Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là cuộc cách mạng xã hội diễn ra ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến, giành độc lập dân tộc, xóa bỏ mọi tàn tích của chế độ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được nổ ra từ những năm cuối Chiến tranh thế giới lần thứ Hai ở các nước châu Âu, châu Á, sau phát triển ra ở các nước châu Phi và châu Mỹ Latin, trở thành những cuộc cách mạng tiến bộ và mang tính nhân dân rộng rãi. Lực lượng nòng cốt tiến hành Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân tiến bộ cách mạng; tầng lớp tiểu tư sản, thợ thủ công, những người sản xuất nhỏ, những nhà tư sản dân tộc và các tầng lớp trí thức tiến bộ... là lực lượng tham gia, tập hợp trong một mặt trận dân tộc thống nhất.

Trong tiến trình Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và dân chủ luôn được đặt ra nhưng ưu tiên thực hiện có khác nhau do hoàn cảnh lịch sử, giai cấp và xã hội từng nước quy định. Mục tiêu, nhiệm vụ dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu; quyết định đến sự độc đáo của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Mục tiêu dân tộc không chỉ tác động đến công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản, địa chủ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc mà còn tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ dân chủ của cách mạng.

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lúc đầu là các cuộc cách mạng dân chủ chống đế quốc, phong kiến, nhưng trong tiến trình cách mạng thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc có tính chất dân chủ chung thì chuyển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó, các cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên thế giới thường trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tập trung giải quyết vấn đề chống đế quốc xâm lược, thủ tiêu ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập nhà nước dân chủ nhân dân, lấy liên minh công - nông làm nền tảng. Giai đoạn thứ hai có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề dân chủ và đấu tranh chống lại mọi phản kháng của các thế lực thù địch; xây dựng và bảo vệ chính quyền mới, chế độ mới. Trong giai đoạn này, giai cấp lãnh đạo cách mạng thực hiện các chức năng chuyên chính của mình, kể cả sử dụng các hình thức đấu tranh vũ trang và phi vũ trang để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ thành quả cách mạng.

Cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1975 là Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ngay từ khi mới ra đời (3.2.1930), Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ chương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Luận cương chính trị tháng 10.1930 tiếp tục chỉ rõ: lúc đầu cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị, sau khi giai cấp vô sản lớn mạnh, thế giới bước vào thời kỳ cách mạng vô sản sẽ bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ địa chủ phong kiến, thực hành cách mạng ruộng đất triệt để, đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, lập chính quyền công nông, thực hiện dân chủ, cải thiện dân sinh và liên kết với cách mạng thế giới; giai cấp vô sản là động lực chính và là giai cấp lãnh đạo cách mạng; điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng là phải có một Đảng Cộng sản với đường lối chính trị đúng, kỷ luật tập trung, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng lãnh đạo giai cấp vô sản đấu tranh để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Với đường lối đúng đắn, dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân Việt Nam tiến hành Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) thắng lợi, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội; sau đó tiếp tục lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam trở thành cuộc cách mạng điển hình trong lịch sử, đã và đang cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập, dân chủ và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm bồi dưỡng lý luận Mác - Lê Nin, Tìm hiểu một số thuật ngữ, khái niệm trong các môn lý luận Mác - Lê nin, Nxb Tư tưởng - Văn hóa, Hà Nội, 1992.
  2. Sổ tay sơ giải một số từ thường dùng, Nxb Sư thật, Hà Nội, 1993, tr. 25.
  3. Từ điển Bách khoa thế giới, Nxb Từ điển Bách khoa, 2003, tr. 90.
  4. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 114.
  5. Đại tá, Trần Đình Định, Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị Học viện Lục quân: Những sáng tạo của Đảng ta trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật, chiến dịch, 2010.
  6. Ths Vũ Văn Quế: Sử dụng hệ thống thuật ngữ trong dạy học phần đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 5 (177), 2019.
  7. Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Nxb Tiến bộ Maxcơva, 1986, tr. 17-19.