(Sùng Phúc tự) di tích kiến trúc nghệ thuật nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, thôn Yên xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía tây. Năm 1963, CTP là một trong 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 313-VH/VP. Chùa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 31.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xác định niên đại của di tích phải căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Bia Tây Phương sơn Sùng Phúc tự tạo thạch bi cho biết năm 1632-1635 chùa được tu sửa. Đây là tư liệu sớm nhất cho biết niên đại tu sửa của chùa. Từ đó, có thể suy ra niên đại khởi dựng chùa có thể sớm hơn. Có tài liệu nói chùa được khởi dựng vào thời Mạc, tuy vậy chưa có tư liệu nào chứng minh cụ thể ngoài một tấm bia dá của chùa đã bị mờ chỉ còn rõ hình rồng có phong cách thời Mạc. Bia Tây Phương tín thí thạch bi năm Chính Hòa thứ 11 (1690) cũng ghi việc tu sửa chùa. Sơn Tây địa chí” cho biết CTP được chúa Trịnh cho sửa sang và làm Tam quan (1676-1705). Chuông Cảnh Thịnh thứ 4 (1789) thời Tây Sơn đã ghi bài minh của Thụy Nham hầu Phan Huy Ích cho biết năm 1735-1740 thời vua Lê Vĩnh Hựu cho sửa chùa, điêu khắc tượng, chế tác pháp âm. Sau đó chùa rơi vào hoang phế, đến thời điểm đúc chuông chùa lại được tu bổ. Đặc biệt, trên thượng lương của tiền đường, Thượng điện chùa còn ghi dòng chữ Giáp Dần niên Quý Đông cát nhật tạo. Như vậy, có thể thấy chưa tìm thấy tư liệu nào ghi chép rõ niên đại của di tích. Tổng hợp nhiều nguồn tư liệu chỉ có thể suy đoán chùa có các niên đại xây dựng và tu sửa như sau: khởi dựng chùa vào khoảng trước năm 1632 và có thể vào thời Mạc (vì chùa còn lưu giữ được một tấm bia đá có hình rồng phong cách thời Mạc), tu sửa tôn tạo tiếp vào khoảng các năm 1632-1635, 1690-1705, 1735-1740. Vào thời điểm Phan Huy Ích viết bài minh trên chuông Tây Sơn cho biết chùa được xây dựng to lớn vào thời Lê Vĩnh Hựu rồi sau đó hoang tàn đổ nát nên lại được tu bổ. Nhưng ông không cho biết việc tu sửa tiếp theo vào năm nào. Căn cứ vào dòng chữ ghi trên thượng lương của tiền đường và thượng điện cùng với phong cách kiến trúc và điêu khắc rất giống với chùa Kim Liên được xác định niên đại vào năm 1792 thời Tây Sơn, giới nghiên cứu thống nhất xác định niên đại CTP hiện còn được tu sửa vào thời Tây Sơn ứng với năm Giáp Dần ghi trên thượng lương khoảng năm 1794. Năm 1893 chùa được sửa ba tòa tự vũ, tô tượng, tòa thờ tổ. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho tu sửa chùa. Năm 1991, Vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hóa) tu sửa và xây dựng tam quan ở chân núi.
CTP ra đời sau chùa Kim Liên hai năm, kiến trúc và điêu khắc trang trí chùa chính của hai di tich về cơ bản là tương tự như nhau, được ví như “hai giọt nước”, nhưng về kiến trúc, nét đặc sắc chùa Kim Liên khác với CTP là ở tòa Tam quan (xem mục chùa Kim Liên). Còn nét khác biệt đặc sắc của nghệ thuật CTP so với chùa Kim Liên là ở hệ thống 72 pho tượng Phật giáo, đặc biệt là các pho tượng thời Tây Sơn.
Chùa được dựng theo hướng đông, trông ra gò Đồng Sộng và gò Kim Quy (núi Nủ Rùa), hướng Tây có dòng Tích Giang, hướng nam có núi Con Voi, phía đông nam có núi Lý Ngư, phía tây bắc có đỉnh Ba Vì. CTP ngày nay bao gồm các hạng mục như: Tam quan Hạ, Tam quan Thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà Tổ - Nhà Mẫu và Nhà khách.
