Chấn thương tâm lý khi sinh là khái niệm được nhà phân tâm học Otto Rank đưa ra năm 1924 dùng để chỉ chấn thương của mẹ - người phụ nữ sinh con.
Khi đứa trẻ được sinh ra, đó đã là chấn thương tâm lý. Ngay cả Freud, lúc đầu (vào những năm 1920) cũng đã gọi sự thoát thai/sinh ra đã là trải nghiệm lo âu đầu tiên trong cuộc đời của mỗi con người và nó cũng là khuôn mẫu cho các lo âu sau này. Tuy nhiên, khái niệm chấn thương tâm lý khi sinh chỉ thực sự tạo định hình rõ nét khi vào năm 1924, khi Otto Rank, một nhà phân tâm học nổi tiếng đã cho ra đời quyển sách “Trauma of Birth” (chấn thương khi sinh).
Trong suốt những ngày tháng trước khi chào đời, đứa trẻ được bao bọc trong lòng (bụng) của người mẹ. Trong tử cung (nguyên nghĩa của từ là ngôi nhà lớn dành cho con) của mẹ, trẻ không chỉ được cung cấp đầy đủ về dưỡng chất mà còn là sự ấm áp, chở che. Những tháng cuối của thai kỳ, trẻ đã dần có được sự tương tác với mẹ. Khi đói hoặc có điều gì khó chịu, trẻ ra tín hiệu cho mẹ bằng những động tác cựa mình hoặc đạp lên thành bụng của mẹ và nó được nhận lại những ý nghĩ vỗ về, cưng nựng từ mẹ.
Thoát thai không chỉ đơn thuần là chấn động về mặt cơ thể/sinh học. Đây chính là lần đầu tiên, đứa trẻ tách rời khỏi mẹ, tách khỏi tử cung, nơi mà nó được bảo vệ, chăm sóc để bước vào một thế giới với nhiều điều xa lạ. Đối với các thầy thuốc, tiếng khóc ngay sau khi ra đời của đứa trẻ chỉ là một phản xạ cần có để thông khí phổi. Đối với nhiều nhà tâm lý học, nhất là những người theo định hướng phân tâm, đây không chỉ là tiếng khóc chào đời mà còn là tiếng khóc từ biệt một thế giới an toàn, được bao bọc để bước vào thế giới đầy lo âu. Và đây được xem như chấn thương tâm lý đầu đời.
Có thể thấy, chấn thương tâm lý khi sinh, như Freud đã nhận xét, đã để là dấu ấn trong những vấn đề tâm lý sau này của cá nhân, đặc biệt là những tháng, năm đầu đời, khi mà cái gọi là gắn bó mẹ - con tiếp tục níu kéo đứa trẻ gắn với mẹ, gắn với thế giới trong lòng người mẹ đầy ấm áp và an toàn. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học sau này luận giải nhiều hơn chấn thương tâm lý khi sinh từ góc độ là chấn thương của mẹ - người phụ nữ sinh con.
Sinh đẻ thường được xem là sự kiện gây nhiều đau đớn cho người phụ nữ. Trước hết đó là những đau đớn mà hầu như tất cả phụ nữ khi sinh con đều phải trải qua. Không chỉ là đau đớn, có những người mẹ đã phải bỏ mạng do những tai biến sản khoa. Chấn thương khi sinh con khiến cho một số trường hợp phụ nữ sau khi sinh rơi vào trạng thái rối loạn stress sau sang chấn (PTSD-PC/Post-traumatic Stress Disorder Post Childbirth). Theo thống kê của nhiều nước, khoảng từ 2% đến 6% phụ nữ sau khi sinh con rơi vào rối loạn stress sau sang chấn.
Có hai yếu tố chủ yếu gây ra rối loạn stress sau sang chấn:
- Các cơn đau. Đau như đau đẻ. Trước hết đó là các cơn co tử cung. Các cơn tăng dần về tần suất và cường độ, từ khoảng 15 - 20 giây sau lên đến 40 - 45 giây. Và những cơn sau đau hơn cơn trước. Trong một cuộc chuyển dạ đẻ, có thể có từ 70 - 180 cơn co tử cung. Trong những trường hợp phải can thiệp ngoại khoa giữa chừng, ví dụ, mổ do đẻ khó, những cơn đau còn kéo dài do vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn.
- Cơn mất kiểm soát bản thân. Không phải là tất cả nhưng nhiều trường hợp đã kêu la, gào thét, thậm chí còn hơn thế trong tình trạng đau đớn, họ đã cố hết sức nhưng đứa trẻ vẫn “chưa chịu” chui ra. Không chỉ những gì diễn ra trong thời điểm đẻ mà còn có cả những nỗi sợ khác của người mẹ góp phần tạo nên các vấn đề tâm lý sau sinh: sợ chết cho cả mình và con; sợ chưa được chuẩn bị, chưa sẵn sàng cho cuộc đẻ; sợ đau, sợ lại bị mất kiểm soát bản thân.
Không kể rối loạn stress sau sang chấn, chấn thương tâm lý khi sinh có thể kéo theo nhiều vấn đề tâm lý khác: 1) Sợ mang thai và đẻ con tiếp theo. Trải nghiệm về những cơn đau đẻ nặng nề đến mức làm người phụ nữ sợ phải trải nghiệm lại dẫn đến sợ mang thai. Trong một số trường hợp còn dẫn đến mất hứng thú tình dục; 2) Góp phần làm phức tạp thêm trầm cảm sau sinh. Rối loạn trầm cảm sau sinh đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ các nhà lâm sàng mà cả cộng đồng. Các triệu chứng lo âu xuất hiện trong trầm cảm càng cho bức tranh lâm sàng cũng như diễn biến rối loạn phức tạp thêm.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam, Nxb. Y học, 1999, pp. 88 - 147.
- Vũ Thị Chín, Tâm bệnh lý trẻ em, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2005.
- Kazdin A.E. (Editor-in-Chief), Encyclopedia of Psychology 8 volume set, APA, Oxford University Press, Vol. 1, 2000, pp. 505 - 506.
- Leeds L., Hargreaves I., The psychological consequences of childbirth, Journal of Reproductive and Infant Psychology, Vol. 26, No. 2, May, 2008, pp. 108 - 122.
- Akhtar S., Comprehensive Dictionary of Psychoanalysis, KARNAC, 2009, pp. 38.
- Patterson J., Martin C.H., Karatzias T., PTSD post-childbirth: a systematic review of women’s and midwives’ subjective experiences of care provider interaction, Journal of Reproductive and Infant Psychology, Vol. 37, No. 1, 2019, pp. 56 - 83.