Cờ giải phóng cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tổng Bí thư Trường Chinh là người trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo (Từ tháng 10.1942 đến đầu năm 1944, Trường Chinh trực tiếp phụ trách cả hai tờ báo Cứu Quốc và CGP. Về sau Ban Biên tập báo CGP được bổ sung dần, nhưng cũng là những đồng chí làm báo kiêm nhiệm, gồm: Lê Liêm, Lê Thu Trà, Lê Toàn Thư, Nguyễn Thị Minh Châu, Trần Độ. Những người viết chữ ngược trên đá, mài đá và in có: Phạm Ðức Khiêm, Nguyễn Lương Hoàng, Ðỗ Quốc Tuấn.
Số 01 báo Cờ Giải phóng (CGP) ra ngày 10.10.1942
(in tại gia đình nhà bà Hai Lần, làng Vạn Phúc, Hà Đông).
Thời kỳ xuất bản bí mật trước Cách mạng tháng Tám 1945, CGP in li-tô trên giấy xanh nhạt (cũng có số in giấy trắng), khổ 357 mm x 270 mm, số lượng in ít, vì chủ yếu lưu hành trong nội bộ Đảng. Do địch khủng bố, do nhiều công tác cần kíp, việc họp bàn viết bài, ra báo rất khó khăn nên CGP không thể ra theo kỳ hạn nhất định. Số 02 phải ra sau số 01 hơn mười tháng (10.10.1942 – 26.8.1943); số 03 ra ngày 15.02.1944, tức sau số 02 là năm tháng hai mươi ngày. Trước Cách mạng tháng Tám CGP không được in ở một địa điểm cố định như: số 08 và số 02 in ở cơ sở bí mật làng Liễu Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; các số khác từ số 04 đến số 12 in tại làng Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là Hà Nội); số 13 in tại làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm; cuối cùng từ số 14 chuyển đến in tại thôn Sần, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh và đến số 15 ra ngày 17.7.1945. Trong thời gian in từ số 4 đến số 15, người chịu trách nhiệm chính là Đỗ Quốc Tuấn. Ban đầu in bằng bàn đá. Về sau Trung ương liên lạc được với những anh em làm công nhân in ở Hà Nội lấy chữ in ra tổ chức nhà in "ti pô" của Ðảng. Gọi là nhà in nhưng chỉ có một cái khung có xếp chữ chì trong đó rồi dập bằng tay. Đây được coi là tiến bộ vượt bậc về ấn loát và trình bày của báo chí bí mật.
Từ số 01 đến số 10 báo ra bốn trang, từ số 11 ngày 25.3.1945 báo ra hai trang. Nội dung báo CGP thời kỳ này thường tập trung vào một số vấn đề sau: Phổ biến đường lối, chính sách lớn của Đảng, nhiệm vụ trước mắt của các cấp bộ Đảng và đảng viên, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng về tư tưởng và tổ chức, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa phát xít và bè lũ tay sai, tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa, phản ánh những diễn biến quan trọng trên chính trường quốc tế và cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai… Dù xuất bản không định kỳ, thế nhưng CGP có một vai trò rất quan trọng đối với công tác tuyên truyền cho cách mạng ở buổi đầu. CGP được coi là tờ báo đi tiên phong trong hệ thống báo chí cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức để lãnh đạo nhân dân trong thời kỳ đấu tranh chống đề quốc Pháp và phát xít Nhật, chuẩn bị và chỉ đạo cao trào kháng Nhật cứu nước tiến lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, CGP chuyển về trụ sở 58 Quán Sứ, Hà Nội (Ðài Tiếng nói Việt Nam ngày nay), xuất bản công khai bắt đầu từ số 16 ra ngày 12.9.1945. Báo in ti-pô trên giấy trắng khổ 27cm x 38cm, mỗi số bốn trang, ra đều đặn mỗi tuần hai số vào thứ năm và chủ nhật, phát hành rộng rãi với số lượng lớn, lên tới mười vạn/kỳ. Bài đăng trên CGP thời kỳ này tập trung khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945, ủng hộ, bảo vệ Nhà nước dân chủ và Chính phủ Lâm thời mới được thành lập, lên án thực dân Pháp gây hấn tái xâm lược Việt Nam, biểu dương tinh thần kháng chiến của đồng bào Nam bộ, phát động cả dân tộc sẵn sàng chống quân xâm lược bảo vệ nền độc lập mới giành được, cổ vũ, biểu dương các phong trào yêu nước sôi nổi trong toàn quốc như Tuần lễ vàng, tấc đất tấc vàng, nhường cơm sẻ áo, một nắm khi đói bằng môt gói khi no, bình dân học vụ…
Khi Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (tức tuyên bố tự giải tán), CGP ra số cuối cùng, số 33 ngày 18.11.1945.
Năm 2007, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng kết hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành rộng rãi ấn phẩm công bố toàn bộ nội dung ba mươi hai số báo CGP hiện lưu giữ tại hai cơ quan (thiếu số 1 vì chưa sưu tầm được). Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ được mười hai số báo CGP, đó là các số: 2,3,4,5,6,8, 10,11,12,13,14,15.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng TW Đảng, Báo Cờ Giải phóng¬, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội,2007.
- Nguyễn Thành, Đồng chí Trường Chinh với báo chí, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2003.
- Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Xuân Tuất (biên soạn), Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
- PGS,TS. Đào Duy Quát, GS,TS. Đỗ Quang Hưng, PGS,TS. Vũ Duy Thông (chủ biên), Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam(1925-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.
- Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.