Chùa chính có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công, bao gồm các tòa Tiền đường, Trung đường và Thượng điện. Cả 3 tòa nhà đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói sen. Cả hai tầng mái đều có kết cấu kiểu “tầu đao lá mái”, giữa hai tầng là cổ diêm được bưng kín bằng những tấm ván gỗ. Tầu mái được làm bằng một hộp gỗ dày, chạy suốt theo chiều dài và chiều rộng của mái. Lá mái là một ván gỗ có bề dày được đặt nằm trên tầu mái và cũng chạy theo suốt độ dài và rộng của mái. Thân tầu mái đặt nghiêng một góc 600 so với mặt đất, các thân tầu đều đục lỗ mộng vuông có gắn các dui câu. Dui câu dài khoảng 1m, một đầu được làm to để gắn lỗ mộng thân tầu, đầu kia ăn mộng xuyên qua xà hạ có chốt hãm ở phía trong. Tàu mái được nằm nghiêng trên đầu bẩy và được hãm bởi dui câu. Ở bốn góc mái, các thân tầu lại được khóa giằng lại với nhau theo một góc vuông, phía mặt trên của thân tầu được đóng ghép thêm các ván gỗ làm cho thân tầu ở bốn góc càng cao thêm cho điểm khóa giằng với nhau thì chênh lên theo một góc nhất định. Các lá mái chạy viền theo thân tầu nên cũng vì thế mà uốn cong dần lên ở các góc, hàng ngói giọt gianh nằm trên lá mái, càng đi vào góc càng lợp xít hơn, dày hơn. Tòa Tiền đường và tòa Thượng điện đều 5 gian 2 chái với 6 bộ vì nhà. Tòa Trung đường được thu ngắn chiều ngang 3 gian hai chái, 4 bộ vì nhà nhưng lại có tầng mái trên cao vượt hẳn lên. Phần cổ diêm ở Tiền đường và Thượng điện có kích thước giống nhau và có chiều cao là 1m, còn ở Trung đường có kích thước lớn hơn, cao 1,40m. Chính vì phần cổ diêm cao hơn như vậy nên tuy mái dưới của cả 3 tòa đều cao bằng nhau nhưng mái trên của tòa giữa lại cao hơn hẳn, vì thế, nhìn tổng thể chùa, tòa Trung đường cao hơn hẳn. Mặt trước tòa Tiền đường bưng cửa gỗ bức bàn ở 3 gian giữa, hai bên xây bằng gạch Bát Tràng để trần chạy viền theo cả ba tòa nhà.
Tất cả các chân cột ở CTP đều được kê trên các chân tảng lớn kiểu đế bệ vuông mặt tròn có chạm hình hoa sen. Những viên đá tảng ở đây được làm thành 2 phần: phần đế hình vuông có kích thước 0,88m x 0,88m, phần mặt hình tròn chạm hình các cánh sen. Cánh sen có 3 lớp, hai lớp cánh to có chiều dài 12cm, rộng 11cm và một lớp cánh nhỏ có chiều dài 7cm, rộng 6cm.
Về tượng thờ, vị trí sắp xếp tượng hiện nay nếu so với ghi chép của Trần Trọng Kim năm 1943 thì đã có sự khác nhau ở một số tượng. Theo Trần Trọng Kim, tượng Bát bộ Kim Cương đặt ở chùa Hạ và chùa Thượng thì nay đều ở chùa Hạ, Thập điện Diêm Vương trước đây đều ở chùa Trung thì nay đều đặt ở chùa Thượng. Sự sắp xếp tượng ở CTP hiện chưa được nghiên cứu khoa học và sự sắp xếp lại như hiện nay cũng chưa được rõ vì sao.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu Việt Nam đã xác định các tượng Phật giáo CTP được tích hợp qua các giai đoạn: khoảng đầu thế kỷ 17 có tượng Tam thế, Quan Âm Nam Hải, khoảng cuối thế kỷ 18 tương đương với thời Tây Sơn gồm bộ Di đà tam tông, Tuyết Sơn, Di Lặc-Pháp Hoa Tâm-Đại Diệu Tường, Phạm Thiên-Đế Thích, Giám Trai, Thập bát La Hán (18 vị La Hán), tướng quân, Bát bộ Kim Cương (8 vị Kim Cương), khoảng thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có các pho Quan Âm Nam Hải (đã bị mất), Thập điện Diêm vương (10 vị Diêm Vương)...
Trong các tượng trên đây, các pho tượng được xác định có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 chuẩn số lượng nhiều nhất và chính các pho tượng này đã làm nên tên tuổi CTP. Tất cả các pho tượng này đều có thể xem là những kiệt tác đạt được độ siêu phàm của mỹ thuật Phật giáo thời Tây Sơn nói riêng và của mỹ thuật Việt Nam nói chung. Tất cả đều nổi bật với chất liệu gỗ, kích thước khá to lớn (khoảng 1m-2,1m), đường nét điêu luyện, hình khối nhẹ nhàng, phong cách tả chân tinh vi lột tả rõ sắc thái, biểu cảm, hình dáng của từng nhân vật Phật giáo: từ bi hỉ xả với các vị Phật, viên mãn vui mừng với Phật Di Lặc, cứu khổ cứu nạn với các vị Bồ Tát, khổ luyện tầm đạo với Phật Tuyết Sơn, tu luyện hướng thế gian tới Đạo là các vị La Hán, uy phong lẫm liệt bảo vệ Phật Pháp là Vi Đà tướng quân và Bát bộ Kim Cương.
CTP là một trong những ngôi chùa đạt giá trị rất cao trên cả phương diện nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Thị Minh Đức, Di tích chùa Tây Phương, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử, Tư liệu Viện Khảo cổ học, 1996.
2. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.
1. Viện Bảo tồn Di tích, Kiến trúc chùa Việt nam qua tư liệu Viện Bảo tồn Di tích, tập 1, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2017.
2. Viện Bảo tồn di tích, Kiến trúc chùa Việt Nam qua các tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 2, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018.