Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Các khái niệm này khá rộng liên quan đến các tài sản, nguồn lực văn hóa vật chất và tinh thần từ các địa điểm, hiện vật, tòa nhà đến những biểu hiện văn hóa không động chạm vào được, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng, chức năng, giá trị đối với xã hội, cộng đồng. Khái niệm này còn phụ thuộc vào quan điểm, mục đích của các văn kiện quốc tế như các Công ước của UNESCO về văn hóa, chính sách quốc gia như Luật Di sản văn hóa, các văn bản dưới luật, hay ý kiến, quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng, các cá nhân liên quan.
Sự đa dạng của các định nghĩa, khái niệm về di sản văn hoá thể hiện sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên thế giới và sự thay đổi không ngừng theo thời gian, chịu ảnh hưởng của các bối cảnh khác nhau và môi trường thay đổi. Ban đầu, di sản văn hoá chỉ bao gồm các di sản vật thể, các tòa nhà, di tích, địa điểm, nhưng với thời gian, di sản văn hoá mở rộng ra các biểu đạt văn hóa phi vật thể, cho đến tất cả các chiều cạnh không gian của chúng. Hiện nay, khái niệm về di sản mang tính mở rộng, bao trùm, và nó có thể bất kể cái gì (từ một hiện vật khảo cổ, tòa nhà, địa điểm, đến thực hành, không gian văn hóa) mà được cộng đồng, dân tộc, quốc gia coi là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục
Công ước Khung của Hội đồng châu Âu về giá trị di sản văn hoá đối với xã hội định nghĩa: di sản văn hoá là một nhóm các nguồn lực được thừa hưởng từ quá khứ mà mọi người xác định nó, độc lập với quyền sở hữu, như một sự phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, kiến thức và truyền thống không ngừng phát triển của họ. Di sản bao gồm tất cả các khía cạnh của môi trường do sự tương tác giữa con người và địa điểm qua thời gian. Tuy nhiên, trong phân tích giá trị của di sản văn hoá đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều tác giả đã bổ sung cho định nghĩa này với các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
Một số nhà nghiên cứu coi di sản văn hoá như là những thực hành văn hóa, chứ không đơn giản là văn hóa của một nơi, một vùng địa lý, hay những biểu đạt văn hóa nói chung. Hiện nay, di sản văn hoá được xác định như là một ‘động từ’ để chỉ hành động thực hành, hơn là một ‘danh từ’. di sản văn hoá được sáng tạo, tồn tại và phát triển trong chính cộng đồng đồng, xã hội chủ thể, ở đó di sản được hình thành, gìn giữ, và trao truyền. di sản văn hoá phi vật thể là những biểu đạt văn hóa sống, đang tồn tại hơn là những di sản của quá khứ và chúng đang có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng chủ thể. di sản văn hoá vật thể được nhìn nhận trong những bối cảnh văn hóa, xã hội, gắn với không gian, thời gian, bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội của chúng.
Những hình thức, biểu đạt văn hóa trở thành di sản khi chúng được nhận biết trong một tập hợp cụ thể với những giá trị văn hóa hoặc xã hội, mà những giá trị này là “phi vật thể.” Bất kể loại hình nào của di sản văn hoá có thể được công nhận và được hiểu như là di sản đều thông qua những giá trị mà con người, cộng đồng, các nhân và các tổ chức liên quan nhận thức chúng. Do vậy, trong những thập niên gần đây, khái niệm di sản văn hoá đã thay đổi một cách đáng kể, một phần do tác động của các văn kiện quốc tế của UNESCO, cũng như những quan điểm học thuật của các nhà nghiên cứu. di sản văn hoá không chỉ bao gồm các đền tháp và các bộ sưu tập hiện vật mà còn các truyền thống và các loại hình văn hóa còn tồn tại đến ngày nay và đang được thực hành, do cha ông để lại như các truyền thống truyền miệng, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các phong tục xã hội, các nghi lễ, lễ hội, tri thức và các phong tục tập quán liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ, hay các tri thức và kỹ năng về liên quan đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hay nghề thủ công truyền thống
Hiện nay trong liên ngành khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã hình thành một lĩnh vực nghiên cứu về di sản văn hoá, đặc biệt khi UNESCO ban hành Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nhấn mạnh việc nhận diện, bảo vệ và ghi danh di sản, cũng như hình thành mạng lưới quốc tế bảo vệ di sản. Tuy nhiên, di sản văn hoá không chỉ đơn thuần được xác định và nhận diện như trong các điều khoản Công ước UNESCO và Luật di sản văn hoá, mà di sản văn hoá được tiếp cận nghiên cứu từ những lăng kính, quan điểm học thuật, của các cách tiếp cận liên ngành về việc chuẩn hóa các khái niệm di sản văn hoá theo thể chế, làm giảm tính năng động, sự khác biệt của di sản đối với những cộng đồng, xã hội khác nhau.
