Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chuyển động mắt

Chuyển động mắt là một liệu pháp tâm lý trị liệu dựa trên bằng chứng và được chứng minh là có hiệu quả đối với các thân chủ có rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Ban đầu phương pháp trị liệu này chỉ là giải mẫn cảm với chuyển động mắt, được phát hiện bởi nhà tâm lý học Hoa Kỳ, Francine Shapiro, trong một lần bà đi bộ qua công viên với những suy nghĩ về một vài ký ức đau đớn và bà phát hiện ra rằng các cử động mắt nhanh có thể làm giảm cường độ của những suy nghĩ rối loạn. Sau đó, bà nhận thấy rằng việc thân chủ đưa các chuyển động mắt vào sự kiểm soát tự nguyện trong khi nghĩ về một ký ức đau buồn sẽ làm giảm sự lo lắng liên quan đến ký ức ấy. Shapiro (1989) đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, trong đó bà thực hiện một phiên điều trị giải mẫn cảm bằng chuyển động mắt cho 22 thân chủ có chấn thương tâm lý. Kết quả cho thấy, nhóm thân chủ theo phương pháp giải mẫn cảm bằng chuyển động mắt đã thành công trong việc kiểm soát ký ức sang chấn và giảm mức độ lo lắng, căng thẳng sau sự kiện gây sang chấn, kết quả này là khác biệt so với nhóm thân chủ không theo phương pháp trị liệu này.

Từ khám phá trên, những năm sau đó giải mẫn cảm bằng chuyển động mắt được phát triển thành giải mẫn cảm và tái cấu trúc nhận thức thông qua chuyển động mắt và phát triển theo hướng tiếp cận tám giai đoạn có cấu trúc bằng cách sử dụng các quy trình chuẩn hóa để giải quyết các khía cạnh trong quá khứ, hiện tại và tương lai của một ký ức sang chấn.

  • Giai đoạn 1: nhà trị liệu tìm hiểu lịch sử chấn thương và lên kế hoạch điều trị;
  • Giai đoạn 2: nhà trị liệu giới thiệu về phương pháp trị liệu bằng giải mẫn cảm và tái cấu trúc nhận thức thông qua chuyển động mắt, phát triển các chiến lược ứng phó;
  • Giai đoạn 3: nhà trị liệu đánh giá việc tái hiện các hình ảnh của sự kiện đau thương, xác định niềm tin và cảm xúc liên quan đến sự kiện đau thương đó, đánh giá mức độ xáo trộn khi nhớ lại sự kiện đau thương và đánh giá tính hợp lý trong nhận thức của thân chủ khi nhắc lại sự kiện đó;
  • Giai đoạn 4: thân chủ tập trung vào một kích thích chú ý kép, thường là tập trung vào chuyển động của mắt trong khi vẫn ghi nhớ hình ảnh, suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến sự kiện sang chấn. Sau mỗi lần nhận kích thích kép này, thân chủ được yêu cầu xác định các cảm xúc, nhận thức mới đạt được;
  • Giai đoạn 5: những cảm xúc, nhận thức mới đạt được ở giai đoạn 4 được sử dụng trong giai đoạn 5 nhằm mục đích kết hợp và củng cố nhận thức tích cực của thân chủ để thay thế cho những nhận thức tiêu cực liên quan đến sự kiện sang chấn;
  • Giai đoạn 6: thân chủ được yêu cầu cảm nhận để xử lý bất cứ cảm giác cơ thể nào còn sót lại, thường là những cảm xúc, suy nghĩ, trạng thái cơ thể tiêu cực khi nhớ về sự kiện sang chấn;
  • Giai đoạn 7: thân chủ được hướng dẫn thư giãn và thiết lập lại sự ổn định về cảm xúc nếu họ trải qua cảm nhận đau khổ giữa các phiên;
  • Giai đoạn 8: nhà trị liệu và thân chủ cùng đánh giá lại về các kết quả đạt được từ các giai đoạn trước và xem liệu có cần phát triển mục tiêu trị liệu mới.

Thời lượng của một phiên trị liệu thường từ 50 đến 90 phút và các ký ức đơn lẻ về sự kiện sang chấn thường được xử lý trong vòng một đến ba phiên. Phương pháp trị liệu này đã được chứng minh là có tỷ lệ thành công với các thân chủ có rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn so với các phương pháp trị liệu tâm lý khác và cao hơn so với việc sử dụng thuốc nhằm cản trở sự tái hiện những hình ảnh, cảm xúc, âm thanh, hay mùi liên quan đến sự kiện gây sang chấn ở thân chủ.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bessel Van De Kolk, The body keeps the score: Brain, mind, and body in the healing of trauma - Sang chấn tâm lý, hiểu để chữa lành (Người dịch: Lê Phan Như Quỳnh), Nxb Thế giới, 2014.
  2. Shapiro F., Efficacy of the eye movement desensitization procedure in the treatment of traumatic memories, J. Trauma. Stress 2, 10.1002/jts.2490020207, 1989, 199 - 223.
  3. Landin-Romero, R., Moreno-Alcazar, A., Pagani, M., & Amann, B. L., How Does Eye Movement Desensitization and Reprocessing Therapy Work? A Systematic Review on Suggested Mechanisms of Action, Frontiers in psychology, 9, 1395. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2018.01395,2018.