Chuê nuê là tập tục hôn nhân cổ truyền của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, Việt Nam. Tên đầy đủ là Bi cuê brei nuê, các tên khác là Cuê nuê, Juê nuê, đều có nghĩa là nối lại bằng người thay thế. Tiếng Việt gọi là "nối dây" hay "nối nòi". Quy định, khi vợ chết, gia đình, dòng họ bên vợ phải tìm một người thay thế (gọi là người nuê hay nuê) làm vợ người chồng góa, ngược lại, khi chồng chết, gia đình và dòng họ bên chồng phải tìm một người thay thế làm chồng người vợ góa, điều kiện là người thay thế chưa có vợ, có chồng. Người nuê có thể cùng thế hệ hoặc khác thế hệ với người góa. Phổ biến là vợ chết, chồng lấy em gái ruột hoặc em gái họ của vợ (chồng chết, em gái vợ thay thế: amai djiê cuê adei), chồng chết, vợ lấy em trai ruột hoặc em trai họ của chồng (vợ chết, em trai chồng thay thế: ayong djiê cuê adei), theo nguyên tắc thuận chiều, người góa chỉ lấy em chồng hoặc em vợ, không lấy anh vợ hoặc chị vợ, là tàn dư của hình thái quần hôn anh em chồng (levirate) và chị em vợ (socorate), xuất hiện từ xã hội nguyên thủy, tồn tại không chỉ ở người Ê Đê theo mẫu hệ, mà còn ở nhiều dân tộc theo phụ hệ. Trường hợp không có em trai chồng làm người nuê, góa phụ có thể lấy cháu trai (gọi chồng bằng cậu) làm chồng (cậu chết, cháu trai thay thế, hay cậu chết, cháu lấy vợ của cậu: amiết djiê cuê amuôn). Trường hợp không có em trai, em gái và cháu trai thay thế, người góa có thể lấy cháu cách dưới hai đời làm chồng hay vợ. Theo đó, ông chết, bà có thể lấy cháu trai bên dòng mẹ của ông làm chồng (ông chết, cháu trai thay thế: aê djiê cuê kô), hoặc bà chết, ông có thể lấy cháu gái bên dòng mẹ của bà làm vợ (bà chết, cháu gái thay thế: duôn djiê cuê kcô). Tập tục kết hôn cách nhau hai thế hệ, ông lấy cháu, bà lấy cháu là tàn dư của hình thái hôn nhân bốn hôn đẳng, còn thấy tồn tại ở một số xã hội tiền giai cấp, mà thổ dân châu Úc là một ví dụ.
Theo phong tục Ê Đê, khi vợ hay chồng chết, trước tang lễ, gia đình dòng họ hai bên họp bàn tìm người thay thế để thực hiện tập tục cuê nuê. Nếu người góa từ chối người thay thế thứ nhất, người ta đưa ra người thay thế thứ hai. Nếu người góa từ chối người thay thế thứ hai, người ta đưa ra người thay thế thứ ba, … Trường hợp người góa đã đứng tuổi mà người nối nòi (nuê) còn nhỏ tuổi, chưa đáp ứng nhu cầu làm vợ, làm chồng, người góa phải nuôi nấng, dạy bảo nuê như một đứa trẻ cho đến tuổi trưởng thành để có thể làm vợ, làm chồng. Trường hợp người vợ mất, không còn người để nối dây hay người chồng không muốn nối dây thì người chồng phải quay về nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng.
Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, tuân thủ nguyên tắc ngoại hôn dòng họ mẫu hệ lưỡng hợp tuyệt đối. Theo đó, tính theo dòng mẹ, trai gái trong một dòng họ không được phép lấy nhau. Nếu người dòng họ A kết hôn với một người dòng họ B, tất cả những người đàn ông thuộc dòng họ A là đối tượng kết hôn của những người phụ nữ thuộc dòng họ B và ngược lại. Điều này đồng nghĩa, những người anh em trai chồng một bên và những người chị em gái vợ một bên, những người là cậu, là cháu cậu một bên và vợ cậu một bên, những người là ông một bên và các cháu gái dòng họ bà một bên, những người là bà một bên và các cháu trai dòng họ ông một bên đều được coi là những người khác hôn đẳng và đều có thể thiết lập quan hệ vợ chồng. Đây là cơ sở xã hội cho sự tồn tại của cuê nuê.
