Mục từ này cần được bình duyệt
Hiệp ước Nhâm Tuất
(đổi hướng từ Hiệp ước nhâm tuất)

Hoàn cảnh ra đời

Sau khi hoàn thành đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (đầu năm 1862), tướng Pháp là Bôna đã nhân cơ hội vua Tự Đức muốn “nghị hòa”, cùng với các đại diện của triều đình Huế là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862.

Về phía quân Pháp, dù đánh thắng và chiếm được đất, nhưng nghị hòa sớm ngày nào thì sẽ có lợi. Thực tế trên chiến trường Nam Kỳ chúng không đủ binh lực để chiếm rộng ra và bình định các nơi đã chiếm được trước sự tấn công quyết liệt và bền bỉ của quân ta. Dư luận nước Pháp cũng chưa nhất trí về việc xâm chiếm Việt Nam. Trong điều kiện đó, thực dân Pháp chỉ mong ký kết hòa ước với triều đình Huế để vừa giữ nguyên các vùng đất đã chiếm, vừa có thời gian chuẩn bị để mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Với tình hình đó, cuộc nghị hòa diễn ra nhanh chóng. Ngày 5/5/1862, phái viên của Bonard đem thư nghị hòa ra Huế thì đúng 1 tháng sau, ngày 5/6/1862, Hòa ước đã được ký kết tại Sài Gòn.

Nội dung Hòa ước

Nội dung Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862 được ký kết gồm 12 điều khoản:

1. Từ khi hai nước Pháp và Tây Ban Nha ký hòa ước với nước Việt Nam, nhân dân ba nước không kể người nào ở địa phương nào, đều đối xử với nhau trên tình hữu nghị lâu dài.

2. Vua Việt Nam phải bỏ lệnh cấm đạo trên toàn lãnh thổ. Ai muốn theo đạo cũng cho, ai không muốn theo cũng không bắt buộc.

3. Ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn giao cho nước Pháp quản hạt. Thuyền buôn của Pháp chạy trên biển, trên sông, lên Cao Miên buôn bán đều được tự do.

4. Từ sau khi ký hòa ước, nếu có nước khác đến lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam, thì nước Pháp cũng coi nước ấy là bạn. Nhưng trước khi quyết định, Chính phủ Việt Nam nên hỏi ý kiến nước Pháp. Nếu nước Pháp đồng ý mới được.

5. Triều đình Huế phải mở 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho tàu Pháp và Tây Ban Nha sang buôn bán.

6. Nếu người nước khác đến buôn bán ở nước Nam, thì các quan nước Nam không được tư vị giúp đỡ hơn 2 nước Pháp và Tây Ban Nha. Nếu có sự ích lợi gì về buôn bán dành cho các nước khác thì cũng dành cho Pháp và Tây Ban Nha. Nếu có việc công khẩn yêu cầu bàn bạc thì đều phái viên Khâm sai đại thần hoặc họp ở kinh đô nước Nam hoặc ở kinh đô hai nước kia mới được.

7. Khi có tàu hai nước Pháp và Tây Ban Nha đến Đà Nẵng thì dừng dại. Viên Khâm sứ sẽ theo đường bộ đi ra kinh đô Huế. Sau khi ký hòa ước, người và tài sản bị Pháp bắt giữ đều thả và trả hết. Ngược lại, triều đình cũng không bắt tội những người đã hợp tác.

8. Triều đình Huế phải bồi thường chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha là 4 triệu đô la, trả trong 10 năm, mỗi năm 40 vạn, nộp cho Pháp tại Sài Gòn. Vì Việt Nam không dùng đô la nên quy định 1 đô la bằng 0,72 lạng bạc.

9. Nếu có bọn trộm cướp làm giặc quấy rối tại vùng thuộc chính quyền Pháp mà trốn sang miền lãnh thổ thuộc chính quyền nước Nam, khi có giấy tư sang của quan chức Pháp thì các quan chức Nam bắt giao cho chính quyền Pháp xử lý, và ngược lại.

10. Từ sau khi ký hòa ước, nhân dân 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên qua buôn bán trên phần đất thuộc Pháp, nạp đủ thuế khóa thì được tự do. Nếu vì việc công mà quân lính, lương thực, súng đạn, khí giới muốn qua lại cửa tiểu để chuyên chở, chính quyền Pháp cũng chuẩn cho.

11. Nước Pháp sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho triều đình Huế, một khi triều đình Huế chấm dứt được các cuộc khởi nghĩa và gọi các quan chức chống Pháp đang hoạt động trong 2 tỉnh Định Tường và Gia Định về.

12. Sau khi đại diện 3 nước là Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam ký vào bản hòa ước thì bản hòa ước bắt đầu có hiệu lực. Hạn trong 1 năm vua ban nước phê chuẩn rồi giao nhau tại kinh đô nước Nam để lưu chiểu.

Ý nghĩa

Với việc ký kết Hòa ước năm 1862, làn sóng đấu tranh phản đối triều đình thỏa hiệp, cắt đất cho Pháp dâng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hơn nữa, việc ký kết Hiệp ước đã tạo bàn đạp cho Pháp mở rộng xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Kinh Quốc (2001), Việt Nam - Những sự kiện lịch sử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

2. Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện sử học, Võ Kim Cương (2016), Lịch sử Việt Nam tập 6, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Viện sử học (1975), Đại Nam Thực Lục tập 33, Nxb. Khoa học Xã hội, HN.