Chương trình 12 bước là phương pháp trị liệu nghiện rượu được tiến hành trong nhóm tương trợ lẫn nhau với 12 bước tuần tự nhằm giúp người nghiện rượu bỏ rượu và phục hồi.
Chương trình được công bố trong Cuốn sách lớn (Big Book) năm 1939 do tổ chức Người nghiện rượu ẩn danh (AA - Alcoholics Anonymous) ở Hoa Kỳ biên soạn. AA là tổ chức tình nguyện đồng đẳng của những người nghiện rượu, tiến hành chia sẻ điểm mạnh và khuyến khích động viên các thành viên và những người khác trong việc giải quyết các vấn đề chung liên quan đến nghiện rượu. AA ra đời vào năm 1935 do Bill Wilson, nhà môi giới chứng khoán và Bob Smith, nhà vật lý sáng lập. Họ gặp nhau lần đầu tiên ở Akron, Ohio, Hoa Kỳ. Cả hai đang chiến đấu với bệnh nghiện rượu. Sau khi gặp nhau, trò chuyện về các vấn đề họ gặp phải và chia sẻ các trải nghiệm với nhau vài giờ, họ hiểu ra rằng nếu họ nói chuyện về vấn đề của họ thì họ có thể vượt qua được mong muốn uống rượu. Từ cuộc gặp gỡ đó AA ra đời. Cuốn sách Big Book của AA liệt kê 12 bước trong chương trình phục hồi. Nhiều nhóm khác cũng sử dụng Chương trình 12 bước để phát triển các chương trình phục hồi tương tự đối với ma túy, cocain, ăn uống quá độ, nghiện game, nghiện sex...
Chương trình phục hồi cho người nghiện rượu được xây dựng trên tư tưởng cho rằng khi người nghiện rượu được nói chuyện về các vấn đề của họ, chứ không phải nghe người khác thuyết phục. Khi được nói về các vấn đề mình gặp phải, người nghiện rượu có thể tỉnh ngộ và ý thức được những điều cần thay đổi. Việc chia sẻ giữa những người cùng tình cảnh, một mặt giúp họ có được sự cảm thông, mặt khác tìm thấy được sự hỗ trợ tâm lý. Cùng chia sẻ và cùng hỗ trợ nhau trong một nhóm, mỗi cá nhân có thể vượt qua sự cám dỗ của rượu và lấy lại được sự cân bằng về tâm lý.
Chương trình 12 bước được thực hiện trong các cuộc làm việc nhóm được hỗ trợ bởi những thành viên có kinh nghiệm hơn. Mỗi bước trong chương trình được biểu đạt bằng lời tuyên ngôn chung của các thành viên trong nhóm. Thực chất mỗi bước là một hoạt động nhận biết bản thân, đưa ra các nhận định và cam kết hành động để dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào rượu.
12 bước xây dựng nhận thức trong chương trình[sửa]
- Các cá nhân trong nhóm thừa nhận rằng họ bất lực trước rượu và không thể quản lý được cuộc sống của bản thân;
- Các cá nhân đi đến niềm tin rằng có một “quyền năng” lớn hơn bản thân, có khả năng giúp họ phục hồi sự lành mạnh;
- Các cá nhân quyết định hướng ý chí và cuộc sống của họ đến sự giám sát và trợ giúp của “Đấng quyền năng”;
- Cá nhân tự kiểm điểm đạo đức của bản thân;
- Cá nhân thú nhận với “Đấng quyền năng”, với bản thân và những người khác bản chất sự tội lỗi của mình;
- Cá nhân sẵn sàng để “Đấng quyền năng” mang đi tất cả những tính cách lệch lạc;
- Các cá nhân nguyện cầu “Đấng quyền năng” mang đi những khuyết điểm;
- Các cá nhân liệt kê danh sách những người mà họ đã làm hại và sẵn sàng đền bù cho những người đó;
- Các cá nhân đền bù trực tiếp cho những người đã bị hại ở mọi nơi có thể, ngoại trừ khi làm việc đó có thể ảnh hưởng đến người khác;
- Các cá nhân tiếp tục kiểm điểm bản thân và khi thấy sai lầm, ngay lập tức thừa nhận;
- Các cá nhân cầu nguyện và thiền định để tăng cường giao tiếp với “Đấng quyền năng”;
- Các cá nhân có được sự giác ngộ qua các bước này. Họ tiếp tục đem thông điệp tới những người nghiện rượu và thực hành các nguyên tắc này trong tổ chức.
Nhà tư vấn dẫn dắt cá nhân hồi phục qua 12 bước:
Trước tiên người muốn phục hồi phải thừa nhận rằng họ đã bất lực trong cuộc sống bằng cách chia sẻ các vấn đề về thể chất, tâm lý, xã hội khi nghiện rượu. Cá nhân cần nhận ra được rằng mọi thứ anh ta đã cố gắng làm để đưa bệnh tật vào tầm kiểm soát đã thất bại. Anh ta có thể tránh được trong thời gian ngắn nhưng luôn tái nghiện. Sau đó anh ta được khuyến khích tin rằng có một quyền năng lớn hơn chính bản thân anh ta, có thể giúp anh ta phục hồi.
Ở bước thứ 3 cá nhân quyết định hướng cuộc sống của mình đến “Đấng quyền năng”. Đây là chương trình tâm linh chứ không phải chương trình tôn giáo, do vậy cá nhân được phép lựa chọn “Quyền năng” hay “Đấng siêu nhiên” theo cách họ hiểu.
Sau đó cá nhân được khuyến khích tự suy nghĩ và làm sạch tâm hồn của bản thân bằng kiểm kê nhân cách: qua toàn bộ tiểu sử, các câu chuyện về cuộc sống, các tài sản và trách nhiệm của họ.
Ở bước thứ 5, cá nhân tự nói với bản thân “Đấng quyền năng” và người khác bản chất sự sai lầm của họ. Điều này làm sạch tội lỗi quá khứ để hướng tới cuộc sống mới.
Ở bước 6, cá nhân sẵn sàng từ bỏ các tính cách sai trái dưới sự quan tâm của “Đấng quyền năng”.
Ở bước 7, cá nhân đề nghị “Đấng quyền năng” lấy đi tất cả các tội lỗi của họ.
Bước 8, lập danh sách những người bị ảnh hưởng bởi sự nghiện ngập của bản thân.
Bước 9, khuyến khích bồi thường cho những người bị tổn hại.
Bước 10, đánh giá bản thân hàng ngày để khuyến khích các thành công và điều chỉnh các hành vi cũ.
Bước 11, tìm kiểm sự liên hệ ý thức với “Đấng quyền năng” qua thiền và cầu nguyện.
Bước 12, tiếp tục quản lý bản thân và mang thông điệp phục hồi tới những người nghiện cần sự giúp đỡ.
Chương trình này đã được phát triển để hỗ trợ trị liệu cho các dạng nghiện - lệ thuộc khác. Các tổ chức được thành lập để thực hiện chương trình này khá nhiều. Tuy vậy, chưa tìm thấy những đánh giá khoa học và đầy đủ về chương trình này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology; Brumfield, ML, 1999.
- Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
- Charler Spielbeger (Editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.