Hương thầm là một thi phẩm do tác giả Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác năm 1969[1].
Lịch sử[sửa]
Theo hồi tưởng của nữ tác giả Phan Thị Thanh Nhàn, thi phẩm Hương thầm được bà sáng tác đúng mùa hoa bưởi (tháng 03) năm 1969 để ghi nhớ ngày cậu em Phan Hữu Khải (1953 - 1972) lên đường ra trận[2]. Dạo ấy, nhà bà ở đê Yên Phụ, vườn sau có cây bưởi cứ tới mùa hoa lại tỏa hương ngào ngạt, em trai hay hái đầy rồi bỏ làn cho chị đi làm. Mà ở lớp cấp III có cô bạn thầm thương trộm nhớ người em ấy, nhưng chính cậu không hề biết, chỉ có người chị gái tinh ý đoán biết nên ra sức vun vén.
Trong cuộc thi thơ năm 1969-70 của tuần báo Văn Nghệ, thi phẩm Hương thầm đoạt giải nhì cùng các bài của Vương Anh và Bế Kiến Quốc (giải nhất là Phạm Tiến Duật lúc đó đang làm bộ đội Trường Sơn). Năm 1972, trong giai đoạn cam go của chiến dịch Quảng Trị, Hương thầm được Đài Tiếng nói Việt Nam soạn thành bản ngâm phát ra tiền phương. Chiến sĩ Phan Hữu Khải vội biên thư về bảo chị rằng đã nghe bài này, nhưng bà chưa kịp hồi âm rằng đây chính là món quà bà tặng cậu em thì Phan Hữu Khải đã hi sinh tại địa phận A Lưới[3].
Nội dung[sửa]
Hương thầm kể mối tình tế nhị giữa một thiếu nữ với một chàng mà nhà hai đứa chỉ cách nhau có một cửa sổ, ở giữa có cây bưởi tỏa hương ngây ngất. Người trai ấy sắp lên đường ra trận, người con gái vội hái hoa bưởi giấu trong chiếc khăn tay đem tặng chinh nhân. Cho mãi đến lúc chia tay, cả hai vẫn không nói với nhau một lời, chỉ có hương bưởi ngan ngát theo chân người ra tiền phương.
Cả bài gồm 7 khổ 26 dòng, theo thể tự do - một điểm mới lạ ở văn học Bắc Bộ thập niên 1960. Nhịp thơ chậm, thi pháp thể hiện sự tế nhị trong tình cảm lứa đôi. Tác giả dùng nhiều từ láy nhưng không xử dụng bất cứ biện pháp tu từ nào như thơ truyền thống. Không gian vắng, thì gian không xác định, đôi nhân vật không nói, chỉ có mối tình lặng và hương hoa thơm ngát.
Văn hóa[sửa]
Mặc dù được sáng tác từ rất sớm thời chiến, nhưng do những biến động xã hội mà thi phẩm hầu như chỉ được tiếp nhận trong tầng lớp chiến sĩ và thanh niên học sinh miền Bắc. Mãi tới năm 1984, trong giai đoạn Phong trào ca khúc chính trị đang lên, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã phổ nhạc cho Hương thầm, hầu như được coi là tiếp bước thành công của Màu tím hoa sim.
Nhờ vậy, Hương thầm lại được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông thập niên 1980. Đồng thời, nguyên tác cũng được khắc lên đại thạch bi nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới[4].