Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh bại liệt

Bệnh bại liệt (tiếng Anh Polio hay poliomyelitis) là là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại virus mà bình thường vẫn có mặt trong đường tiêu hóa ở người. Có khoảng 90% các trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng và 10 % còn lại, virus bại liệt gây nhiễm trùng với các triệu chứng ở các mức độ khác nhau, từ triệu chứng giống nhiễm cúm nhẹ cho tới liệt chi dưới hay thậm chí tử vong do liệt các cơ hô hấp. Thuật ngữ bại liệt có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: polio có nghĩa là màu xám, myelos có nghĩa là tủy sống, itis có nghĩa là viêm. Nó gợi ý đến tình trạng viêm chất xám tủy sống (phần nằm bên trong tủy sống).

Dịch tễ học[sửa]

Vào đầu thế kỷ 20, bại liệt được xem là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất của các quốc gia công nghiệp, làm hàng trăm ngàn trẻ em bị liệt mỗi năm. Sau khi vắc xin được đưa vào hiệu quả vào những năm 1950 và 1960, bệnh bại liệt đã được kiểm soát.

Bốn khu vực trên thế giới đã xác nhận thanh toán được bại liệt bao gồm: châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ba quốc gia vẫn còn bệnh bại liệt địa phương là Afghanistan, Nigeria và Pakistan.

Tại Việt Nam: những năm trước khi có vắc xin đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957 – 1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân. Từ 1962 sau khi Việt Nam chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong giảm đáng kể, không có các vụ dịch xảy ra. Sau năm 1975, nước ta đã kiên trì và mở rộng chương trình Tiêm chủng mở rộng trong đó gần 100% trẻ em được uống vắc xin bại liệt. Đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc (không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên).

Người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm vi rút bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em.

Nguồn truyền bệnh là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người mang vi rút bại liệt Polio không triệu chứng.

Thời kỳ ủ bệnh: từ 7 – 14 ngày, đối với các trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể. Tuy nhiên thời kỳ ủ bệnh có thể dao động từ 3 – 35 ngày.

Lây truyền có thể từ 7 – 10 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Phương thức lây truyền: Lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường phân - miệng. Vi rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Virus bại liệt gồm 3 tuýp, cả 3 týp đều có nguy cơ gây bệnh, đó là:

- Tuýp 1: có tên gọi là Brunhilde, là nguyên nhân gây bệnh chính, chiếm 90% tất cả các trường hợp.

- Tuýp 2: tên gọi là Lansing

- Tuýp 3: tên gọi là Leon.

Phần lớn, những người nhiễm vi rút bại liệt (khoảng 72%) sẽ không có các triệu chứng rõ rệt.

Khoảng ¼ người nhiễm vi rút bại liệt sẽ có những triệu chứng giống bệnh cúm được gọi là abortive poliomyelitis (bại liệt không triệu chứng thần kinh). Người bệnh nhiễm virus bại liệt ở thể này thường có triệu chứng đau rát họng và sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng khoảng 1 tuần.

Một tỷ lệ nhỏ hơn những người nhiễm vi rút bại liệt sẽ có thể diễn tiến thành các triệu chứng nguy hiểm hơn, tác động đến não và tủy sống:

- Dị cảm (cảm thấy châm chích ở chân)

- Viêm màng não (xảy ra ở 1 trên 25 người nhiễm vi rút bại liệt) với biểu hiện đau đầu dữ dội, đau và cứng gáy và lưng cùng các triệu chứng chung khác.

- Liệt hoặc yếu chi, cơ thể (xảy ra ở 1 trên 200 người nhiễm vi rút bại liệt).

Liệt là triệu chứng nguy hiểm nhất của bệnh vì nó gây ra tình trạng tàn tật vĩnh viễn và tử vong. Khoảng 2% – 10% những người liệt do nhiễm vi rút bại liệt bị tử vong do vi rút tác động đến cơ hô hấp của họ.

Bại liệt thể liệt được chia thành 3 nhóm: Bại liệt thể tủy sống (chiếm 79%) gây liệt chi trên và chi dưới. Bại liệt thể hành não (chiếm 2%) gây ảnh hưởng đến khả năng thở, nói và nuốt. Bại liệt thể hành não-tủy sống (chiếm 19%) ảnh hưởng đến tứ chi, cũng như chức năng thở và các chức năng khác thường dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị thích hợp.

