Mục từ này cần được bình duyệt
Chiến tranh Xiêm – Miến Điện

(1766-1767)

Một trong những cuộc chiến tranh lớn và tàn khốc nhất giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á – vương quốc Ayuthaya (Xiêm) và Miến Điện (Myanma) nổ ra vào những năm 1766 đến năm 1767.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh là sự tranh giành ảnh hưởng cả về quyền lực, lãnh thổ và kinh tế của hai nước hùng mạnh trong khu vực lúc bấy giờ là Ayuthaya (1350-1767) và vương triều Konbaung (1750-1885) của Miến Điện. Hai nước đều có chung phần lãnh thổ chạy dài từ bắc xuống nam, giáp biển Andaman, vì vậy đều có những quyền lợi to lớn cả về kinh tế và chính trị. Kể từ thế kỷ XVI trở đi, cả Ayuthaya và Miến Điện đều đang trên đà phát triển, liên tiếp gây xung đột lẫn nhau nhằm mở rộng lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, các tộc người có cùng biên giới với hai nước như người Môn ở miền Nam Miến Điện, người Shan, người Thái ở vương quốc Lan Na, thậm chí cả người Lào…đều phải tìm sự bảo hộ của Ayuthaya hay Miến Điện để tồn tại. Đồng thời, để mở rộng con đường hàng hải buôn bán với Trung Quốc, Ấn Độ và thế giới Arập, cả hai nước đều muốn kiểm soát eo đất Kra nằm giữa vịnh Thailan và Martaban cùng với các hải cảng ở bờ biển Tenasserim. Trên tuyến đường bộ, con đường giao thương nối với Trung Quốc và phương Tây qua Vân Nam, trong đó có Lan Na như là một đầu mối trung tâm đã trở thành đối tượng cả Ayuthaya và Miến Điện đều muốn chi phối.

Tình thế đó đã dẫn tới sự xung đột lợi ích giữa hai vương quốc. Vì vậy, trong nhiều thế kỷ hai nước đã từng xảy ra năm lần chiến tranh xung đột trước khi cuộc chiến năm 1766 - 1767 bùng nổ. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh năm 1766 - 1767 là do cuộc nổi dậy của người Môn năm 1740. Trong cuộc nổi dậy này, người Môn đã tự lập thủ lĩnh của mình là Biuya Dala làm vua, chiếm miền Nam và miền Trung, tấn công Ava, bắt cầm tù cả vua và hoàng tộc Miến Điện, chấm dứt vương triều Tôngu (năm 1752). Tuy nhiên, một thủ lĩnh của người Miến là Alaungpaya đã tự lập một đội quân người Miến chống lại kẻ chiếm đóng. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1752 đến năm 1755. Sau khi chiếm được Ava (1754) và chinh phục Nam Miến (1755), Alaungpaya lên ngôi, lập ra vương triều Konbaung, đổi tên kinh đô là Dagon, nơi có ngôi chùa vàng Shwe Dagon nổi tiếng thành Rangoon (nghĩa là kết thúc chiến tranh). Trong cuộc chiến này, rất nhiều người Môn đã chạy sang lãnh thổ Ayuthaya và từ đó tổ chức tấn công trở lại vùng Nam Tavoy của Miến Điện. Đầu năm 1760, quân Miến tràn vào Nam Tavoy, tiến lên phía Bắc và đến tháng 4 cùng năm thì vây hãm kinh thành Ayuthaya, mở đầu một cuộc chiến tranh mới giữa hai nước.

Alaungpaya dự kiến chiếm Ayuthaya trước mùa mưa nhưng không lâu sau, ông đã bị thương nặng trong khi trực tiếp điều khiển một khẩu pháo. Ngay lập tức cuộc bao vây Ayuthaya bị bỏ dở và quân đội bắt đầu vội vã rút về nước. Đầu tháng 5 năm 1760 Alaungpaya chết khi về tới Kinya thuộc khu vực Thatơn. Con trai ông, Hsinbyusin kế vị (1763-1776) muốn làm sống lại kế hoạch chinh phục Ayuthaya của cha từ con đường phía bắc bằng cách chinh phục Lào và sử dụng nước này làm căn cứ cho các cuộc hành quân. Vì thế đầu năm 1764, chiến tranh bắt đầu bằng những chiến dịch đánh chiếm Chiềng Mai (Lan Na) và Viêng Chăn.

