Mục từ này cần được bình duyệt
Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

Lịch sử hình thành

Ngày 8-1-1902 Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer (Pháp) ký sắc lệnh thành lập Trường Y Dược Đông Dương và chỉ định nhà bác học Pháp Alexandre Yersin làm hiệu trưởng, tiền thân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở làng Kinh Lược, ấp Thái Hà.

Đến năm 1904, Bệnh viện chuyển về vị trí hiện tại phố Phủ Doãn Hoàn Kiếm với tên gọi Nhà thương bảo hộ (Hôpital indigène du Protectorat).

Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước Bệnh viện được mang các tên gọi như Bệnh viện Yersin (1943), Bệnh viện Phủ Doãn (1954), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cộng hòa Dân chủ Đức (1958-1990) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BVHNVĐ) từ năm 1991 đến nay và chính thức lần nữa được Bộ Y tế phê duyệt năm 2017.

Quá trình trưởng thành và phát triển

Cùng lịch sử ra đời, đồng thời là cơ sở thực hành của trường Đại học Y Hà Nội, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, BVHNVĐ luôn xứng đáng là một trung tâm y tế hàng đầu gắn liền công tác khám chữa bệnh cùng với nghiên cứu khoa học y học và đào tạo. Bệnh viện là nơi sản sinh ra những thầy thuốc hàng đầu của Việt Nam trong đó có nhiều danh nhân y học: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Dương Quang…có ảnh hưởng đến ngành Ngoại khoa Việt Nam cũng như trên thế giới. Phương pháp “Cắt gan khô – Hepatectomie” mang tên Tôn Thất Tùng được nhiều các đồng nghiệp quốc tế áp dụng.

Ghi nhận những đóng góp với Ngành Y, đặc biệt lĩnh vực Ngoại khoa, Bộ trưởng Bộ nội vụ đã công nhận BVHNVĐ là một trung tâm y tế chuyên sâu, hạng Bệnh viện chuyên khoa đặc biệt theo quyết định số 1446/QĐ-BNV ngày 21/9/2015 của Bộ.

Với qui mô 1500 giường bệnh với trên 2200 cán bộ và nhân viên y tế trong đó gồm 300 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa tham gia công tác khám và chữa cho các bệnh nhân ngoại khoa nặng, phức tạp, các bệnh nhân các tuyến chuyển về đạt tỷ lệ khỏi và ra viện cao. Ngoài công tác khám chữa bệnh các Giáo sư, Bác sĩ còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cho hầu hết các trường Đại học Y Khoa trên toàn quốc. Hướng dẫn các Bác sĩ của nhiều nước đến học tập tại Việt Nam, đặc biệt là những bệnh lí ngoại khoa vùng nhiệt đới. Rất nhiều các chuyên gia của bệnh viện đã góp phần nâng tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà đến nhiều các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt các lĩnh vực phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh sọ não, ghép tạng, hồi sức ngoại khoa,… Hợp tác Quốc tế của Bệnh viện cũng ngày càng phát triển ngoài các nước truyền thống như Đức, Pháp, Ý, Mỹ…nay mở rộng đến các nước Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc ...Nhiều các chuyên gia của Bệnh viện là những thành viên chủ chốt của các Hội Quốc tế như Hội phẫu thuật ung thư, tiêu hóa, Hội Phẫu thuật và nội soi châu Á Thái Bình thương ELSA; Hội Chấn thương chỉnh hình Quốc tế; Hội Phẫu thuật Thần kinh quốc tế, Hội Gây mê hồi sức Châu á Thái bình dương...

Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Bệnh viện

Bệnh viện gồm 3 khối chính: Khối hành chính - Hậu cần có: Ban giám đốc bệnh viện, Trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến cùng 12 Khoa phòng chức năng. Khối lâm sàng có: Viện Chấn thương Chỉnh hình, 06 Trung tâm, 21 Khoa lâm sàng. Khối cận lâm sàng gồm 8 Khoa, 1 Trung tâm truyền máu và 1 Nhà thuốc.

Với qui mô và tổ chức như trên, BVHNVĐ được Bộ Y tế giao 9 nhiệm vụ chính là: 1. Khám bệnh, chữa bệnh, 2. Nghiên cứu khoa học, 3. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế, 4. Chỉ đạo tuyến, 5. Hợp tác quốc tế, 6. Phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, 7. Quản lý chất lượng bệnh viện, 8. Quản lý bệnh viện, 9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Y tế.

