Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Di sản văn hoá phi vật thể

Di sản văn hoá phi vật thể là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hoá của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hoá phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người (Khoản I, Điều 2, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO). Theo Luật Di sản văn hóa (2009), “di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (Điều 1).

Di sản văn hoá phi vật thể là lĩnh vực văn hóa được các quốc gia quan tâm chỉ đạo, định hướng bằng thể chế, chính sách và nguồn lực, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ cho các nghệ nhân, cộng đồng thực hành. Với hệ thống các văn kiện của UNESCO và luật pháp của chính phủ Việt Nam, cùng với một hệ thống các cơ quan, ban ngành quản lý, di sản văn hoá phi vật thể ngày càng có sự can thiệp từ bên ngoài. Sự tác động của thể chế, chính sách và các nguồn lực đã khôi phục và củng cố nhiều loại hình di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một, và đầu tư cho công tác bảo vệ và phát huy nhiều loại hình di sản tại cộng đồng. Với những nỗ lực từ phía nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, và gần 400 di sản trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Cùng với sự ghi danh, chính phủ và UBND các tỉnh, cũng như các ban ngành, các công ty, tổ chức và cá nhân liên quan coi di sản văn hoá phi vật thể như là một nguồn lực trong phát triển kinh tế và du lịch bền vững.

Với sự ra đời của Công ước 2003, di sản văn hoá phi vật thể đã được nhận diện, được bảo vệ theo hướng tiếp cận từ dưới lên, tức là từ cộng đồng chủ nhân của di sản. Công ước nhấn mạnh vai trò chủ động và tích cực của cộng đồng chủ nhân trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hoá phi vật thể. Họ cũng chính là những người trao truyền di sản giữa các thế hệ, đảm bảo di sản văn hoá phi vật thể tồn tại cho thế hệ hiện tại và cho tương lai, họ được ghi nhận như là “báu vật nhân văn sống” và được chính phủ Việt Nam tôn vinh là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nghệ nhân, người thực hành di sản trong một số trường hợp bị gạt ra ngoài lề trong quá trình di sản hóa, như các quá trình ghi danh di sản, xây dựng, thiết kế các chương trình, dự án về di sản, và thậm chí trong việc tổ chức, thực hành di sản.

Về nhận diện di sản văn hoá phi vật thể, một số học giả cho rằng những điều khoản của Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa đã tạo nên những “chuẩn mực” về định nghĩa di sản sống, tồn tại trong bối cảnh hiện tại hơn là những di sản với những giá trị lịch sử, ký ức được lưu truyền lại. Trong khi đó, việc ghi danh di sản văn hoá phi vật thể theo các tiêu chí được quy định bởi Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa cũng tạo nên những thay đổi về ý nghĩa, chức năng của di sản. Việc ghi danh di sản văn hoá phi vật thể càng ngày càng bị chi phối bởi những thể chế, những quyết định của các cấp có thẩm quyền và mong muốn của cộng đồng, người thực hành. Do vậy, việc ghi danh di sản cũng là một chủ đề tranh luận trong học thuật, một mặt sự ghi danh hướng tới mục đích bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể có hiệu quả hơn, đảm bảo sức sống của di sản và tầm nhìn, sự đối thoại, tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Mặt khác, sự ghi danh cũng làm tăng thêm quá trình di sản hóa, làm cho di sản ngày càng bị can thiệp bởi người ngoài, bởi hệ thống chủ thể quản lý, bởi các chuyên gia, và những cá nhân liên quan. Điều này khiến cho nhiều di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh mất dần đi ý nghĩa ban đầu của chúng đối với cộng đồng, và sự ghi danh một phần đã được lý giải theo nhiều cách hiểu khác nhau phục vụ cho các mục đích quảng bá hình ảnh di sản, thu hút khách du lịch và với mục đích làm lợi từ di sản.

