Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cha mẹ kế

Cha mẹ kế là cha mẹ một người nào đó, nhưng không phải cha mẹ ruột, mà là cha mẹ nuôi của trẻ. Họ còn được gọi là cha dượng hoặc mẹ kế.

Số lượng các cuộc tái hôn có liên quan đến trẻ em đang tăng đều đặn. Khoảng 10% đến 15% tổng số hộ gia đình ở Hoa Kỳ là các gia đình cha mẹ kế. Tổng quan các tài liệu nghiên cứu về cha mẹ kế đã tìm thấy sự đan xen trong văn hóa gia đình. Một số nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt giữa gia đình cha mẹ kế và gia đình nguyên vẹn, trong khi những nhà nghiên cứu khác lại tìm thấy sự khác biệt đáng kể cho thấy rằng, gia đình cha mẹ kế có nhiều khó khăn và nhiều vấn đề hơn. Mặc dù một lượng lớn thông tin về các gia đình li hôn đã được thu thập trong những năm gần đây, song để hiểu được tình trạng tâm lý của các bậc cha mẹ gia đình kế chưa được nhiều. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy nỗ lực đầu tiên để quan sát tương tác xã hội thực tế trong các gia đình cha mẹ kế. Những phát hiện nhất quán cho thấy rằng cha dượng và mẹ ruột có khả năng nuôi dạy con cái tốt hơn khi đứa trẻ là nam giới so với trường hợp của những gia đình nguyên vẹn tương đương.

Kết quả nghiên cứu cho rằng, trong cùng mẫu nghiên cứu, xung đột hôn nhân ở giữa gia đình có con trai nguyên vẹn lớn hơn gia đình có con trai ở với cha dượng. Những số liệu này cho thấy rõ rằng, phương pháp nuôi dạy con trong các gia đình có cha mẹ kế chưa hẳn là đã thua kém hơn phương pháp nuôi dạy con cái trong các gia đình có cha mẹ nguyên vẹn.

Hầu như không có bất kỳ tài liệu nào so sánh giữa các gia đình cha dượng hoặc mẹ kế với các gia đình mẹ đã li hôn hoặc quyền nuôi con thuộc về cha. Những bà mẹ có quyền nuôi con dường như có giai đoạn đặc biệt khó khăn với các con trai. Một số bằng chứng cho thấy, đối với những người cha có quyền nuôi con có thể có thẩm quyền nuôi dạy con trai nhiều hơn con gái.

Người ta phân những gia đình cha mẹ kế thành gia đình “đơn giản” và gia đình “phức tạp”. Gia đình riêng “đơn giản” là gia đình chỉ có một thành viên trong cặp vợ chồng đã có con riêng hoặc con riêng và cặp vợ chồng chưa có thêm con. Gia đình “phức tạp/phức hợp” là gia đình cả hai thành viên của cặp vợ chồng đã có ít nhất một đứa con từ trước.

Cùng với từ “đơn giản” và “phức tạp”, có những thuật ngữ khác giúp mô tả các loại gia đình kế. Các kiểu phổ biến nhất là tân truyền thống, mẫu hệ và lãng mạn. Gia đình tân truyền thống là phổ biến nhất, có cả cha và mẹ cùng chia sẻ trách nhiệm với con cái. Trong một gia đình mẫu hệ, một người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ đảm đương công việc gia đình với người cha dượng trở thành người cố vấn. Cuối cùng, một gia đình riêng lãng mạn là khi hai bậc cha mẹ mong đợi sự kết hợp của các gia đình riêng biệt của họ diễn ra suôn sẻ mà không nhận ra rằng các vấn đề sẽ phát sinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, 3rd edition, Published by John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey, 2004, pp. 940 - 941.
  2. Teen Health, Living with a Stepparent, WebMD, Retrieved 5 May 2012.
  3. The Free Dictionary By Farlex, Stepfather, Retrieved 6 May 2012.
  4. Stepparents' Rights and Responsibilities in Australia (PDF), Stepfamilies Australia, Archived from the original (PDF) on 4 February 2014, Retrieved 6 April 2014.