Hạn khuống loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, hát giao duyên của người Thái vùng Tây Bắc, được thực hiện trên một sàn hoa cao khoảng 1,5m dựng ở ngoài trời. Trong tiếng Thái, hạn có nghĩa là sàn, khuống là sân, là đất trong bản; hạn khuống nghĩa là một cái sàn được lắp đặt trên một khoảng sân, khoảng đất trống. hạn khuống được dựng lên với một mục đích duy nhất là để người dân trong bản, đặc biệt là nhóm trai gái nam thanh nữ tú đến sinh hoạt giao lưu ca hát, tâm tình, sẻ chia những nỗi niềm, kinh nghiệm trong cuộc sống mỗi khi công việc nhàn rỗi nên từ này đã trở thành tên gọi cho loại hình diễn xướng dân ca trên chính chiếc sàn đó.
Đến nay, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về sự ra đời và thời gian tồn tại của hạn khuống, chỉ biết rằng loại hình nghệ thuật này đã có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình khai phá, định cư tại các vùng đất của tộc người Thái. Chẳng hạn trên vùng đất Nghĩa Lộ, Mường Lò, theo ký ức của người dân kể lại, nghệ thuật hạn khuống ra đời và tồn tại cùng với lịch sử khai phá, cư trú của bà con người Thái nơi đây từ thế kỷ XI, XII. hạn khuống thường được tổ chức một đến hai lần một năm theo vụ mùa nông nghiệp của đồng bào, vào thời điểm cuối thu, đầu đông (đầu mùa khô hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa xong) hoặc là đầu mùa xuân năm mới. Trước kia, mỗi bản thường có từ một đến năm, sáu hạn khuống, có bản nhiều nhất còn tới 12 hạn khuống. Sân chơi này bị gián đoạn, không còn được tổ chức tập trung tại các khu đất trống trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng bản làng (khoảng từ năm 1919), nhưng vẫn diễn ra nhỏ lẻ trên các sàn nhà người Thái, tạo ra các hình thức phái sinh của hạn khuống là dú khuống (tức là phân tán từng tốp nhỏ đốt lửa tụ họp ngay giữa sân đất, không làm sàn), và dú chàn (tức là ca hát trên sàn phơi đầu nhà). Hòa bình lập lại, ngay từ năm 1956, bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu đã là nơi đầu tiên tổ chức lại sân chơi hạn khuống cho bà con. Tiếp ngay sau đó các bản Chiềng Chung xã Quài Cang huyện Tuần Giáo và xã Sốp Cộp huyện sông Mã cũng dựng lại hạn khuống. Từ những năm 2000 tới nay, tại hầu khắp các địa phương có người Thái sinh sống (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái…), nghệ thuật hạn khuống đã được khôi phục, trình diễn phục vụ cho mục đích phát triển du lịch, tổ chức lễ hội và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Sàn hạn khuống thường được dựng bằng vật liệu tre, gỗ, ở nơi đất rộng rãi, bằng phẳng, thoáng đãng, thuận lợi về đường đi lối lại nhất trong bản để mọi người có thể đến chơi. Mặt sàn hình vuông hoặc chữ nhật, diện tích khoảng từ 20 – 30 m2, cao từ 1 - 1,5m, dát bằng tre hoặc phên nứa. Bao quanh sàn sân là một hàng chấn song bằng tre, nứa, cao khoảng 40-50 cm, đan hình mắt cáo, và cắm ta leo ở các góc. Có từ 5 đến 6 hàng cột bằng tre chống sàn phía dưới. Lối lên xuống là một chiếc thang bằng tre, từ 3 đến 5 bậc, có thể thu lên, dựng xuống. Trên sàn hạn khuống có một bếp lửa ở vị trí trung tâm. Cạnh bếp lửa là một cây tre cao to, dóc sạch cành, chỉ để lại ít lá gọi là lắc sáyk cốc (gốc sàn), do cô gái tổn khuổng cốc (trưởng nhóm) làm chủ. Cây này tượng trưng cho trụ của trời đất, trên cây treo một vòng tròn là biểu tượng của mặt trăng, các ống nước, con vật (ve sầu, chim, cá..), quả được đan bằng lạt nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng thể hiện sự hài hòa của sự sống trong vũ trụ, âm dương hòa hợp, tươi tốt. Ở bốn góc sàn lại có bốn cây tre khác, tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam. Bắc, gọi là cây lắc xáyk do các cô sao tổn khuống (gái sàn khuống) làm chủ (mỗi sàn hạn khuống có từ 5,7 đến 11,13 cô gái). Các cây này treo các dải hoa văn giăng đến gốc sản. Ngoài ra, trên sàn hạn khuống còn để các vật dụng như chuông phiến, điếu hút thuốc, ghế ngồi, khung cửi, cuộn vải, ớp, ống nước…để người đến chơi sử dụng.
