Căn cứ vườn thơm là căn cứ địa kháng chiến do Ủy ban kháng chiến tỉnh Chợ Lớn thành lập tháng 6.1946, trên địa bàn quận Trung Quận và một phần quận Đức Hòa tỉnh Chợ Lớn.
Lịch sử hình thành[sửa]
Từ cuối tháng 10.1945, sau khi mặt trận phía Tây và phòng tuyến Chợ Đệm bị vỡ, cơ quan Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh dời về Láng Le - Bàu Cò, khu vực Tân Nhật, Tân Kiên, Tân Túc, Tân Tạo. Nhiều đơn vị vũ trang từ mặt trận phía Tây và mặt trận phía Bắc lần lượt rút về đây củng cố lực lượng. Sau hội nghị Bình Hòa Nam, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn cùng cơ quan kháng chiến Trung Quận và một số địa phương phụ cận về tập trung ở Vườn Thơm, Bà Vụ. Nhiều lãnh đạo của Đảng như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Thị Thập, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Bình cũng về tập trung ở đây. Khu vực Vườn Thơm - Bà Vụ nối liền với Láng Le - Bàu Cò trở thành căn cứ địa kháng chiến của các cơ quan đầu não Nam Bộ, tỉnh Chợ Lớn và thành phố Sài Gòn. Đến 6.1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Chợ Lớn chính thức thành lập căn cứ địa kháng chiến Vườn Thơm. Dựa vào địa thế tự nhiên và sự đùm bọc của nhân dân địa phương, các cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang ở Vườn Thơm đã xây dựng cơ sở lán trại, nơi ăn ở, binh công xưởng, tòa soạn báo… Ban Chỉ huy phát động quân và dân đào thêm hàng nghìn mét kênh, nạo vét kênh, lạch cũ, mở đường ngang dọc trong căn cứ, đồng thời dựng kè, đắp đập trên các kênh lớn, đào hầm hào khắp nơi vừa để trú giấu lực lượng, vừa để chống địch càn quét. Nhân dân tản cư được vận động trở về ngụ cư ở khu vực trong và xung quanh căn cứ. Căn cứ vườn thơm đã trở thành một chiến khu quan trọng của Sài Gòn - Chợ Lớn.
Quy mô căn cứ[sửa]
Căn cứ vườn thơm có diện tích gần 200 km2, gồm 6 xã trung tâm (Tân Tạo, Tân Nhật, Tân Bửu, Lương Hòa, Hậu Thạnh Hạ, Đức Hòa Hạ) và 9 xã ngoại vi (Bình Trị Đông, Tân Kiên, An Lạc, Tân Túc, Mỹ Yên, Thanh Hòa, Long Hiệp, Long Phú, An Thạnh), thuộc đất Trung Quận (nay là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và quận Đức Hòa (nay thuộc các huyện Đức Hòa, Bến Lức, tỉnh Long An); cách trung tâm Sài Gòn 10 km về phía Tây, án ngữ đường nối hành lang Sài Gòn với Đồng Tháp Mười, có đường số 10, sông Vàm Cỏ Đông và hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn tỏa đi nhiều nơi. Địa hình chủ yếu là đầm lầy ngập nước có nhiều cỏ lác, đan xen với mù u, tràm, dừa nước, cánh đồng mía; kênh rạch chằng chịt. Là địa bàn thuận lợi cho việc trú ém lực lượng, dự trữ vật chất, có thể tiến thoái dễ dàng trong hoạt động quân sự. Điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa, tiến hành chiến tranh du kích (nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, rừng rậm rạp dễ che giấu, phân tán lực lượng, nhiều đầm lầy cản trở sự xâm nhập, cơ động nên kẻ thù rất khó phát hiện để tiêu diệt, dễ tiếp nhận nguồn chi viện hàng hóa từ bên ngoài…). Mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, phù hợp cho việc cơ động lực lượng theo kiểu chiến tranh du kích (ghe, thuyền nhỏ), không phù hợp với cơ động của các loại tàu, thuyền lớn trong chiến tranh hiện đại. Địa hình bất lợi cho việc sử dụng các phương tiện cơ giới đường bộ, không cho phép thực hiện các cuộc hành quân, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Các hoạt động đổ bộ và oanh kích trong tác chiến bằng đường không cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế; dễ bị đối phương chia cắt lực lượng; việc vận chuyển, tiếp tế, liên lạc giữa các bộ phận, các vùng gặp nhiều khó khăn. Trong kháng chiến chông Pháp, Căn cứ vườn thơm là nơi tập trung của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn và Khu 7; nơi thành lập và đóng quân của Trung đoàn 306 (Trung đoàn Phạm Hồng Thái, trung đoàn chủ lực đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định, thành lập 19.5.1947); Trung đoàn 308 (tiền thân là Chi đội 15). Thực dân Pháp nhiều lần tiến công Căn cứ vườn thơm nhưng với cách đánh mưu trí sáng tạo, các lực lượng bảo vệ căn cứ đã ngăn chặn có hiệu quả các cuộc hành quân càn quét, gây cho địch nhiều thiệt hại. Điển hình như trận Láng Le (15.4.1948), quân địch huy động trên 3.000 quân với mục tiêu phá rã khu căn cứ. Mặc dù lực lượng vũ trang của ta lúc bấy giờ còn mỏng, vũ khí trang bị thô sơ nhưng ta đã bẻ gãy trận càn của địch, diệt hơn 300 địch. Từ Căn cứ vườn thơm, bộ đội chủ lực quân khu, du kích tập trung Trung Quận, Quốc vệ đội Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức nhiều trận tiến công vào Sài Gòn - Chợ Lớn, diệt nhiều sinh lực địch, hỗ trợ đắc lực phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương.
Hoạt động[sửa]
Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào và du kích Vườn Thơm tham gia vận chuyển vũ khí từ Chiến khu Rừng Sác về tập kết tại Bà Vụ, phục vụ cho các lực lượng vũ trang quân khu. Đây cũng là nơi đào tạo hàng nghìn cán bộ quân sự, chính trị đảm bảo cho nội thành và ven đô. Sau Đồng khởi năm 1960, Căn cứ vườn thơm tiếp tục trở thành nơi tiếp tế lượng thực, hậu cần, là bàn đạp của lực lượng vũ trang giải phóng Long An - Sài Gòn - Gia Định; là nơi đứng chân của Tiểu đoàn 6 và các đơn vị biệt động Sài Gòn. Giai đoạn 1969-1971, địch liên tục đánh phá ác liệt nhằm biến Căn cứ vườn thơm thành vùng trắng. Các lực lượng vũ trang cách mạng vẫn trụ bám kiên cường chiến đấu, kìm giữ một bộ phận lực lượng của địch. Từ Căn cứ vườn thơm, nhiều đơn vị Quân giải phóng đã xuất phát tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 2003, khu di tích Láng Le - Bàu Cò thuộc Căn cứ vườn thơm được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. (1.189 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chợ Lớn-Lịch sử chín năm kháng chiến (1945 – 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1995.
- Chiến khu miền Đông Nam bộ(1945 – 1954), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
- Bộ Tổng Tham mưu, Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945-1954, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998.
- Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh 1945 – 1975, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998.
- Lực lượng vũ trang huyện Bình Chánh 1945 – 2000, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
- Chiến khu Láng Le - Bàu Cò, Căn cứ Vườn Thơm - http://www.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu