Chủ nghĩa duy vật lịch sử (tiếng Nga Исторический материализм, tiếng Anh historical materialism, tiếng Pháp matérialisme historique) là bộ phận hợp thành của triết học Mác - Lênin, là khoa học triết học về xã hội, giải quyết một cách duy vật vấn đề cơ bản của triết học khi vận dụng vào lịch sử, và trên cơ sở đó, nghiên cứu những quy luật chung về sự phát triển lịch sử và hình thức thực hiện những quy luật đó trong hoạt động của con người.
Việc sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử là một bước ngoặt căn bản trong sự phát triển của tư tưởng xã hội. Trước khi xuất hiện chủ nghĩa Mác, quan niệm duy tâm về đời sống xã hội đã thống trị. Những thiếu sót cơ bản của xã hội học và sử học trước Mác là: thứ nhất, chỉ chú ý đến những động cơ tư tưởng của hoạt động của con người, chứ không tính đến các nguyên nhân vật chất; thứ hai, không nhìn thấy vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, mà chỉ chý ý đến vai trò cá nhân. Sự phát hiện của Mác ra quan niệm duy vật về lịch sử đã khắc phục được các thiếu sót cơ bản đó, và đã chỉ ra những quy luật của sự phát triển xã hội.
Nhờ có chủ nghĩa duy vậy lịch sử do Mác và Ăngghen sáng tạo, việc nghiên cứu lịch sử và đời sống xã hội mới được coi là có tính chất khoa học. Công lao vĩ đại nhất của hai ông là ở chỗ đã mở rộng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nhận thức xã hội, và nhờ đó mà thế giới quan duy vật biện chứng lần đầu tiên đã trở thành toàn diện và triệt để. Việc sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử, một mặt, đã hình thành nên quan điểm duy vật triệt để về thế giới và đời sống xã hội, mặt khác, cho phép phát hiện cơ sở vật chất của đời sống xã hội và những quy luật quyết định sự phát triển của nó. Mác nêu lên tư tưởng cơ bản của mình về quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội sau khi nêu bật lĩnh vực kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nêu bật những quan hệ sản xuất trong tất cả các quan hệ xã hội, coi đó là những quan hệ cơ bản và quyết định tất cả những quan hệ khác. Do vậy, quá trình phát triển của xã hội mặc dù có tính đặc thù của qua trình lịch sử, mọi cái đều phải thông qua hoạt động của con người, nhưng cái làm nên sự phát triển lịch sử không phải là hoạt động chủ quan, tùy tiện mà là những hoạt động bị chi phối bởi những quy luật khách quan nhất định.
Lấy việc sản xuất ra của cải vật chất làm điểm xuất phát, chủ nghĩa Mác coi những quan hệ mà con người tham gia trong quá trình sản xuất là quan hệ xã hội cơ bản của xã hội. Tuy nhiên, trong mỗi thời kỳ lịch sử không chỉ có một, mà có nhiều kiẻu quan hệ sản xuất cùng tồn tại (quan hệ sản xuất thống trị, tàn dư, mầm mống) và Mác đã nhìn thấy hệ thống những quan hệ sản xuất ấy là cơ sở hạ tầng hiện thực của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định – trên đó được dựng lên một kiến trúc thượng tầng chính trị - pháp luật và những hình thức khác nhau của tư tưởng xã hội. Mỗi hệ thống quan hệ sản xuất nảy sinh trên một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và phải phục tùng những quy luật chung về sự phát sinh, hoạt động và chuyển lên hình thức cao hơn của các hình thái kinh tế - xã hội, cũng như những quy luật có tính đặc thù, chỉ có ở một trong những hình thái ấy.
Trong khi vạch rõ quá trình lịch sử - xã hội do điều kiện vật chất chi phối, các nhà sáng lập chủ nghĩa duy vật lịch sử đã bác bỏ những lý luận chủ nghĩa duy vật tầm thường phủ nhận vai trò của tư tưởng, của những thiết chế và tổ chức chính trị, v.v…, chủ nghĩa duy vật lịch sử nhấn mạnh ảnh hưởng tích cực trở lại của tư tưởng, của những thiết chế và tổ chức chính trị, v.v. đối với cơ sở hạ tầng đã sản sinh ra chúng và nêu bật vai trò to lớn của nhân tố chủ quan - hành động của con người, của các giai cấp, của các đảng, của tính tự giác và tính tổ chức của quần chúng.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử đối lập với cả thuyết định mệnh, lẫn thuyết duy ý chí. Bản thân con người sáng tạo ra lịch sử của mình, nhưng không thể sáng tạo ra lịch sử một cách tuỳ tiện, bởi vì mỗi thế hệ mới hoạt động trong những điều kiện khách quan nhất định đã được tạo ra trước nó. Những điều kiện ấy và những quy luật hoạt động trên cơ sở những điều kiện ấy mở ra những khả năng muôn vẻ cho hoạt động của con người. Việc thực hiện những khả năng ấy, cũng tức là tiến trình thực hiện của lịch sử, lệ thuộc vào con người, vào tính tích cực và tính chủ động của họ, vào tính tổ chức và đoàn kết của các lực lượng tiến bộ.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử nghiên cứu xã hội với tính cách là một thể thống nhất, hoàn chỉnh, và vạch ra những quy luật chung và những động lực của sự phát triển xã hội. Các quy luật xã hội cũng tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người như các quy luật tự nhiên, song những quy luật của xã hội có đặc điểm là thể hiện thông qua hoạt động của con người có ý thức. Cũng như bất cứ môn khoa học nào, để phản ánh một cách đúng đắn đối tượng mà mình nghiên cứu, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã xây dựng nên một hệ thống các phạm trù khoa học của mình. Những phạm trù đó phản ánh những mặt cơ bản và những quá trình khác nhau của đời sống xã hội (như các phạm trù: tồn tại xã hội, ý thức xã hội, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, hình thái kinh tế - xã hội, giai cấp và đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, nhà nước , v.v.). Vì những hiện tượng của đời sống xã hội có liên hệ hữu cơ với nhau trong quá trình lịch sử nên những phạm trù phản ánh chúng cũng phải được xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử là công cụ của sự nhận thức khoa học về những quy luật chung nhất và những động lực của sự phát triển xã hội .
Chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở phương pháp luận của các khoa học cụ thể như: sử học, kinh tế học chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, đạo đức học, mỹ học, v.v… Nó vạch ra những quy luật chung nhất của sự phát triển xã hội, chỉ ra vị trí và vai trò của mỗi mặt của đời sống xã hội trong hệ thống xã hội nói chung, vạch ra những nét cơ bản của các giai đoạn phát triển của xã hội loài người và chính vì vậy mà nó thực hiện vai trò phương pháp luận đối với các môn khoa học xã hội cụ thể. Chủ nghĩa duy vật lịch sử tổng kết thực tiễn lịch sử xã hội loài người, tổng kết những thành tựu của các khoa học xã hội cụ thể, khái quát thành những nguyên lý chung. Ngược lại, sự phát triển của các khoa học cụ thể và thực tiễn lịch sử chứng minh ngày càng rõ hơn tính đúng đắn của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nếu không nắm vững được những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử thì các nhà khoa học xã hội sẽ không thể nào phát triển được môn khoa học của mình một cách có cơ sở khoa học, đúng đắn và sẽ rơi vào các quan điểm duy tâm, siêu hình trong việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở lý luận và phương pháp luận của đường lối, chính sách của các đảng cộng sản và công nhân. Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng là cơ sở lý luận chung duy nhất đúng đắn để vạch ra chiến lược và sách lược đúng đắn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đỗ Minh Hợp, Lê Hữu Tầng (dịch) (1998). Lịch sử phép biện chứng. Nxb Chính trị Quốc gia
- Từ điển Bách khoa Việt Nam ;
- Từ điển triết học do M.M. Rodentan chủ biên ; Философский энциклопедический словарь;
- C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.