Bồ công anh là thân mang lá đã phơi hay sấy khô của cây Bồ công anh, còn gọi là cây mũi mác, diếp dại, diếp trời – có tên khoa học là Lactuca indica, họ Cúc (Asteraceae).
Tên thường dùng: Vị thuốc Bồ công anh còn gọi là Phù công anh (Thiên Kim Phương), Cấu nậu thảo, Bộc công anh (Đồ Kinh Bản Thảo), Thái nại, Lục anh, Đại đinh thảo, Bột cô anh (Canh Tân Ngọc Sách), Bồ công định, Thiệu kim bảo, Bồ anh, cổ đính, Thiệu kim bảo, Ba ba đinh, Địa đinh thảo, Bát tri nại, Bạch cổ đinh. Nhĩ bản thảo (Tục Danh), Kim trâm thảo, Kim cổ thảo, Hoàng hoa lang thảo, Mãn địa kim tiền, Bột Bột đinh thái (Hòa Hán Dược Khảo), Hoàng hoa địa đinh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Mô tả[sửa]
Cây thảo, mọc đứng, sống 1 năm hay 2 năm, thân nhẵn, thẳng, cao 0,50-1m, có khi đến 2 m, ít phân cành, đôi khi có những đốm tía, lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng. Những lá ở dưới thuôn dài, xẻ thùy không đều, hẹp và sâu, thùy lớn và thùy nhỏ xen kẽ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, đầu nhọn, các lá ở giữa và ở trên ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoàn toàn nguyên.
Cụm hoa là một đầu, tụ họp thành chùy dài 20-40m, mọc ở thân và kẽ lá, phân nhánh nhiều, mỗi nhánh mang 2-5 đầu. tổng bao hình trụ, mỗi đầu có 8-10 hoa, màu vàng hoặc vàng nhạt, tràng hoa có lưỡi dài, ống mảnh, nhị 5, bao phấn có đỉnh rất tròn, tai hình dùi và vời nhụy có gai.
Quả bế, màu đen, có mào lông trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh khác giảm thành 1 đường lồi.
Thân và lá khi bấm có nhựa màu trắng chảy ra.
Mùa hoa: tháng 6-7, mùa quả: tháng 8-9.
Cây thường mọc hoang ở các tỉnh miền bắc nước ta, các vùng trung du hoặc đồng bằng có độ cao dưới 1000m so với mặt nước biển. Trên thế giới, cây cũng phân bố ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Ấn Độ, Indonexie cùng một số nước Đông Dương.
Là cây ưa ẩm, dễ phát triển nên thường được trồng trong vườn, ven đường đi, nương rẫy, thửa ruộng hoặc bãi sông.
Tại Việt Nam, Bồ công anh mọc phổ biến ở các tỉnh miền núi trung du như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế đến vùng Tây nguyên.
Trên thực tế, có 3 loại bồ công anh là bồ công anh Việt Nam, bồ công anh chỉ thiên và bồ công anh Trung Quốc. Bồ công anh Việt Nam còn được gọi là cây rau bồ cóc, diếp trời hay rau mũi cày, gần 10 năm trở lại đây được người dân đọc thêm tên là bồ công anh nam. Loại này có hàm lượng thuốc thấp.
Bộ phận dùng
- Dùng toàn cây, dùng rễ phơi khô. Lựa cây nhiều lá, mầu lục tro, rễ nguyên đủ là tốt. Chọn vào giữa tháng 4 đến tháng 5 là thời kỳ có vị đắng nhiều nhất, có người dùng thứ nhỏ và dài, thân và cành màu tím là tốt nhất. Dùng toàn cây phơi trong râm cho khô.
Phơi thật khô,để nơi cao ráo, hoặc phơi nắng, bị ẩm thấp rất mau mốc và mục.
Thành phần hóa học
Bồ công anh có hợp chất sequiterpen lacton là lactucin và lactucoquirin, có vị đắng. Ngoài ra còn có amyrin, Taraxasterol. Germanicol, caroten, vitamin C, Sucrose, Glucose, Fructose.
Tác dụng và công dụng
Theo y học cổ truyền, Bồ công anh có vị đắng, tính mát vào kinh can, vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tiêu viêm, tán kết. Chủ trị: mụn nhọ sang lở, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngày dùng 10-30g dược liệu khô, sắc uống. Dược liệu tươi: Giã nhỏ với ít muối, đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng viêm.
Kiêng kỵ: Trong trường hợp âm hư hoặc tràng nhạc, mụn nhọt đã vỡ mủ nên thận trọng.
Ngoài ra, Thuốc sắc Bồ công anh có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, não mô cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ Flexener, trực khuẩn mủ xanh, Leptospira hebdomadia (Trung Dược Học). Nước sắc Bồ công anh có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, lợi tiểu (Trung Dược Học). Nước sắc Bồ công anh có tác dụng nhuận trường.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam 5. NXB y học, 2017. tr 1085.
- Đỗ huy Bích. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I, NXB khoa học và KT, 2004, tr.235.
- Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc VN tập 1 – NXB Y học, tr, 215.
- Từ điển bách khoa dược học- NXB từ điển bách khoa, 1999, tr.81.
- Sheng-Yang Wang, Hsing-Ning Chang, Kai-Ti Lin et al: Antioxidant Properties and Phytichemical Characteristics of Extracts from Lactuca indica. 2003 Jan 22 doi.org/10.1021/jf0259415 https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/jf0259415