Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840 – 1842)[sửa]
Hay còn gọi Chiến tranh nha phiến hay Chiến tranh Anh – Trung Quốc. Cuộc chiến tranh do Anh tiến hành với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc.
Trong thời cận đại, thực dân phương Tây thi nhau xâu xé các nước Á, Phi và Mỹ Latinh, biến thành thuộc địa. Nhiều nước châu Á đã tự vệ bằng việc thực thi chính sách đóng cửa, tuyệt giao với các nước phương Tây. Ở Trung Quốc, nhà Thanh phong tỏa các miền duyên hải, cấm buôn bán với nước ngoài. Để mở cửa thị trường Trung Quốc, người Anh đã chọn và tìm cách đưa vào thị trường này món hàng thuốc phiện. Thuốc phiện không mấy khó khăn xâm nhập vào đất nước rộng lớn này, khiến cho nhiều người Trung Quốc, từ quí tộc, quan lại đến thương nhân, binh lính, thậm chí cả dân thường, … đều nghiện ngập.
Thuốc phiện làm cho kinh tế Trung Quốc sa sút, xã hội rối ren, thuốc phiện vào càng nhiều thì nạn chảy bạc trắng ra nước ngoài ngày càng tăng. Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị nô dịch. Quần chúng nhân dân và các quan lại tiến bộ đã đòi hỏi nhà Thanh phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thuốc phiện. Nội bộ chính quyền nhà Thanh đã diễn ra cuộc đấu tranh (về việc cấm hay không cấm thuốc phiện) giữa ba phái (phái thỏa hiệp, phái đầu hàng và phái kiên quyết). Trước phong trào đấu tranh đòi cấm thuốc phiện của nhân dân, ngày 31.12.1838, vua Đạo Quang đã phái Lâm Tắc Từ (phái kiên quyết) xuống Quảng Châu thực hiện lệnh cấm thuốc phiện. Tháng 6. 1839, Lâm Tắc Từ đã tịch thu được hơn 2 vạn hòm thuốc phiện của thương nhân Anh và đem thiêu hủy ròng rã 20 ngày đêm. Người Anh không cam chịu mất một nguồn lợi lớn từ thuốc phiện và đây cũng là cái cớ để họ mở toang cánh cửa vào Trung Quốc bằng con đường vũ lực.
Chính quyền nhà Thanh ở Cửu Long ra lệnh cấm vận thực phẩm và nước uống với các tàu của Anh. Ngày 4.9.1839, Charles Elliot đưa tối hậu thư cho nhà Thanh yêu cầu hủy bỏ cấm vận, nhưng không được đáp ứng. Vì vậy, các tàu của Anh đã nổ súng vào tàu Trung Quốc ở vùng biển Cửu Long. Cuộc chiến tranh chính thức bắt đầu.Tháng 6.1840, Anh đã đưa 15.000 quân với hơn 40 tàu chiến do Charler Elliot chỉ huy tiến đánh Quảng Châu, Phúc Kiến, Hạ Môn nhưng đều gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân Trung Quốc, nên quân Anh phải chuyển lên Giang Triết đánh chiếm thị trấn Định Hải. Tháng 8.1840, quân Anh tiến lên Trực Lệ, uy hiếp Bắc Hà, Thiên Tân. Viên Tổng đốc Trực Lệ tâu lên vua Đạo Quang xin cầu hòa. Triều đình nhà Thanh run sợ, cách chức Lâm Tắc Từ, phái Khâm sai đại thần Xixan đến Quảng Đông phá bỏ hết hệ thống phòng thủ, giảm bớt lực lượng, … hi vọng Anh bằng lòng thương lượng. Trước thái độ này của nhà Thanh, quân Anh lấn tới, tháng 2.1841, họ đánh úp Hổ Môn; tháng 5.1841, họ tấn công Quảng Châu. Lúc này, Chính phủ Anh không hài lòng với bản dự thảo Điều ước Xuyên tỉ (do việc cắt Hương Cảng chưa được nhà Thanh đồng ý, tiền bồi thường thuốc phiện chưa đủ, khoản bồi thường chiến phí chưa có), do vậy, ngày 26.8.1941, họ đánh lên Hạ Môn, chiếm Định Hải, Ninh Ba. Tháng 6.1842, quân Anh tiến đánh Ngô Tùng, sau đó là Thượng Hải và Bảo Sơn, bắn phá Trấn Giang. Đầu tháng 8.1842, quân Anh tiến vào Nam Kinh. Triều đình Mãn Thanh vội phái sứ thần đi điều đình với đại diện Anh, nhà Thanh chấp nhận tất cả yêu cầu của Anh. Ngày 29.8.1842, Hiệp ước Nam Kinh được ký kết với nội dung chủ yếu là: Trung Quốc phải mở 5 cửa biển cho tự do thông thương (Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba, Hạ Môn, Thượng Hải); cắt Hương Cảng cho Anh trong 99 năm; bồi thường cho Anh 21 triệu bảng; thuế xuất nhập khẩu của Anh phải do hai bên bàn bạc; người Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán ở Trung Quốc.