Quan điểm di sản văn hóa trong phát triển bền vững có nghĩa là đảm bảo di sản văn hóa cho các thế hệ tương lai, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng và hài hòa giữa di sản văn hóa, con người, và xã hội. Các mục tiêu của phát triển bền vững là hỗ trợ bảo vệ di sản và giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ di sản đối với việc duy trì bản sắc của chúng. Mặt khác, cả di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể đều được sử dụng như một chất xúc tác cho sự tăng trưởng bền vững và có thể đóng góp mạnh mẽ vào sự gắn kết xã hội và nâng cao ý thức về bản sắc, khuyến khích cộng đồng địa phương và thế hệ trẻ tham gia. Hơn nữa, di sản văn hóa có thể được coi là nguồn lực quan trọng trong phát triển và đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường, đóng góp mạnh mẽ vào sự bền vững chung của kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Di sản văn hoá không đơn thuần là việc nhận diện ra các loại hình, rồi thực hiện các biện pháp bảo vệ, di sản văn hoá đã trở thành một đối tượng quản lý của công tác văn hóa và trở thành nguồn lực cho các công ty, đơn vị, cá nhân liên quan sử dụng trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương, vùng.
Nhìn chung, di sản văn hoá được sự quan tâm nhận diện, quản lý, bảo vệ bằng thể chế quốc tế như các Công ước của UNESCO, luật pháp quốc gia và sự tham gia của các tổ chức, các bên tham gia, cộng đồng, cá nhân. di sản văn hoá được coi là một nền tảng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong giáo dục thế hệ trẻ và phát huy giá trị vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng văn hóa và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Dù chúng ta nhận diện di sản văn hoá theo cách nào, thì di sản văn hóa luôn hàm chứa trong chúng những giá trị văn hóa và lịch sử vượt qua mọi định nghĩa và ranh giới và cả những giá trị mà xã hội tự đặt lên cho di sản. Ngày nay, di sản văn hoá được coi là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các xã hội thông minh hơn, hoà nhập hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- UNESCO, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, 1972.
- Luật Di sản văn hóa được ban hành theo Quyết định số 28/2001/QH10, ngày 29/06/2001 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- UNESCO, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, 2003.
- Munjeri, D., “Tangible and Intangible Heritage: from Difference to Convergence.” Museum International, 56 (1–2), 2004, tr.12–20.
- Council of Europe, Council of Europe Framework Convention on the Value of Cultural Heritage for Society. Strasbourg: Council of Europe, 2005.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa được ban hành theo Quyết định số32/2009/QH12, ngày 18/06/2009 của Quốc hội nước Cộng hòa
- Borelli, Silvia và Federico Lenzerini, Cultural Heritage, Cultural Rights, Cultural Diversity: New Developments in International Law. Martinus Nijhoff Publishers, 2012.
- Harrison, Rodney, Heritage: Critical Approaches. London: Routledge, 2013.
- Lê Hồng Lý và Nguyễn Thị Phương Châm tuyển chọn. Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại. Hà Nội: Nxb. Tri thức, 2014.
- Salemink, Oscar, “Described, Inscribed, Written Off: Heritagisation as (Dis)connection,” in Connected and Disconnected in Vietnam: Remaking Social Relations in a Post-socialist Nation. Phillip Taylor ed. Canberra: ANU Press, Australian National University, 2016, tr. 311-345.