Chiến khu Dương Minh Châu là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân Việt Nam được xây dựng ở vùng rừng núi bắc tỉnh Tây Ninh.
Năm 1948, trên cơ sở các căn cứ nhỏ Bàu Tâm, Bàu Chanh, Bố Bịch, Bà Hảo, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Trà Vông (còn gọi Chiến khu Trà Vông), ở vùng đông bắc của tỉnh. Đến năm 1949, Chiến khu Trà Vông được mở rộng gồm các huyện Tân Châu, Tân Biên, Hoà Thành, Dương Minh Châu, thị xã Tây Ninh và một phần huyện Bến Cầu; được Tỉnh uỷ Tây Ninh đổi tên thành Chiến khu Dương Minh Châu (để tưởng nhớ Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính đầu tiên của tỉnh Tây Ninh hy sinh ngày 7.2.1947). Cuối năm 1950, Chiến khu Dương Minh Châu phát triển thành huyện căn cứ, diện tích khoảng 1.500 km2, có hành lang nối thông với các căn cứ Bời Lời, rừng Rong (Trảng Bàng), rừng Nhum, Hoà Hội (Châu Thành) và đông nam Campuchia.
Chiến khu Dương Minh Châu nằm ở vùng rừng núi rộng lớn, phía đông giáp sông Sài Gòn, có thể vượt sông và đường 13 sang Chiến khu Đ; phía nam theo lưu vực sông Sài Gòn, xuyên qua vùng căn cứ địa Bời Lời, có thể toả xuống vùng Gia Định - Sài Gòn; phía tây giáp liên tỉnh lộ 13 có sông Vàm Cỏ Đông nối liền các chiến khu Đông Thành, Đồng Tháp Mười; phía bắc có đường biên giới giáp vùng đông bắc Campuchia. Là địa bàn chiến lược, đầu mối các đường hành lang chiến lược nối miền Đông Nam Bộ với Trung ương Cục miền Nam, xuống đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia. Đầu năm 1949, tại căn cứ có 400 hộ dân với 2.100 nhân khẩu, đây là những gia đình có quan hệ huyết thống, trung thành với cách mạng, được địa phương tuyển chọn đến định cư tại căn cứ để làm lực lượng nòng cốt, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa.
Về mặt quân sự, đây là khu vực rừng núi rậm rạp, giao thông thủy bộ đều thuận tiện. Địa hình có tính chất chuyển tiếp giữa rừng núi và đồng bằng, thấp dần từ bắc xuống nam, độ cao trung bình 20-50 m, kết cấu địa chất ổn định nên khả năng cơ động và bảo đảm cơ động khá thuận lợi. Khả năng che khuất, chống đỡ và ngụy trang tốt; hạn chế được uy lực sát thương của các loại vũ khí, nhất là khu vực phía bắc giáp biên giới. Địa bàn rất thuận tiện cho việc xây dựng căn cứ, sở chỉ huy, trú giấu lực lượng lớn, bố trí kho hậu cần, kĩ thuật hoặc sơ tán nhân dân khi cần thiết; làm bàn đạp tấn công ra ngoài căn cứ để hỗ trợ, phối hợp với chiến tranh nhân dân địa phương ở vùng địch tạm chiếm; thuận lợi cho tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; xây dựng tình đoàn kết liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Tuy nhiên, địa hình cũng thuận lợi cho địch triển khai các hoạt động đổ bộ đường không, cơ động cơ giới bằng cả đường thủy, đường bộ, triển khai vũ khí hạng nặng để càn quét vào căn cứ.
Chiến khu Dương Minh Châu lúc đầu là căn cứ tập trung cơ quan đầu não tỉnh Tây Ninh: Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính, Ban chỉ huy chi đội 11 (sau đổi thành Trung đoàn 311), công binh xưởng. Đến cuối 1950, do công tác bảo đảm hậu cần, kĩ thuật khó khăn, cơ quan Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Nam Bộ chuyển từ chiến khu Đ về Chiến khu Dương Minh Châu. Tháng 5.1951, Chiến khu Dương Minh Châu trở thành nơi đứng chân của phân khu uỷ, Bộ Tư Lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, các cơ quan Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, lực lượng kháng chiến, chỗ dựa vững chắc để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Chiến khu được tổ chức thành đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Phước Ninh, Định Thành, có tổ chức Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính và mặt trận Việt Minh từ huyện xuống xã.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chiến khu Dương Minh Châu hình thành thế trận liên hoàn vững chắc đánh bại nhiều cuộc tiến công càn quét của địch. Tháng 2.1952, lực lượng vũ trang chiến khu tập kích sở chỉ huy cuộc hành quân “Nhà Lá” của Pháp; tháng 4.1952, bẻ gãy cuộc càn của nhiều tiểu đoàn Pháp, diệt 200 địch, bắn rơi 2 máy bay, bảo vệ an toàn chiến khu. Từ Chiến khu Dương Minh Châu lực lượng ta xuất phát tiến công đánh địch ngoài căn cứ: trận Bố Heo, Gia Bình, sở cao su Ôcônen, đánh phá giao thông đường 1, 22, 26; chiến dịch Bến Cát II (7.10-15.11.1950), giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng nhiều vùng thuộc tỉnh PrâyViêng, Xoài Riêng, Côngpông Chàm.
