Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc là chiến lược quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; là chiến lược tổng hợp quốc gia bao trùm, giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở cho việc nghiên cứu hoạch định các Chiến lược Quốc phòng, quân sự, an ninh Quốc gia, đối ngoại và các chiến lược chuyên ngành khác.
Đất nước Việt Nam từ khi được hòa bình thống nhất cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định cần phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược đó là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong đó lấy Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc làm hai chiến lược chủ đạo.
Kế thừa Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX năm 2003, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI năm 2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới thể hiện tư duy mới, là bước đột phá của của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc phải do Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của quốc gia hoạch định, trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện, trực tiếp xử lý mọi tình huống, điều chỉnh chỉ tiêu khi cần thiết, trực tiếp chịu trách nhiệm trước quốc gia về sự thành bại của chiến lược. Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc là căn cứ pháp lệnh cho các chiến lược khác, chiến lược trên từng lĩnh vực phải góp phần thực hiện tốt, không được gây trở ngại cho Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc. Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với các với các chiến lược quốc gia khác, trong đó lấy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở nền tảng, lấy chiến lược quốc phòng, chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quân sự làm nòng cốt.
Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc xác định các mục tiêu quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc là giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định thắng lợi của bảo vệ tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Lấy nội lực bên trong là nhân tố quyết định, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Vận dụng đúng đắn đối tác đối tượng, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa phát hiện sớm các nhân tố có thể dẫn đến những đột biến bất lợi.
Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc thực hiện phương châm chỉ đạo của đảng là kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, linh hoạt mềm dẻo về sách lược, giữ nghiêm kỷ luật, kỹ cương, xữ lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật. Kịp thời ngăn chặn, chủ động đấu tranh với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.. Thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chủ đông xử trí đúng đắn, kịp thời mọi tình huống gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đó là bảo vệ đường lối đổi mới và trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Bảo vệ mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đã giành được phải gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của xã hội ta là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và lợi ích quốc gia, dân tộc trong quá trình mở rộng chính sách đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế. Bảo vệ và không ngừng tăng cường nền quốc phòng, an ninh đất nước, đủ sức giữ môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc là chiến lược tổng thể để thực hiện đường lối cách mạng của Đảng trong bảo vệ tổ quốc ở từng giai đoạn cách mạng. Đó là công trình động viên, phối hợp các nguồn lực, tổng hợp các sức mạnh, các tiềm năng của đất nước, điều hành sử dụng một cách khôn ngoan nhất để thực hiện cho được những mục tiêu cơ bản, đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ nhất định. Những nội dung cơ bản trên của Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc sẽ được cụ thể hóa, định hướng trong việc xác định mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức tiến hành và các giải pháp thực hiện trong chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược đối ngoại, chiến lược kinh tế.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2013.
- Đảng cộng sản Việt Nam, Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lí luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2015.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 12. Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016.
- Quốc Hội, Luật Quốc phòng, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.
- Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 806-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.