đại dương toàn cầu do Ủy ban Hải dương học thế giới đứng đầu. 50 thông số khí hậu chính tác động đến biến đổi khí hậu là thông tin có kiểm chứng, có nguồn gốc cập nhật được cấp cho UNFCCC và các bên liên quan.

Danh mục quan trắc khí hậu toàn cầu là bản ghi các nhu cầu về đánh giá hiện trạng hệ thống quan sát khí hậu, xác định mức độ đầy đủ, khoản thiếu, yếu của thông tin; triển khai hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu để thiết lập mới hoặc nâng cấp hệ thống hiện để đo lượng bức xạ Trái đất, bức xạ bề mặt, khí nhà kính, hơi nước, mây và aerosol; kết nối các cơ quan nghiên cứu, người sử dụng đưa yêu cầu dữ liệu giám sát và dự báo trạng thái động học, vật lý và hóa học của khí quyển, theo thời gian, mùa vụ ở cấp độ khu vực và toàn cầu; nhu cầu chuyển giao và tiếp cận cộng đồng, khôi phục dữ liệu hiện tại và đã qua. Ban quan sát khí hậu đưa đề nghị quan trắc khí hậu theo giai đoạn, kết nối vấn đề xã hội, vùng và liên vùng như vùng ven biển cho các hoạt động:

  1. Tư vấn khoa học kỹ thuật, điều phối, thực hiện hệ quan trắc của Ủy ban Kỹ thuật về Hải dương học và Khí tượng biển
  2. Điều phối mạng lưới đóng góp và khuyến khích các khu vực, các quốc gia cam kết đóng góp, thúc đẩy thực tiễn tốt nhất và tiêu chuẩn cần tuân thủ
  3. Xem xét ưu tiên quan sát vật lý biển và liên quan
  4. Thu hút cộng đồng và các bên liên quan đánh giá mức độ sẵn sàng, tính đầy đủ của công nghệ quan trắc biển và vùng ven biển lập kế hoạch triển khai và các hoạt động cần thiết.

Hiện tại, hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu và hệ thống quan sát vệ tinh hữu ích trong hỗ trợ các quyết định về khí hậu và biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và toàn cầu, nhưng cần các quan trắc và quan sát hỗ trợ để phục vụ ra quyết định ở cấp địa phương. Ví dụ như hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu cung cấp thông số qua trọng về thay đổi lớp phủ bì, thảm thực vật là một thông số đầu vào quan trọng ở cấp địa phương cho việc ước tính lượng phát thải từ lĩnh vực "sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và lâm nghiệp", ước tính lượng phát thải và giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính quốc gia; các nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như cơ chế REDD (giảm phát thải từ suy thoái rừng và phá rừng).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. O'Connor B., Bojinski S., Röösli C., Schaepman M. E., Monitoring global changes in biodiversity and climate essential as ecological crisis intensifies. Ecol. Inf., 55, 2020.
  2. The Global observing system for climate change. World Meteorological Organization, 2016.
  3. The Global Observing System for Climate: Implementation Needs. Doi: 10.13140/RG.2.2.23178.26566, 2016.