Chia sẻ niềm tin trong nhóm là sự lan tỏa, nhân rộng một kinh nghiệm, hiểu biết, biểu tượng, chân lý, giá trị nào đó vốn được coi là “chuẩn mực” của nhóm đến từng cá nhân, để mỗi người tự nguyện tiếp nhận, lĩnh hội, lấy đó làm cơ sở nhận thức, bày tỏ thái độ hoặc thực hiện hành động. Đồng thời, bản thân mỗi cá nhân lại có những trải nghiệm mới, đóng góp kinh nghiệm này để tiếp tục hình thành nên những niềm tin, biểu tượng, chuẩn mực… mới cho nhóm.
Chia sẻ niềm tin trong nhóm là hiện tượng kết tinh và lan tỏa trí tuệ, xúc cảm, giá trị, chuẩn mực giữa các thành viên trong nhóm. Một mặt, đó là quá trình biến niềm tin chung của nhóm thành niềm tin trong mỗi người. Mặt khác, lại là quá trình biến niềm tin của một hoặc một số người, đặc biệt những người có uy tín trong nhóm, thành biểu tượng, giá trị, niềm tin chung cho nhóm. Khi trong nhóm hoặc cộng đồng xảy ra biến cố nào đó, nhóm và từng cá nhân thường sử dụng niềm tin chung này để nhận thức, đối chiếu, đánh giá và giải quyết vấn đề sao cho phù hợp với chuẩn mực chung của nhóm.
Sự chia sẻ niềm tin trong nhóm được biểu hiện ở các khía cạnh: (1) Từng cá nhân tiếp nhận, lĩnh hội một cách tự nhiên nhưng sâu sắc các chuẩn mực, giá trị chung của nhóm; (2) Mỗi cá nhân có ý thức xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực, giá trị chung; mong muốn hình thành chuẩn mực hợp lý hơn, nhằm làm cho nhóm ngày càng trở nên bền vững và (3) Các thành viên dùng niềm tin chung của nhóm để nhận thức, đánh giá các hiện tượng trong hiện thực khách quan, người khác hoặc bản thân mình.
Sự chia sẻ niềm tin trong nhóm được tạo bởi nhiều thành phần: nhận thức nhóm, chuẩn mực nhóm, cảm xúc nhóm, giá trị nhóm, hành vi nhóm, chiều hướng tác động (từ nhóm đến cá nhân, giữa các cá nhân với nhau và từ cá nhân đến nhóm). Trong đó, chuẩn mực nhóm là thành phần rất quan trọng, bao gồm những chuẩn mực được xây dựng trên cơ sở cả kinh nghiệm cũ và kinh nghiệm mới. Kinh nghiệm mới cho phép cung cấp niềm tin mới vào trong nhóm. Kinh nghiệm cũ (niềm tin đã được chia sẻ trước đó) trở thành lăng kính, giúp xem xét, đánh giá kinh nghiệm mới, từ đó, tiếp tục hình thành nên niềm tin mới.
Trong những nghiên cứu ban đầu, thuật ngữ này chưa có tên gọi rõ ràng mà được nhắc đến như là một thành phần đương nhiên nằm trong “tinh thần tập thể”, “trí tuệ tập thể”, “nhận thức nhóm”, “tâm trí nhóm” như E. Durkheim (1898), W. McDougall (1920), G. Lebon (1968). Sau đó, các nhà tâm lý học xã hội không chỉ quan tâm đến “niềm tin nhóm” mà còn quan tâm đến cách thức hình thành và cách thức lan tỏa, phổ biến niềm tin đó ở trong nhóm với các hướng khác nhau: (1) Cách tạo lập quy tắc chung, nhận thức chung của một nhóm nào đó; (2) Vai trò hình thành bản sắc nhóm, hướng dẫn hành vi xã hội trong nhóm, tạo lập/duy trì hay phân li/tan rã nhóm và (3) Tạo ra tính chất ràng buộc và hành động lệ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, các hướng nghiên cứu đều cho thấy, muốn thực hiện hành động chung, cần có sự tham gia tự nguyện của các thành viên trong nhóm. Nhưng bản thân các thành viên lại phải dựa vào những lý lẽ và bằng chứng để tin rằng hành động chung này là đúng, rồi mới tự nguyện tham gia. Lúc đó, niềm tin được chia sẻ trở thành cơ sở quan trọng cho hành vi xã hội, giúp gia tăng cảm nhận về sự chắc chắn cho quyết định của cá nhân trước, trong và sau khi thực hiện các hành động chung.
Sự chia sẻ niềm tin được hình thành trong quá trình giao tiếp nhóm, chịu ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý nhóm (nhận thức nhóm, áp lực nhóm, chuẩn mực nhóm…). Bản thân sự chia sẻ niềm tin có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự tương tác liên tục giữa các thành viên với nhóm và nhóm với các thành viên, làm cho nhóm ngày càng trở nên vững chắc. Nhóm càng ở giai đoạn phát triển cao thì sự chia sẻ niềm tin trong nhóm càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nội dung của niềm tin được chia sẻ mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào nội dung của kinh nghiệm, giá trị, chuẩn mực của nhóm đó là như thế nào.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng, Từ điển thuật ngữ tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.
- Hoàng Mộc Lan, Tâm lý học xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
- Resnick, L. B., Levine, J. M., & Teasley, S. D. (Eds.), Perspectives on socially shared cognition, Washington, DC: American Psychological Association, 1991.
- Klimoski, R. & Mohammed, S., Team mental model: Construct or metaphor. Journal of Management, 20, 1994, 403 - 437.
- Hardin, C.D. & Higgins, E.T., Shared reality: How social verification makes the subjective objective, In R.M., SorrentinoE.T.Higgins (Eds.), Handbook of motivation and cognition, Vol. 3, New York: Wiley, 1996, pp. 28 - 84.
- Bar-Tal, D., Societal beliefs of ethos: A social psychological analysis of a society, Thousand Oask, CA: Sage, 2000.