Cảm giác tội lỗi là một trải nghiệm cảm xúc về sự không hài lòng với chính mình, liên quan đến việc phát hiện ra sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn đạo đức được chấp nhận và một hành vi của bản thân. Cảm giác tội lỗi là một hiện tượng tâm lý phức tạp có gắn bó chặt chẽ với phẩm chất đạo đức như lương tâm, tự trọng… và trong ý thức thường được gọi là “hối hận”.
Cảm giác tội lỗi có các dấu hiệu sau: Mong muốn tự buộc tội, tự trách móc; cảm giác thừa, vô dụng; đánh giá không đúng về thành tích của mình; thiếu tự tin vào bản thân; có cảm giác bực bội, tự thương hại, tuyệt vọng và vô vọng, sự ăn năn, tự trách mình, tự xỉ vả bản thân, tự nói ra sự vi phạm đạo đức và sai lầm mình gây ra. Những phản ứng xảy ra bên trong gồm những trải nghiệm đau đớn, hối hận, buồn bã, lúng túng, xấu hổ.
Cấu trúc tâm lý của cảm giác tội lỗi: a) Thành phần nhận thức, bao gồm việc nhận ra đúng sai của hành động, nhận thức về sự khác biệt giữa “thực tế” và “lý tưởng”; là khả năng chủ thể của cảm giác tội lỗi nhận thức được hậu quả tiêu cực của hành động của mình. Nhận thức này đòi hỏi một số kỹ năng nhất định, bởi vì đôi khi hậu quả của một hành động có thể không thể quan sát được; b) Thành phần cảm xúc có nội dung là những trải nghiệm về sự căng thẳng, đau đớn bên trong, có liên quan đến mối đe dọa làm mất lòng tự trọng trầm cảm, cắn rứt, đau khổ, hối hận v.v.; c)Thành phần động lực: Khi một người đang trong cảm giác tội lỗi thường luôn có ý muốn làm gì đó để sửa lại lỗi lầm, sám hối, làm lại cuộc đời; là mong muốn sửa chữa hoặc thay đổi hoàn cảnh, hành vi hiện tại; d) Thành phần tâm thể (Psychosomatic) liên quan đến những cảm giác tâm thể như khó chịu, đau đớn, nhức đầu, nặng bụng, v.v...
Các chức năng của cảm giác tội lỗi: a) Chức năng điều chỉnh, cảm giác tội lỗi hoạt động như một bộ điều chỉnh đạo đức để duy trì các chuẩn mực của hành vi xã hội; b) Chức năng phát triển, cảm giác tội lỗi tham gia vào việc hình thành thái độ, quan hệ của bản thân với xã hội, với người khác; 3) Chức năng phòng ngừa, cảm giác tội lỗi giúp giảm lo lắng, tránh các rối loạn tâm thần.
Phân loại cảm xúc tội lỗi: a) Cảm giác tội lỗi thích nghi: Là loại cảm giác tội lỗi có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình thích ứng xã hội và thúc đẩy sự phát triển cá nhân một cách lành mạnh; b) Cảm giác tội lỗi của người sống sót: Loại cảm giác tội lỗi này liên quan đến một suy nghĩ vô thức, phi lý ở trong con người, cho rằng mình may mắn sống sót, được sống đủ đầy nên có lỗi trước những người không được chào đời hoặc gặp nhiều bất hạnh; c) Cảm giác tội lỗi quá mức: Loại cảm giác tội lỗi này có ở những người có ý thức trách nhiệm và lòng vị tha quá mức liên quan đến việc chăm sóc hạnh phúc của người khác. Một mặt, đây là những chức năng hữu ích của cảm giác tội lỗi, nhưng nếu quá mức, chúng cũng gây hại cho người đó, cũng như trải nghiệm tội lỗi quá mức; d) Cảm giác tội lỗi của sự chia ly (sự phản bội): Loại cảm giác tội lỗi này nảy sinh từ sự khác biệt hoặc chia ly với người thân, khiến tâm hồn phải đau đớn và tổn thương; e) Cảm giác căm ghét bản thân: Loại cảm giác tội lỗi này bao gồm sự đánh giá tiêu cực về bản thân một cách thái quá, kèm theo cảm giác cho rằng mình vô giá trị, vô ích, vô tích sự, không cần cho ai.
Các yếu tố quyết định sự hình thành cảm giác tội lỗi: a) Chủ thể có ý thức chấp nhận các giá trị đạo đức của xã hội, đời sống; b) Bản thân là một người có đạo đức, tôn trọng các giá trị đạo đức mà mình theo; c) Là người có phẩm chất tự phê bình, có khả năng nhận ra mâu thuẫn giữa hành vi mình gây ra với hệ giá trị đạo đức mà mình tôn trọng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Cook D. R., Empirical studies of shame and guilt: The Internalized Shame Scale, In D. L. Na-thanson (Ed.), Knowing feeling: Affect, script and psychotherapy. New York: Norton, 1996, pp. 132 - 165.
- Белик И.А., Чувство вины в связи с особенностями развития личности: Дисс. Канд. Наук. СПб., г, 2006.
- Боголюбова О.Н., Переживание стыда: качественный анализ нарративов, Вестник СПбГУ, Сер. 12., г., 1, 2015.
- Бреслав Г. М., Композиционная теория эмоций: к пониманию моральных эмоций и любви, М.: Психология. Журнал Высшей школы экономики. Т. 12. No 4. С. 81 - 102, 2015.