Sau 1954, Chiến khu Dương Minh Châu là nơi cán bộ và quần chúng cách mạng rút về bảo toàn lực lượng trước chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau phong trào Đồng khởi 1960, vùng căn cứ du kích tỉnh Tây Ninh được mở rộng, tạo thế bảo vệ cho Chiến khu Dương Minh Châu. Tháng 6.1961, để tạo thuận lợi cho chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp đấu tranh quân sự - chính trị, Trung ương Cục, Uỷ ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Ban chỉ huy quân sự Miền chuyển từ Khu A (chiến khu Đ trong kháng chiến chống Pháp) về khu B (gồm Chiến khu Dương Minh Châu thời kháng chiến chống Pháp, mở rộng thêm lên vùng Đông Bắc tỉnh Tây Ninh). Trong những năm 1956-1959, tại Chiến khu Dương Minh Châu, nhiều đơn vị vũ trang (C40, C50, C70, C30, C80...) được thành lập. Ngày 2.9.1961, thành lập Trung đoàn bộ binh 1, trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Là nơi đứng chân và hoạt động của Sư đoàn bộ binh 9 chủ lực Miền, Trung đoàn 3, Trung đoàn 16 và các đơn vị vũ trang của chiến khu. Các đơn vị vũ trang chiến khu đã liên tục tiến công giành thắng lợi trong các trận: Bến Thế, Bến Củi (1956), Minh Thạnh (1957), Dầu Tiếng (1958), Tua Hai (1960), Bổ Túc (1961), đánh bại cuộc hành quân “Sao Mai” (1962), bẻ gãy cuộc hành quân Attleboro..., phá thế bao vây, phong toả của địch. Tháng 6.1966, quân và dân Chiến khu Dương Minh Châu đã đánh bại cuộc hành quân Junction City. Chiến khu Dương Minh Châu là nơi xuất phát của một số đơn vị trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), tiến về đồng bằng Khu 8 và thành phố Sài Gòn (1973-1975).
Sự hình thành và phát triển của Chiến khu Dương Minh Châu có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng lực lượng kháng chiến; giữ gìn và bảo toàn các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang của tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ, Nam Bộ và miền Nam; là đầu mối các đường hành lang chiến lược nối miền Đông Nam Bộ ra Trung ương, xuống đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia; là chỗ dựa tin cậy của các lực lượng kháng chiến, là hậu phương tại chỗ vững chắc cung cấp vũ khí, lương thực cho các đơn vị tác chiến, là nơi củng cố, huấn luyện, nâng cao trình độ tác chiến của các đơn vị bộ đội chủ lực (sư đoàn 5, 9), bộ đội địa phương, dân quân du kích; là chỗ dựa, là nơi bày sẵn thế trận tiêu diệt địch tại chỗ, đồng thời là nơi xuất phát, là bàn đạp để triển khai lực lượng tiến công địch của các lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh, của miền Đông Nam Bộ ra bên ngoài căn cứ, hỗ trợ cho phong trào du kích phát triển ở vùng tạm chiếm, góp phần tạo ra cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta; là một biểu tượng tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh của toàn dân, là chỗ dựa chính trị thinh thần, nơi hướng về và khích lệ, động viên nhân dân Tây ninh, nhân dân miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần tạo thế vững chắc cho phong trào cách mạng ở Nam Bộ phát triển.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945-1954), Nxb Thành phố Hổ Chí Minh, 1986.
- Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Hồ Thanh Tuyên, Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh ương 30 năm chiến tranh giải phóng. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Lê Thi Bân, Căn cứ địa Dương Minh Châu, một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi cùa cuộc kháng chiến ở Tây Ninh và miền Đông Nam Bộ. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Hồ Sơn Đài, Vai trò của căn cứ địa Dương Minh Châu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Nguyễn Trung Thành, Về tác dụng của căn cứ địa Dương Minh Châu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Nguyễn Văn Hùng, Căn cứ địa Dương Miunh Châu với sự phát triển của lực lượng chù lực trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Đông Nam Bộ. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945- 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Hoàng Thu Hà, Cuộc hành quân lớn cùa Mỹ đánh vào chiến khu Dương Minh Châu-Bắc Tây Ninh Gian-xơn Xi-ty- Nhìn từ phía bên kia. Kỷ yếu: Căn cứ địa ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Lịch sử Bộ chỉ huy Miền (1961-1975), Nxb Chính tri Quốc gia, Hà Nội, 2004.
- Bộ quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.