Chứng hưng cảm giật tóc là một dạng rối loạn kiểm soát xung động (impulse control disorder) làm cho bệnh nhân buộc phải thường xuyên giật lông hay tóc ra khỏi các vùng như da đầu, lông mày và lông mi.
Mặc dù người mắc chứng bệnh này biết hậu quả, nhưng vẫn không thể kiềm chế. Khi cảm thấy căng thẳng, người bệnh sẽ giật tóc để làm dịu bản thân. Kết quả là người bệnh bị hói và tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như khả năng làm việc.
Hiện nay, trong Bảng phân loại bệnh rối loạn tâm thần quốc tế, sửa đổi lần thứ 10 (ICD-10) chứng hưng cảm giật tóc được ghi là một bệnh độc lập, xếp vào nhóm “Rối loạn tâm thần và hành vi”. Kiểu rụng tóc thay đổi tùy theo bệnh nhân, một số bệnh nhân bị hói hoàn toàn hoặc không có lông mi hay lông mày; một số khác chỉ có tóc mỏng. Giật tóc có thể đi kèm với một số hành vi đặc trưng như bệnh nhân cố tìm một loại tóc cụ thể để nhổ; chọn cách giật tóc bằng cách kéo tóc ra hay xoắn tóc quanh ngón tay; kéo sợi tóc giữa các kẽ răng hoặc cắn hoặc nuốt sợi tóc đã kéo ra. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, xấu hổ về ngoại hình. Một số bệnh nhân nhổ tóc từ nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể để che dấu tình trạng rụng tóc. Họ có thể tránh những tình huống mà người khác có cơ hội nhận thấy rụng tóc. Thông thường, bệnh nhân không nhổ tóc trước mặt người khác, ngoại trừ người nhà. Một số bệnh nhân nhổ tóc từ người khác hoặc từ vật nuôi, kéo chỉ từ quần áo, chăn. Hầu hết bệnh nhân đều có các hành vi với cơ thể như véo da hoặc cắn móng tay. Nhiều người trong số họ mắc chứng trầm cảm nặng. Hội chứng hưng cảm giật tóc có thể dẫn đến những hậu quả như nhiễm trùng, tổn thương da và rụng tóc vĩnh viễn, từ đó dẫn đến các vấn đề tâm lý về “lòng tự trọng” và “cái tôi - hình ảnh”. Một số người tránh giao tiếp để che dấu việc bị rụng tóc. Bệnh xuất hiện một cách tự phát và không có cách nào có thể ngăn chặn được bệnh này.
Phân loại[sửa]
Dựa theo độ tuổi và diễn tiến bệnh[sửa]
- Chứng hưng cảm giật tóc trẻ em, xảy ra từ 2 - 6 tuổi, thường kết thúc vào tuổi dậy thì;
- Chứng hưng cảm giật tóc của tuổi mới lớn, phát triển ở độ tuổi 11 - 15 tuổi, bị nặng sẽ chuyển sang mãn tính với các đợt tái phát, liên quan đến các tổn thương thần kinh, tổn thương não;
- Chứng hưng cảm giật tóc Abidominal ở lứa tuổi mẫu giáo và thanh thiếu niên
- Chứng hưng cảm giật tóc người lớn, tuy ít nhưng dễ chuyển thành mãn tính với các đợt tái phát thường xuyên.
Dựa trên các đặc điểm[sửa]
- Rối loạn tự phát, tóc bị kéo ra ngoài một cách vô thức trong quá trình hoạt động cường độ mạnh, căng thẳng cao độ. Bệnh nhân không nhớ hành động của mình, họ phản ứng với nhận xét từ người khác với sự hoang mang;
- Rối loạn có ý thức: bệnh nhân hoàn toàn tập trung vào giật tóc, thực hiện nó theo một quy trình như đã định trước, có sử dụng các công cụ để nhổ tóc, sau đó xếp bỏ tóc đã nhổ theo một cách thức riêng
- Rối loạn kết hợp: hưng cảm giật tóc có thể được tiến hành có ý thức theo biểu thời gian xác định (vào buổi sáng, sau khi tắm, trước khi đi ngủ) hoặc diễn ra một cách vô thức, trong lúc căng thẳng.
Nguyên nhân[sửa]
Nguyên nhân chính xác gây nên chứng hưng cảm giật tóc hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể do những biến thể trong não có liên quan đến khu vực điều khiển cảm xúc, vận động, hình thành thói quen và kiểm soát xung động. Chứng hưng cảm giật tóc có thể xảy ra vì những nguyên nhân như do rối loạn tâm lý: nhổ tóc trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực; do di truyền: đột biến gen; do lo lắng thường xuyên: chiếm tỷ lệ 84% trong số các nguyên nhân gây ra hội chứng nghiện giật tóc; do căng thẳng hoặc áp lực: khi một người lo lắng, sức ép lên cơ thể sẽ tăng lên; do vô thức hoặc mất kiểm soát: lo lắng làm cơ thể mất khả năng kiểm soát hành vi nhận thức, vì vậy cơ chế điều khiển xung động không hoạt động hiệu quả. Các biến chứng của tật giật tóc: nhiễm trùng da tại chỗ, viêm bờ mi, đau mạn tính, hội chứng ống cổ tay.