Chẩn đoán[sửa]

Chẩn đoán bệnh bại liệt dựa vào sự kết hợp bệnh sử, triệu chứng lâm sàng (loại và định khu các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng như cứng gáy, khó thở hay các phản xạ bất thường) và các xét nghiệm (bệnh nhân sẽ được lấy phân, máu dịch não tủy hay dịch nhầy họng để làm xét nghiệm).

Điều trị[sửa]

Bệnh bại liệt là bệnh do vi rút nên chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Bệnh nhân thuộc thể bại liệt không triệu chứng thần kinh, hay thể viêm màng não không liệt chỉ cần được nghỉ ngơi tại nhà mà không cần biện pháp điều trị khác.

Đối với thể liệt, bệnh nhân cần phải được:

- Bất động hoàn toàn

- Tăng cường và nâng cao thể trạng bằng sinh tố và dịch truyền

- Hỗ trợ hô hấp, đặc biệt là đối với thể hành não-tủy sống.

Các biện pháp điều trị khác bao gồm thuốc giảm đau, chườm nóng cho các cơ bị đau, các biện pháp vật lí trị liệu nhằm cải thiện sức cơ, các hoạt động trị liệu hoặc các liệu pháp ngôn ngữ nếu cần thiết. Vật lí trị liệu đóng vai trò quan trọng nhất trong việc quản lí bệnh trong suốt quá trình phục hồi.

Tiên lượng[sửa]

Nhìn chung, tiên lượng về khả năng phục hồi sau đợt cấp của bại liệt thể liệt là tương đối tốt. Tỉ lệ tử vong vào khoảng 5-10%, chủ yếu là ở người già và trẻ em. Tỉ lệ này có thể lên tới 20-60% trong trường hợp có tổn thương cả hành não. Với bệnh nhân bại liệt thể tủy sống: 50% có khả năng hồi phục hoàn toàn, 25 % liệt nhẹ, 25 % còn lại bị tàn tật nặng. Khoảng 60 % sức cơ trong vòng 3-4 tháng điều trị đầu tiên.

Khoảng ¼ những bệnh nhân hồi phục sau khi bị bại liệt thể liệt lại phát triển một tình trạng rối loạn có tên là Hội chứng sau bại liệt (PPS: post polio syndrome) từ 10-40 năm sau lần nhiễm virus đầu tiên với các biểu hiện: yếu cơ, mệt mỏi, kiệt sức, kể cả sau các hoạt động rất nhẹ nhàng, đau khớp, rối loạn giấc ngủ, khó thở hoặc khó nuốt…

Dự phòng[sửa]

Bệnh có thể được dự phòng một cách dễ dàng bằng cách tiêm vắc-xin Salk (vắc-xin có chứa virus đã bị bất hoạt) hoặc vắc-xin đường uống Sabin (vắc-xin chứa virus sống giảm độc lực).

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, lịch uống và tiêm vắc-xin bại liệt của chương trình Tiêm chủng mở rộng là uống 3 liều vắc-xin bại liệt (OPV) vào thời điểm trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi, khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiêm 1 mũi vắc-xin bại liệt (IPV).

Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn hiện hữu. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt bằng sử dụng vắc xin là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cục y tế dự phòng. Bệnh bại liệt, https://vncdc.gov.vn/benh-bai-liet-nd14491.html, truy cập 10/2/2021.
  2. Chương trình tiêm chủng mở rộng, Những điều cần biết về bệnh bại liệt, http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-bai-liet.html)
  3. Bùi Đại. Bệnh học truyền nhiễm, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2005.
  4. Centers for Disease Control and Prevention. “Polio – Our Progress Against Polio”, August 2019. (https://www.cdc.gov/polio/progress/index.htm).
  5. World Health Organization. “Poliomyelitis”, August 2019. (https://www.who.int/newsroom/fact-sheets/detail/poliomyelitis).
  6. Global Polio Eradication Initiative , “History of Polio”, August 2019. (http://polioeradication.org/polio-today/history-of-polio/).