Hiệp ước Nam Kinh là xiềng xích đầu tiên của thực dân phương Tây quàng vào cổ nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc bị cuốn vào thị trường thế giới. Cuộc Chiến tranh thuốc phiện (1840 – 1842) và Hiệp ước Nam Kinh cũng là màn đầu của quá trình Trung Quốc từ nước phong kiến độc lập trở thành nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa.
Chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai (1856 – 1860)[sửa]
Cuộc chiến tranh giữa Anh, Pháp với Trung Quốc nhằm mở rộng thêm quyền lợi của các nước phương Tây ở Trung Hoa, đồng thời ngăn chặn và tiêu diệt phong trào nông dân Thái bình thiên quốc.
Phong trào Thái bình thiên quốc chĩa mũi nhọn vào triều đình Mãn Thanh nhưng cũng chống cả thực dân phương Tây ở Trung Quốc, do vậy, nhà Thanh đã cấu kết với Anh và Pháp để xóa bỏ phong trào này. Nhân cơ hội đó, Anh đưa ra điều kiện mới để mở rộng thêm Hiệp ước Nam Kinh (như cho Anh phái sứ thần đến kinh đô, người Anh được tự do đi lại trên đất Trung Quốc, và đặt lãnh sự quán ở Thiên Tân, quân Anh được đóng ở Quảng Châu, thừa nhận thuốc phiện là món hàng hợp pháp,…). Pháp và Mỹ cũng yêu cầu sửa lại những điều ước cũ và lấy đó làm điều kiện để giúp nhà Thanh trấn áp Thái bình thiên quốc. Bị nhà Thanh cự tuyệt những yêu sách đó, tháng 10.1856, vin cớ thủy quân Trung Quốc ở Quảng Châu bắt giữ tàu Arao của Anh buôn bán thuốc phiện, còn Pháp lấy cớ các giáo sĩ bị giết hại để gây chiến với Trung Quốc.
Tháng 12.1857, liên quân Anh – Pháp đánh chiếm Quảng Châu, bắt sống Tổng đốc Diệp Danh Sâm, sau đó tiến quân lên phía bắc, vây hãm pháo đài Đại Cô. Triều đình Mãn Thanh hoảng sợ, ngày 25.6.1858, buộc phải ký với Anh và Pháp Điều ước Thiên Tân, chấp nhận bồi thường chiến phí cho Anh Pháp; mở thêm nhiều hải cảng, như Ngưu Trang, Đăng Châu, Hán Khẩu, Nam Kinh, Trấn Giang, Đạm Thủy; đạo Thiên chúa được tự do truyền bá, người nước ngoài được tự do đi lại ở Trung Quốc,… Chưa thỏa mãn, tháng 6.1859, Anh điều 1800 quân và Pháp phái 6.500 quân tiến vào Đại Cô. Tháng 10.1860, quân Anh, Pháp tiến vào Bắc Kinh cướp bóc, tàn phá, trong đó có khu Viên minh viên. Vua Thanh chạy trốn sang Nhiệt Hà, còn em ruột là Cung thân vương đi cầu hòa. Ngày 24.10.1860, Điều ước Bắc Kinh được ký kết. Ngoài Điều ước Thiên Tân, nhà Thanh phải mở thêm cửa Thiên Tân, cắt vùng Cửu Long cho Anh, bồi thường cho Anh, Pháp mỗi nước 8 triệu lạng bạc.
Các điều ước này đã mở rộng và hợp pháp hóa các quyền lợi của phương Tây ở Trung Quốc, tính chất thuộc địa của Trung Quốc cũng đậm nét hơn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Văn Hồng – Vũ Dương Ninh – Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử thế giới cận đại, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
- Nguyễn Anh Thái (chủ biên), Từ điển tri thức lịch sử thế giới (cận đại và hiện đại), tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.
- Farooqui Amar, Smuggling as Subversion: Colonialism, Indian Merchants, and the Politics of Opium (Lật đổ bằng Buôn lậu: Chủ nghĩa thực dân, Thương nhân Ấn Độ, và Tính chính trị của Thuốc phiện), 1790 – 1843, Lexington Books, 2005, ISBN 0-7391-0886-7.