Các yếu tố nguy cơ gây chứng hưng cảm giật tóc: gia đình có người thân mắc hội chứng nghiện giật tóc; bệnh nhân trước hoặc trong độ tuổi dậy thì, thường là khoảng 11 - 13 tuổi; trẻ sơ sinh cũng dễ bị bệnh, nhưng thường nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị; những cảm xúc tiêu cực, với nhiều người, giật kéo tóc là để đối phó với những cảm xúc tiêu cực hoặc không thoải mái như lo âu, căng thẳng, cô đơn, mệt mỏi hay thất vọng; người bệnh cảm thấy việc giật tóc giúp mang lại cảm giác thỏa mãn nên tiếp tục giật tóc để duy trì những cảm xúc tích cực đó; các rối loạn khác: bệnh nhân cũng có thể mắc các rối loạn khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán bệnh hưng cảm giật tóc dựa trên các tiêu chí sau: tự nhổ tóc định kỳ, dẫn đến rụng tóc; những nỗ lực lặp đi lặp lại của bệnh nhân để ngừng các hành động đó hoặc giảm tần suất của chúng; nhổ tóc gây ra tình trạng đau đớn hoặc điều chỉnh không tốt về mặt lâm sàng trong xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác đối với bệnh nhân; việc nhổ hoặc rụng tóc không thể được giải thích bởi một tình trạng đau khác (ví dụ như bệnh da liễu); nhổ tóc không phải là một triệu chứng của một chứng rối loạn tâm thần khác (chẳng hạn như những nỗ lực của bệnh nhân để cải thiện những khiếm khuyết nhận thức được hoặc sự không hoàn hảo về ngoại hình có thể được quan sát thấy với các rối loạn biến đổi cơ thể). Hiện nay, để đánh giá mức độ bệnh hưng cảm giật tóc, các bác sĩ dùng phương pháp bảng câu hỏi có tính điểm như “Thang điểm kéo tóc của Bệnh viện đa khoa Massachusetts”, “Thang đo mức độ bệnh hưng cảm giật tóc của Viện Tâm thần Mỹ”, “Thang đo mức độ bệnh hưng cảm giật tóc của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIM, Mỹ)”. Các xét nghiệm có thể thực hiện giúp chẩn đoán hội chứng nghiện giật tóc, bao gồm: thử nghiệm giật tóc âm tính; soi dưới đèn Wood không thấy dấu hiệu nhiễm nấm; soi da đầu dưới đèn soi da có thể thấy: giảm mật độ tóc, tóc gãy với các độ dài khác nhau, đầu mút của sợi tóc bị chẻ, có bột tóc, các sợi tóc tơ ngắn; hình ảnh mô bệnh học cho thấy sợi tóc ở giai đoạn phát triển (catagen), sợi tóc bị loạn dưỡng, trung bì không bị viêm hoặc chỉ viêm nhẹ, các thân tóc bị gãy, nang lông có các nút có bản chất là mảnh vỡ của chất sừng, chất melanin. Bác sĩ cần phải dùng kali hydroxit để kiểm tra bệnh nhân có bị bệnh nấm không, do viêm hay không. Dùng sinh thiết để xác định mức độ tăng lượng catagen của tóc. Nếu tóc bị nhổ ra, sẽ không có chân tóc telogen, vì tất chúng đang trong giai đoạn phát triển bình thường. Chẩn đoán phân biệt cũng nên loại trừ các bệnh như rụng tóc từng mảng và giang mai.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Brewer P., The Neurobiology and Genetics of Impulse Control Disorders: Relationships to Drug Addictions, Biochemical Pharmacology, 2008.
- Coccaro, E.F., Lee, R.J., Kavoussi, R.J., A double-blind, randomized, placebo-controlled trial of fluoxetine in patients with intermittent explosive disorder, Journal of Clinical Psychiatry, 2009.
- Erga A.H., Alves G., Larsen J.P., Tysnes O.B., Pedersen K.F., Impulsive and Compulsive Behaviors in Parkinson's Disease: The Norwegian ParkWest Study. Journal of Parkinson's Disease, 2017.
- Erga A.H., Dalen I., Ushakova A., Chung J., Tzoulis C., Tysnes O.B., Alves G., Pedersen K.F., Maple-Grødem J., Dopaminergic and Opioid Pathways Associated with Impulse Control Disorders in Parkinson's Disease, Frontiers in Neurology, 2018.