Bộ đội chủ lực thành phần của ba thứ quân, lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc quân khu, gồm các quân chủng, binh chủng và bộ đội chuyên môn, cơ động trên các chiến trường, tác chiến tập trung, thường phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Bộ đội chủ lực vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, cùng toàn dân xây dựng đất nước; tham gia phòng thủ dân sự; thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Bộ đội chủ lực được huấn luyện thường xuyên, đầu tư trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại nhất.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, quân số và cơ cấu tổ chức của Bộ đội chủ lực luôn biến đổi, được kế thừa, phát triển và từng bước hoàn thiện. Triều Đinh, Tiền Lê, quân đội thường trực là lực lượng chủ lực làm nhiệm vụ bảo vệ triều đình, tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước khi có chiến tranh, nòng cốt là quân cấm vệ (quân do triều đình trực tiếp quản lý và chỉ huy). Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (1930), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang gồm 3 thứ quân, coi trọng và xác định đúng vị trí, vai trò của Bộ đội chủ lực. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22.12.1944 là tiền thân của Bộ đội chủ lực và Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Tháng 8.1945, những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập, tổ chức thành các tiểu đoàn, chi đội bộ binh. Bộ đội chủ lực được qui định rõ về tổ chức theo Sắc lệnh số 71/SL ngày 22.5.1946 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trải qua các chặng đường cách mạng, Bộ đội chủ lực vừa chiến đấu vừa xây dựng theo đường lối kháng chiến, kiến quốc, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển lực lượng vũ trang, đã lớn mạnh không ngừng. Trong Kháng chiến chống Pháp, Bộ đội chủ lực phát triển cả về số lượng và khả năng chiến đấu, từ 5.000 người (8.1945) tăng lên 50.000 người (12.1945) đến 166.000 người (8.1950) và 252.000 (12.1953). Từ những đơn vị bộ binh nhỏ, phân tán, trang bị thô sơ, lạc hậu, Bộ đội chủ lực đã từng bước phát triển đến qui mô tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, sau phát triển thành các đại đoàn. Đại đoàn chủ lực đầu tiên (Đại đoàn 308) được thành lập ngày 28.8.1949. Đến cuối cuộc Kháng chiến chống Pháp, Bộ đội chủ lực gồm 6 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn độc lập... góp phần quyết định kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ . Trong Kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội theo hướng hiện đại nhằm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa, Bộ đội chủ lực tiếp tục phát triển lớn mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức, đa dạng hơn về thành phần quân, binh chủng. Lực lượng Bộ đội chủ lực từ 330.000 người (1954), tăng lên 650.000 người (1968) và đạt 1.230.000 người (1975); bao gồm ba lực lượng cơ bản: Lục quân, Phòng không, Không quân và Hải Quân, trong đó Lục quân là quân chủng chủ yếu, có qui mô tổ chức lúc đầu là từ các đại đoàn trong Kháng chiến chống Pháp, được tăng cường biên chế phát triển thành các sư đoàn (1955), sau phát triển lên qui mô quân đoàn. Quân đoàn đầu tiên (Quân đoàn 1) thành lập ngày 24.10.1973, đến cuối cuộc Kháng chiến chống Mỹ tăng lên 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn). Ngoài ra còn có lực lượng các binh chủng (công binh, pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công,...). Sau năm 1975, Bộ đội chủ lực có sự điều chỉnh, lực lượng giảm xuống còn 850.000 người (1977), sau đó tăng lên 1.600.000 người (1981) do yêu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia (1979-1989). Thời kỳ này, Bộ đội chủ lực thành lập thêm một số quân đoàn (Quân đoàn 5, Quân đoàn 6, Quân đoàn 8), nhưng sau đó giải thể. Từ năm 1990 đến nay, Bộ đội chủ lực từng bước tinh giảm theo hướng gọn, mạnh. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội chủ lực Việt Nam trực tiếp chiến đấu với nhiều đối tượng xâm lược mạnh hơn về tiềm lực với các qui mô tác chiến khác nhau, lập nên nhiều chiến công vang dội. Những chiến thắng tiêu biểu: Việt Bắc (1947), Biên Giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Đông Bắc Campuchia (1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), cuộc tiến công chiến lược (1972), Điện Biên Phủ trên không (1972), tổng tiến công và nổi dậy Xuân (1975) là những cột mốc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Bộ đội chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay, Bộ đội chủ lực nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung vẫn luôn luôn phát huy được truyền thống quật cường của dân tộc, luôn là lực lượng trung thành bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững định hướng Xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tiếp tục là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng trụ cột của cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho đất nước không bị bất ngờ, đủ sức đánh thắng mọi hành động xâm lược, chống phá của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bộ đội chủ lực được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng vững mạnh về mọi mặt theo hướng cách, chính qui, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiến tranh cách mạng VN 1945-75 thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2000, tr 313-316.
- 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Tổ chức quân sự Việt Nam, tập 1, tr 315, 323: nói về lực lượng thường trực - Cấm quân; Tổ chức quân đội: cuối triêu Tiền Lê, tổ chức quân đội đã hành thành các thứ quân: quân Triều đình, quân địa phương và dân binh, tr 560, 561; Nxb Quân đội nhân dân, 2010.
- Luật quốc phòng Việt Nam 2018.