Quân Miến Điện chia làm hai đạo: một đạo khởi hành từ Keng-Tung tiến đánh Chiềng Mai, rồi xuôi theo sông Mekong tiến thẳng xuống Viêng Chăn; một đạo từ Tavoy phía Nam, hướng lên Petchaburi rồi tiến về kinh đô Ayuthaya. Đầu năm 1766, hai đạo quân đến trước Ayuthaya và bao vây kinh thành. Sau 4 tháng bị bao vây, kinh đô Ayuthaya cạn kiệt lương thực, nạn đói và bệnh dịch hoành hành…nên triều đình buộc phải đầu hàng. Ngày 7.4.1767, quân Miến Điện vào kinh thành Ayuthaya, thẳng tay chém giết, cướp phá, bắt bớ tù binh và dân thường… Kinh đô Ayuthaya chỉ còn là đống gạch vụn và vương triều Ayuthaya cũng chấm dứt sau mấy trăm năm tồn tại.

Tuy nhiên cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Việc quân Miến Điện xâm chiếm Lào và tiến tới sát biên giới Vân Nam đã lôi kéo nhà Thanh (Trung Quốc) can thiệp. Cuộc chiến tranh giữa Miến Điện với nhà Thanh kéo dài từ năm 1766 đến năm 1769. Kết quả là quân Miến đã đuổi được quân Thanh ra khỏi bờ cõi, nhưng điều đó đã làm suy yếu quân Miến ở Xiêm và tạo điều kiện cho người Xiêm nổi dậy chống xâm lược. Trong điều kiện đó, một viên quan người gốc Hoa tên là Trịnh Quốc Anh đã tập hợp được dân binh, nhanh chóng đánh bại được quân Miến Điện, truy quét bọn trộm cướp. Giữa năm 1767, Trịnh Quốc Anh lên ngôi, đặt vương hiệu là Phìa Tắc Xỉn, gọi tên nước là Xiêm và dời đô về Chanaburi, sau đổi tên là Bangkok, mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Thailan.

Mặc dù cuộc chiến tranh Xiêm – Miến lần thứ 6 chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng nó đã có tác động to lớn đến tình hình chính trị không chỉ đối với hai nước Xiêm, Miến mà còn với cả khu vực Đông Nam Á lục địa lúc bấy giờ.

Với cả hai nước, cuộc chiến tranh đều là mốc quan trọng đánh dấu sự chấm dứt một vương triều và mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển. Với Xiêm là sự kết thúc vương triều Ayuthaya, mở đầu cho vương quốc Xiêm, còn với Miến Điện là triều đại Konbaung thay thế cho vương triều Tôngu. Kinh đô của hai nước cũng được di chuyển và xây dựng mới: nước Xiêm từ Ayuthaya cổ kính chuyển sang Bangkok hiện đại, còn Miến Điện thì từ Ava về Chanaburi (Rangoon ngày nay). Cuộc chiến tranh cũng làm cho nền kinh tế, thương mại hai nước và cả khu vực đình trệ. Tình hình chính trị khu vực bất ổn đến mức, sau đó cả hai nước đều phải tiến hành hàng loạt các cuộc chiến tranh nhỏ lẻ để “dẹp loạn” và lập lại trật tự. Nguy hiểm hơn, sự thù địch giữa Xiêm và Miến đã bị quân Anh lợi dụng, lôi kéo Xiêm tham gia vào cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ nhất (1824-1826) và làm cho Miến Điện bị thất bại nhanh chóng. Đó cũng là cơ sở để các nước thực dân tiến hành xâm lược, biến Miến Điện thành thuộc địa, còn Xiêm thành một nước lệ thuộc.

Tài liệu tham khảo

1. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á (bản dịch tiếng Việt), NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.

2. Vũ Quang Thiện, Lịch sử Myanma, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

3. Lương Ninh (chủ biên), Đông Nam Á - lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015.

4. Берзин.Е.О. История тайланда. Изд. Наука. Москва 1973.

5. Большая Советская энциклопедия, Наука, Москва, 1976, том 3.