E ngại là xu hướng cảm thấy không thoải mái, lo lắng hoặc căng thẳng trong bối cảnh xa lạ, đặc biệt là khi gặp gỡ những người không quen biết.
E ngại là cảm xúc phổ biến của con người, đôi khi có sự pha trộn giữa sợ hãi và thích thú. E ngại cũng được coi là một nét tính cách thể hiện sự ý thức quá mức về bản thân, đặc trưng bởi sự tự đánh giá tiêu cực, khó chịu và/hoặc ức chế trong các tình huống xã hội, cản trở việc theo đuổi các mục tiêu cá nhân hoặc nghề nghiệp. Hầu hết mọi người thỉnh thoảng cảm thấy e ngại nhất thời khi trải qua tình huống xã hội mới, khi tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, một số người lại thường xuyên cảm thấy e ngại khiến họ không thể tương tác với người khác ngay cả khi họ muốn hoặc cần tương tác. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và công việc. Người e ngại khác với người hướng nội ở chỗ: Trong khi người hướng nội không sợ tình huống xã hội mà chỉ thích hoạt động một mình thì người e ngại/nhút nhát muốn giao tiếp với người khác nhưng không biết phải làm như thế nào hoặc không vượt qua được nỗi lo lắng/nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực trong khi giao tiếp với người khác.
Các thành phần nhận thức, hành vi, sinh lý và cảm xúc cấu thành nên trải nghiệm e ngại/nhút nhát của mỗi cá nhân. Chúng ta có thể nhận biết sự e ngại qua các biểu hiện của một hoặc tất cả các thành phần: nhận thức (ví dụ: tự đánh giá tiêu cực quá mức), cảm xúc (ví dụ: xấu hổ, lo lắng, căng thẳng, không thoải mái ở mức độ cao), sinh lý (ví dụ: đỏ mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh hoặc đau bụng) và hành vi (ví dụ: không trả lời, nói ấp úng, bỏ đi). Sự e ngại nhút nhát thường đi liền với lòng tự trọng thấp. Nó cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra chứng lo âu xã hội.
Nghiên cứu xuyên văn hóa xác nhận tính phổ biến của tính e ngại. Một tỷ lệ đáng kể những người tham gia ở tất cả các nền văn hóa cho biết họ đã trải qua sự e ngại, từ mức thấp là 31% ở Israel đến mức cao là 57% ở Nhật Bản và 55% ở Đài Loan. Ở Mexico, Đức, Ấn Độ và Canada, tỷ lệ người e ngại/nhút nhát gần với mức 40% được báo cáo ở Mỹ. Những giải thích về sự khác biệt văn hóa trong tính e ngại đã tập trung vào sự khác biệt giữa các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, vốn thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau, do đó thúc đẩy mối quan tâm về việc xúc phạm và các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, thúc đẩy tính độc lập, thúc đẩy sự quan tâm về việc thể hiện bản thân. Phong cách văn hóa đổ lỗi hay khen ngợi có thể góp phần tạo ra những khác biệt này.
Tính hay e ngại được thúc đẩy bởi cả yếu tố di truyền và môi trường. Khoảng 15% trẻ sơ sinh có xu hướng hay e ngại. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt trong não của những người hay e ngại, mặc dù không phải có “gen e ngại”. Những đứa trẻ nhạy cảm cao độ dễ trở nên e ngại. Bên cạnh đó, xu hướng e ngại cũng bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm xã hội. Cha mẹ độc đoán hoặc quá bao bọc có thể khiến con cái trở nên e ngại. Trẻ em không được phép trải nghiệm mọi thứ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng xã hội. Phong cách làm cha mẹ ấm áp, quan tâm thường khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên những người khác. Ngoài ra, một đứa trẻ có thể sẽ bớt e ngại khi học tập hành vi giao tiếp ở trường học, khu dân cư, cộng đồng xã hội. Ở người lớn, việc thường xuyên bị chỉ trích ở nơi làm việc và sự sỉ nhục nơi công cộng có thể dẫn đến sự e ngại/nhút nhát.
Vượt qua sự e ngại cực độ là điều cần thiết để phát triển lòng tự trọng và các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Liệu pháp tâm lý có thể giúp người mắc chứng e ngại đối phó với sự e ngại. Họ có thể học được các kỹ năng xã hội, nhận thức đúng về sự e ngại của mình và hiểu được khi nào sự e ngại của mình là kết quả của suy nghĩ phi lý. Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu có thể giúp trẻ em và người lớn đối phó với sự lo lắng, vốn có thể là cơ sở cho sự e ngại. Liệu pháp nhóm cũng có thể hữu ích ở trẻ em và người lớn mắc chứng e ngại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cheek, J.M. & Watson, A.K., The definition of shyness: Psychological imperialism or construct validity?, Journal of Social Behavior and Personality, Vol. 4, No. 1, Shyness Psychology Today, 1989, pp. 89 - 95.
- Zimbardo, P. G., Shyness: What it is, what to do about it, Reading, MA: Perseus, 1998.
- Carducci, B. J., Shyness: A bold new approach, New York: Harper Collins, 1999.
- Alan E. Kazdin, PhD, Editor-in-Chief., Encyclopedia of psychology, Vol. 8, Hardcover, 2000.
- Henderson, L. M., & Zimbardo, P. G., Shyness as a clinical condition: The Stanford model, In R. Crozier & L. Alden (Eds.), The international handbook of social anxiety, New York: Wiley, 2002, pp. 431 - 447.
- Aron, E.N., Aron A., Davies K.M., Adult Shyness: The Interaction of Temperamental Sensitivity and an Adverse Childhood Environment, Personality and Social Psychology Bulletin, Vol. 31, No. 2, 2005, pp. 181 - 197.