Khi sàn hạn khuống được dựng xong, công tác chuẩn bị đã hoàn thiện, dân bản sẽ tổ chức lễ cúng các phi (ma, thần linh) giữ đất, giữ rừng phù hộ cho sinh hoạt hạn khuống của bản được bình an, tốt đẹp. Thành phần tham dự buổi lễ có thầy mo, trưởng bản, già bản, nhóm sao tổn khuống, thanh niên nam nữ và bà con trong bản. Lễ vật được chuẩn bị gồm có lợn, gà rượu, vải thổ cẩm. Mâm lễ do cô tổn khuống cốc đội lên sàn, đặt ở phía bên trái của bếp lửa, sau đó tổn khuống cốc cầm bó đuốc đi vòng quanh hạn khuống một vòng rồi bước lên sàn đến bếp để nhóm lửa. Các cô gái khác mang các dụng cụ thêu thùa, dệt vải… của mình lần lượt bước cầu thang lên sàn, vừa lên vừa nói: khửn Hạn khuống máư hảo hăn nơ (lên hạn khuống mới được mạnh khỏe nhé). Lúc này, thầy mo, già làng, tạo bản cùng các nam nữ thanh niên và bà con trong bản đứng ở dưới sân cũng nói những lời chúc nhau sức khỏe. Khi bếp đã có ngọn lửa cháy to, tổn khuống cốc cất tiếng mời gọi: Xin mời bà con và các thanh niên nam nữ trong bản lên hạn khuống cùng chúng tôi nhé!. Thầy mo, già làng, trưởng bản là những người tiếp theo bước lên sàn, vừa lên vừa nói: Lên hạn khuống mạnh khỏe nhé! Thầy mo đến bên mâm lễ thắp ba nén hương cắm vào bát gạo và bắt đầu cúng mời các phi về hưởng lễ vật và phù hộ. Khi thầy mo cúng xong, mâm lễ được thu dọn cất đi rồi, trưởng bản và người già có uy tín trong bản sẽ có vài lời căn dặn với thanh niên nam nữ khi đến chơi hạn khuống. Phần lễ kết thúc, đêm hội hát giao duyên trai gái chính thức được bắt đầu.
Trình tự lời hát trong nghệ thuật hạn khuống có năm phần là xo tham khửn ỉn hạn khuống, tham báo dú tang đaư (hát xin lên chơi sàn hạn khuống, hát hỏi thăm nhau từ đâu đến); khắp xo đay (hát xin thang); tham do dọn tắng (hát hỏi mượn ghế ngồi); dọn tùng quân (hát mượn điếu hút) và khắp báo xao (hát giao duyên). Bốn phần đầu là những bài hát bắt buộc, theo tuần tự mà các bên tham gia chơi phải hát trước khi chuyển sang phần năm - hát giao duyên (hát tự do). Trong cuộc hát, tổn khuống cốc có vai trò chủ trì, điều phối, châm ngòi, giữ nhịp. Bốn cô sao tổn khuống ngồi ở bốn góc sàn, cạnh bốn cây lắc xáyk có nhiệm vụ phù trợ, điểm xuyết, làm nền, tạo thêm không khí sinh động, bất ngờ cho cuộc chơi. Họ vừa cán bông, kéo sợi, thêu thùa,... vừa thân mật chuyện trò vui vẻ. Thanh niên trong vùng rủ nhau đến chơi hạn khuống, mỗi đoàn cử ra một, hai người đàn hay, hát giỏi, am hiểu để chào hỏi và xin được lên sàn tâm sự. Họ cứ hát đối đáp qua lại để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho bên trai lên thang, mượn ghế ngồi, mượn điếu hút, cho nước uống. Sau đó, các chàng trai chủ động tìm đến ngồi cạnh người con gái mà mình thích, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, tiếng đàn sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ (nữ), đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình (nam),…Kẻ lên người xuống, kẻ đứng người ngồi khá tấp nập. Các cụ già, các bà các cô đã có chồng hoặc các em thiếu niên trong bản cũng đến góp vui, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi tài ăn nói, thêu thùa, đàn hát.
Qua thời gian, số lượng các lời hát, bài hát hạn khuống được sưu tầm, ghi chép lại ngày càng nhiều, với nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện tình yêu bản mường, tình yêu trai gái thủy chung và ước vọng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Về làn điệu, lối khắp (hát) hạn khuống cũng khác nhau ở các vùng. Người Thái Sơn La là sử dụng làn điệu hà ôi (mở đầu câu hát bằng tiếng hà ôi kéo dài); riêng hạn khuống ở Mường Lò lại sử dụng làn điệu hăn nê (lối hát đặc trưng chỉ có ở Mường Lò, mở đầu câu hát bằng tiếng hăn nê kéo dài)…
hạn khuống còn là một hình ảnh biểu tượng xuất hiện nhiều trong sáng tác văn học dân gian của người Thái (truyện thơ, truyện cổ tích…) biểu thị cho khát vọng tình yêu, tuổi trẻ, kỉ niệm thời thanh niên trai gái chưa vợ chưa chồng của các chàng trai, cô gái. Nhắc đến hạn khuống người ta thường nghĩ đến những gì tốt đẹp, bình an, tươi trẻ nhất của đời người. Các cô gái trước khi rời sàn hạn khuống đi lấy chồng thường hát lời dặn dò các em gái út, các em gái nhỏ thay mình vun vén sàn hạn khuống: “Cùng đến đây ơi các em gái/ Cùng nhau chơi cho hết thời hoa ban/ Trò chuyện tâm tình cho hết thời trai gái trẻ”. Trên các phương tiện truyền thông, hạn khuống trở thành biểu trưng bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có của tộc Thái Tây Bắc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cầm Biêu, Hạn Khuống, Nxb.Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991.
- Hoàng Trần Nghịch, Dân tộc Thái, nguồn gốc – đặc điểm văn hóa phong tục, ngôn ngữ, chữ viết, tác phẩm, bản thảo viết tay của tác giả, Sơn La, 2011.
- Hạn khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Hồ sơ tài liệu Trung tâm quản lý di tích và phát triển du lịch Yên Bái (bản đánh máy).