Hôn tục cuê nuê được quy định cụ thể trong luật tục Ê Đê. “Rầm nhà gãy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế. Chết người này thì phải nối bằng người khác….Vì sợ rằng gia đình sẽ tan nát ngoài rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ đi, giống nòi sẽ khô kiệt như những con suối trong núi đã cạn nguồn, sợ rằng không có con cháu nữa. Vì vậy, tập tục là phải luôn luôn nối lại, bao giờ cũng phải thay thế người vợ (hay chồng) chết”. “Đứt thì phải nối, yếu thì phải làm vững lại. Taapjn tục có từ ngàn xưa là phải cắt đặt sẵn người nối nòi. Cậu chết thì nối lại bằng cháu trai của cậu. Bà chết thì nối lại bằng cháu ba đời của bà, người này chết thì ghép người kia vào”.
Mục đích của cuê nuê là bảo vệ chế độ mẫu hệ, tăng cường các mối quan hệ liên minh vật chất và tinh thần giữa hai gia đình, dòng họ thông gia, bảo tồn của cải thừa kế của người đã khuất và chăm sóc tốt hơn con cái của cuộc hôn nhân trước để lại. Bên cạnh các hạn chế như trong nhiều trường hợp là hôn nhân chênh lệch tuổi tác, hôn nhân ép buộc, cuê nuê cũng hàm chứa tính nhân văn vì bảo vệ tính bền vững trong hôn nhân, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Trong xã hội Ê Đê mẫu hệ, phụ nữ và nam giới luôn coi con cái của các anh chị em ruột, anh chị em họ như con mình và khi là người nối nòi đều yêu thương, chăm sóc như con đẻ.
Ở Việt Nam thấy tồn tại tập tục tương tự cuê nuê ở dân tộc Ê Đê, nhưng không điển hình tại một số dân tộc, nhóm dân tộc theo chế độ gia đình mẫu hệ khác như Gia rai với tên gọi cuoai nuai, Chăm Hroi với tên gọi mă kơmai, Mnông với tên gọi am noi, khác biệt là ở các dân tộc này chỉ tồn tại hôn nhân nối nòi cùng thế hệ là hôn nhân anh em chồng và hôn nhân chị em vợ.
Ngày nay, dưới tác động của điều kiện mới, nhất là của thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, cuê nuê ở người Ê Đê đã có nhiều biến đổi. Hôn tục cậu lấy cháu, ông lấy cháu, bà lấy cháu đã không còn. Tập tục chồng chết, lấy em chồng, vợ chết, lấy em vợ đã giảm nhiều, nếu có cũng là hôn nhân tự nguyện. Xu hướng là người góa đã lớn tuổi thì ở vậy nuôi con, còn trẻ mà không muốn nối dây theo phong tục thì có thể đi lấy người khác với lễ vật có giá trị tượng trưng chứ không nặng nề như trước. Thay vì lấy anh rể, em gái vợ đã khuất sẽ nhận nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Cũng như thế, tục nối dây ở người Gia rai, Chăm Hroi, Mnông đã mai một dần. Đa số thanh niên được tự do tìm hiểu và kết hôn với người bạn đời do mình lựa chọn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi, Đại cương về các dân tộc Ê đê, Mnông ở Đăk Lak, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982.
- Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía nam), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984.
- Vũ Đình Lợi, Gia đình và hôn nhân truyền thống ở các dân tộc Malayo - Polynexia Trường Sơn - Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
- Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu (Biên soạn và giới thiệu), Luật tục Ê Đê (Tập quán pháp), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, điều 97 -103.
- Phan Hữu Dật, Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998.