Bên cạnh đó, có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa di sản văn hoá phi vật thể, một dạng thức tồn tại dưới dạng các biểu đạt văn hóa, phi vật chất, nhưng lại có mối quan hệ gắn bó với các yếu tố vật thể, không gian thực hành. Chẳng hạn, lễ hội truyền thống là một di sản văn hóa biêu biểu của các cộng đồng dân tộc, nhưng các thực hành, nghi lễ, trò chơi, diễn xướng được thực hành tại các không gian liên quan như đình, đền, chùa, v.v.

Vấn đề tư liệu hóa di sản văn hoá phi vật thể là một lĩnh vực được quan tâm, bởi lẽ nhiều loại hình di sản văn hoá phi vật thể có thể bị mai một do tác động cuả bối cảnh, do chiến tranh, thiên tai, do các nghệ nhân già mất đi không có người thừa kế, v.v. Những tư liệu được ghi chép lại trở thành một nguồn dữ liệu mang tính lịch sử, nhưng lại thực sự có ý nghĩa trong việc khôi phục, và phát huy di sản trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, trao truyền.

Cũng như văn hóa nói chung, di sản văn hoá phi vật thể liên tục thay đổi, có thể bị thất truyền, nhưng cũng có thể được bổ sung, làm giàu thêm bởi các thể hệ kế tiếp. Rất nhiều loại hình và hình thức biểu hiện của di sản văn hoá phi vật thể bị đe dọa và có nguy cơ bị mai một do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đồng hóa văn hóa. di sản văn hoá phi vật thể chỉ có thể sống khi chúng phù hợp và thích ứng với văn hóa của cộng đồng chủ thể, được thực hành thường xuyên và được trao truyền.

Di sản văn hoá phi vật thể còn là một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, làm lợi cho chủ nhân di sản. Nhiều làng, vùng văn hóa đã lựa chọn một số di sản văn hoá phi vật thể để phát huy trong phát triển kinh tế bền vững ở đại phương. Những vấn đề về phát huy di sản văn hoá phi vật thể trong phát triển bền vững Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 đưa ra trong một chương trình phát triển bền vững với 12 nguyên tắc đạo đức gắn với việc an sinh xã hội, cộng đồng làm lợi từ di sản và cộng đồng làm chủ và chủ động trong mọi hoạt động liên quan đến di sản. Việc phát triển du lịch trên nền tảng di sản cần có sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng và luôn có những phương pháp bảo vệ di sản để đảm bảo rằng du lịch không đe dọa đến sự tồn tại của di sản và làm biến dạng di sản vì mục đích phục vụ cho người ngoài cộng đồng.

Di sản văn hoá phi vật thể không thuộc dạng vật chất, không cầm nắm hay động chạm vào được, nhưng chúng có vai trò quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá của cộng đồng, dân tộc. Chúng được gọi là di sản văn hoá phi vật thể, một dạng di sản liên tục được tái tạo, là mới, trao truyền trong quá trình cộng đồng chủ nhân thực hành, gìn giữ và phát triển như là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa xã hội. Tầm quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể không chỉ ở các hình thức thể hiện văn hóa mà còn là kho tàng tri thức và kỹ năng được truyền từ đời này qua đời khác, có giá trị và chức năng đối với cộng đồng chủ nhân. di sản văn hoá phi vật thể trở thành một đối tượng nghiên cứu được quan tâm trong nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn. Ngày nay, di sản văn hoá phi vật thể là một lĩnh vực trong công tác quản lý văn hóa của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia, của các địa phương và cộng đồng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. UNESCO. Công ước2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
  2. Smith, Laurajane, Natsuko Akagawa, Intangible Heritage. London: Routledge, 2008.
  3. Luật Di sản văn hóa (2001, 2009, 2013).
  4. Lê Hồng Lý và cộng sự, “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), hội Gióng (Hà Nội), tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) và văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng)”. Trong Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại. Hà Nội: Nxb. Tri thức, 2014.
  5. Nguyễn Thị Hiền, Quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018.
  6. Prochan, Frank, “Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 của UNESCO. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, số 6 (192), 2020.