Chất tạo ngọt là căn cứ địa chống Pháp do Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thanh Hóa xây dựng (tháng 7.1941), đặt tại Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành).
Thực hiện thông báo khẩn của Ban Thường vụ Trung ương Đảng kêu gọi các địa phương hưởng ứng khởi nghĩa và thành lập đội du kích, ngày 28.1.1941 Xứ ủy Trung Kì triệu tập Hội nghị liên tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tại Nghệ An. Đầu tháng 6.1941, hội nghị Tỉnh ủy (tỉnh Thanh Hóa) mở rộng họp tại Phúc Tỉnh, Yên Định (nay là huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) ra nghị quyết về việc xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập các khu căn cứ, đồng thời chủ trương triệu tập đại hội đại biểu Hội phản đế cứu quốc toàn tỉnh (cuối tháng 6.1941), nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của quần chúng. Đầu tháng 7.1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định chọn địa bàn xây dựng chiến khu cách mạng của tỉnh tại khu vực Ngọc Trạo (thuộc tổng Trạc Nhật, huyện Thạch Thành, cách huyện lị Thạch Thành khoảng 15 km, phía bắc giáp tỉnh Ninh Bình, phía đông giáp thị xã Bỉm Sơn, phía nam giáp huyện Vĩnh Lộc), lấy Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa làm vành đai hậu thuẫn cho chiến khu.
Chiến khu Ngọc Trạo có địa hình đồi núi không cao nhưng cây cối um tùm, rậm rạp, xung quanh được núi đá bao bọc, đường ra vào rất hiểm trở, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa và huấn luyện cán bộ, phù hợp phát triển chiến tranh du kích. Địa hình bị chia cắt, bất lợi cho việc sử dụng các phương tiện cơ giới đường bộ, thực hiện các cuộc hành quân, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Lực lượng địch dễ bị ta chia cắt, việc vận chuyển, tiếp tế, liên lạc giữa các bộ phận, các vùng gặp nhiều khó khăn; các loại vũ khí hạng nặng khó phát huy được tác dụng. Là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào Mường, phong trào đấu tranh phát triển mạnh, quần chúng có tinh thần yêu nước và sớm được giác ngộ cách mạng. Cuối tháng 7.1941, Ban lãnh đạo Chiến khu Ngọc Trạo chính thức được thành lập gồm các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ và Trịnh Huy Lãn, do đồng chí Đặng Châu Tuệ (Tỉnh ủy viên) phụ trách chung; cơ quan ấn loát của tỉnh được đưa về đây. Lực lượng vũ trang trong chiến khu lúc đầu có 11 đội viên du kích được lựa chọn từ các huyện. Nhận thấy các hoạt động ở khu căn cứ Ngọc Trạo bị lộ, ngày 18.9.1941 Ban lãnh đạo chiến khu quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về Hang Treo (Hà Long, Hà Trung). Đêm 19.9.1941, tại Hang Treo Đội du kích Ngọc Trạo được thành lập, gồm 21 chiến sĩ chia thành 3 tiểu đội, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm chỉ huy trưởng. Bài hát "Đời ta bấy lâu khổ rồi" được chọn làm Đội ca. Với trang bị vũ khí thô sơ, có nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, vận động quần chúng và bảo vệ cơ quan cách mạng tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, Chiến khu Ngọc Trạo đã nối liên lạc và nhận được sự giúp đỡ tích cực của một số cơ sở cách mạng ở xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), mở rộng ảnh hưởng và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia, ủng hộ. Trước tình hình lực lượng ngày càng đông, việc liên lạc, tiếp tế và mở rộng hoạt động ở khu vực Hang Treo gặp nhiều khó khăn, ngày 25.9.1941, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định đưa toàn bộ lực lượng về đồi Ma Mầu (cách Ngọc Trạo 1 km về phía tây bắc) tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng (tính đến đầu tháng 10.1941, quân số du kích đã tăng lên 83 đội viên, trong đó có sự tham gia của các chiến sĩ ở các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình). Mặc dù cố gắng giữ bí mật, nhưng địch vẫn phát hiện được Chiến khu Ngọc Trạo và lực lượng vũ trang tại đây. Ngày 7.10.1941, phát hiện hơn 100 chiến sĩ tự vệ của các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định tập kết tại Đa Ngọc (Thiệu Yên, cách Ngọc Trạo khoảng 40 km) chuẩn bị lên Chiến khu Ngọc Trạo, Quân Pháp huy động 20 lính khố xanh và nhiều phu tuần tổ chức vây bắt, bị ta chặn đánh quyết liệt, địch không thực hiện được ý định. Sáng 19.10.1941, địch huy động 60 lính Pháp, chia làm 3 mũi tiến công Chiến khu Ngọc Trạo. Các chiến sĩ tự vệ và du kích với súng kíp, dao, mác lợi dụng địa hình, áp dụng linh hoạt chiến thuật phục kích, tiếp cận nhanh đánh giáp lá cà, hạn chế uy lực vũ khí của địch, buộc địch phải rút lui với tổn thất lớn. Sau trận đánh, ngày 20.10.1941, toàn bộ lực lượng trong chiến khu gấp rút di chuyển tới nơi tập kết mới ở làng Cẩm Bào, huyện Thạch Thành (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc). Ban lãnh đạo Chiến khu Ngọc Trạo quyết định phân tán lực lượng về các địa phương bám sát cơ sở, gây dựng và mở rộng phong trào quần chúng. Đến đây, hoạt động của Chiến khu Ngọc Trạo cơ bản chấm dứt.
Mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hơn 3 tháng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chiến khu Ngọc Trạo đã phát huy tinh thần cách mạng tiến công, cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang cho quần chúng nhân dân ở địa phương, đồng thời để lại nhiều bài học về tổ chức lực lượng vũ trang tập trung, xây dựng căn cứ địa, bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng; đưa phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh lên tầm cao mới, là tiền đề quan trọng cho sự hình thành Chiến khu Quang Trung trên địa bàn ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa sau này. Lần đầu tiên ở bắc miền Trung hình thành căn cứ địa cách mạng và các đội du kích tập trung cấp tỉnh, góp phần tạo ra bước phát triển mới cho phong trào đấu tranh cách mạng chống đế quốc, phát xít, tạo tiền đề chính trị, quân sự cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa trong thời kì Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. (1.121 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Thanh Hóa, Chiến khu Ngọc Trạo, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, 1977.
- Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 13, Hà Nội, 1987.
- Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Thanh Hóa, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, tập I, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, 1988.
- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 02, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- http://baothanhhoa.vn.news/12036.bth
- http://www.gdtd.vn/channel/3002/201008/Ngoc-Trao-can-cu-dia-cach-mang-cua-tinh-Thanh-Hoa-1931863.