Hoạt động của bệnh viện

Trang thiết bị khám chữa bệnh:

Bệnh viện đã được trang bị các thiết bị y tế hiện đại nhất phục vụ công tác khám chữa bệnh như hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh thế hệ mới: Máy chụp cắt lớp vi tính CT Scanner 256 dãy, 512 lát cắt; CT Scanner 64 dãy, Máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla, 1.5 Tesla; Máy chụp mạch số hóa xóa nền thế hệ mới nhất, các hệ thống siêu âm màu 3D, 4D…

Khối labo có các máy xét nghiệm hiện đại đảm bảo thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu của các chuyên ngành: xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh phục vụ việc chẩn đoán và điều trị. Năm 2017, Bệnh viện là cơ sở Y tế đầu tiên trên cả nước thành lập trung tâm bảo quản mô (Tissue Bank) đóng góp quan trọng cho ngành ngoại khoa nói chung, ghép tạng nói riêng. Đây cũng được chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y năm 2018.

Với 52 bàn mổ và 50 giường hồi sức với các trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Gây mê hồi sức là đơn vị quan trọng nhất của bệnh viện Ngoại khoa. Hệ thống kính hiển vi phẫu thuật, robot trong mổ, hệ thống phòng mổ ORI, Hybrid, các phương tiện hồi sức được trang bị đảm bảo việc thực hiện các trường hợp phẫu thuật và hồi sức phức tạp nhất. Mỗi năm bệnh viện thực hiện trên 65,000 trường hợp phẫu thuật các loại. Chủ yếu là những bệnh nhân nặng của các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa trên toàn quốc. BVHNVĐ cũng là một trung tâm hàng đầu về ghép tạng trong số các trung tâm ghép tạng tại Việt Nam như ghép gan, ghép tim, ghép phổi và ghép thận.

Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu: với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các chuyên khoa sâu và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện đã phát triển kỹ thuật trình độ cao thực hiện ghép đa tạng, phẫu thuật thần kinh sọ não, lồng ngực, phẫu thuật nội soi bụng, sọ não, cột sống, khớp, tiết niệu…

Để phục vụ công tác chuyên môn, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở được triển khai có hiệu quả trong chăm sóc và điều trị được đánh giá cao tại các hội đồng khoa học, trong số này đã có nhiều tài liêu đăng trên các tạp chí quốc tế và quốc gia uy tín.

Công tác đào tạo: Là cơ sở thực hành của trường Đại học Y Hà nội, Khoa Y dược Đại học Quốc gia và nhiều trường đại học và cao đẳng trong khối ngành sức khỏe. Hàng năm BVHNVĐ đón nhận trên 3000 lượt sinh viên và học viên (Tiến sỹ, Thạc sỹ y khoa, Bác sỹ chuyên khoa, Cử nhân, Điều dưỡng …) học, thực tập chuyên môn tại bệnh viện. Không chỉ trong nước, mỗi năm có hàng trăm sinh viên và các bác sĩ trẻ đến từ Pháp, Úc, Mỹ, Đức, Nhật Bản …đến học tập tại bệnh viện.

Thành tích và phần thưởng tập thể/cá nhân

Với những nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ các thế hệ thầy thuốc và các nhân viên y tế qua nhiều thời kỳ, Bệnh viện đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều các phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Danh hiệu tập thể:

- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2004

- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2006

- Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010

- Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2001

- Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1996

- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1973

- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1986, năm 2016

Các danh hiệu cá nhân:

-Huân chương Hồ Chí Minh: GS. Tôn Thất Tùng

-Anh Hùng lao động: GS. Tôn Thất Tùng (1912-1982), cố giám đốc bệnh viện Việt Đức,

-Anh Hùng thời kỳ đổi mới: PGS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc bệnh viện (2011).

-22 Thầy thuốc Nhân dân và 65 Thầy thuốc Ưu tú được phong tặng, 2 viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp

-Giải thưởng Nhân tài Đất Việt: 3

Với thành tích hơn 110 năm hình thành và phát triển, BVHNVĐ luôn khẳng định vị trí đặc biệt trong ngành Y tế Việt Nam, là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối cùng, nơi đào tạo những nhà ngoại khoa xuất sắc của cả nước, địa chỉ tin cậy nhất của người bệnh mỗi khi họ mắc bệnh hiểm nghèo.

Bệnh viện Yersin (nay là BVHNVĐ) năm 1954

Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhà khoa học lỗi lạc của Y học Việt Nam

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Ca ghép phổi thành công thứ hai của bệnh viện (2019)

Hợp tác Nhật Bản lĩnh vực phục hồi chức năng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 100 năm phát triển

2. Tôn Thất Tùng. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

3. Tôn Thất Tùng. Con người và sự nghiệp