Bến nước là địa điểm lấy nước phổ biến ở các buôn làng Tây Nguyên. Nước cung cấp cho các bến nước là nước chảy tự nhiên đầu nguồn từ những mạch nước phát lộ trên mặt đất hay từ các vách đá. Nguồn nước này trong lành, có chất lượng tốt và dồi dào đủ để trở thành nguồn nước ăn, sinh hoạt và tắm giặt cho một hoặc một số buôn làng lân cận. bến nước cũng là một địa điểm thiêng, nơi diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng truyền thống quan trọng của mỗi cộng đồng.
Bến nước trước hết là một trong những cấu thành thiết yếu cho sự thành lập và tồn tại của một cộng đồng ở Tây Nguyên. Với cộng đồng các dân tộc tại chỗ ở đây, nguồn nước ăn luôn là yếu tố quyết định trong việc chọn vị trí lập làng. Tìm nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt là công việc đầu tiên khi khi một cộng đồng đi chọn đất lập làng. Khi phát hiện được nguồn nước, một số người sẽ phải đi lên đầu nguồn nước để kiểm tra, đảm bảo nguồn nước trong lành và dồi dào sẽ chảy về làng. Ngoài ra, bên cạnh việc phát hiện ra nguồn nước thì vị trí được chọn để lập làng phải đảm bảo có không gian xung quanh bến nước đủ cho cả buôn làng dựng nhà sinh sống, cũng như có các vị trí thuận lợi để dựng nhà rông hay làm khu nghĩa địa của cộng đồng.
Chọn được mạch nước, các thành viên của cộng đồng phải tiến hành các kỹ thuật khác để bến nước có thể sử dụng. Để hứng nước từ các mạch lộ hay từ các khe đá bên sườn núi và dẫn nước về làng, người dân ở Tây Nguyên thường dùng những ống lồ ô chẻ đôi nối thành những máng nước dài. Khu vực bến nước được phát sâu hơn bề mặt và phát quang xung quanh đủ để nhiều thành viên cộng đồng có thể đến hứng nước và tắm giặt. Nguồn nước được hứng về có thể được chia thành một số máng để nhiều người có thể hứng nước cùng lúc. Những buôn giàu có và đông dân có thể làm bến nước lớn, phát quang rộng và chia nhiều máng nước hơn các buôn có ít người.
Do tầm quan trọng của việc phát hiện nguồn nước để lập làng, người tìm ra nguồn nước cho cả buôn sử dụng được dân làng rất kính trọng. Ở dân tộc Ê Đê, người tìm ra bến nước được cộng đồng tôn vinh là chủ bến nước, là người đứng ra chủ trì các lễ cúng bến nước quan trọng của cộng đồng trong năm.
Vì là một phần thiết yếu cho sự tồn tại và sinh sống của cả cộng đồng, nên các cộng đồng ở Tây Nguyên luôn coi trọng và gìn giữ nguồn nước bởi đó là tài sản quý giá, là nguồn sống của cả buôn làng. Với họ, bến nước là khu vực thiêng, không ai được phép xúc phạm hay làm ô uế nguồn nước. Việc bảo vệ nguồn nước và bến nước được quy định trong cả luật tục lẫn những quan niệm tín ngưỡng. Chẳng hạn trong luật tục Ê Đê, điều 163, chương VIII Các trọng tôi quy định xử phạt những kẻ bỏ thuốc độc, trồng ngải, hay làm sập các máng nước ở nguồn nước chung. Người phạm tội này phải được đưa ra xử trước cộng đồng buôn làng. Xung quanh bến nước luôn có hệ cây rừng lâu năm giữ nước. Khu vực này trong quan niệm của người dân địa phương là rừng thiêng của buôn làng. Luật tục cũng quy định phạt rất nặng những ai dám chặt cây hoặc làm ô nhiễm nguồn nước. Do đó, bảo vệ nguồn nước cũng là bảo vệ rừng, đất đai, là bảo vệ hệ sinh thái.
Bên cạnh luật tục, niềm tin vào các thần tự nhiên theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người dân ở Tây Nguyên đã cùng góp phần giữ gìn nguồn nước và bến nước ở đây. bến nước trong đời sống tâm linh được coi là địa điểm thiêng, ai xâm phạm sẽ bị các thần (yang) nổi giận và trừng phạt. Các cộng đồng ở Tây Nguyên tin rằng sông, suối, bến nước, mó nước và rừng đầu nguồn đều có thần linh và những linh hồn trú ngụ. Muốn sử dụng tài nguyên từ đây, con người cần tôn trọng các luật lệ và sử dụng đúng mức. Việc giữ gìn bến nước cũng nằm trong hệ thống các tri thức địa phương nhằm bảo vệ hệ thống sinh thái cân bằng, nuôi dưỡng các cộng đồng tại đây.
Hàng năm, đến dịp cuối năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, các cộng đồng tiến hành việc sửa sang và cúng bến nước để kết thúc một chu kỳ sinh hoạt trong năm, và bảo vệ nguồn sống, địa điểm thiêng trong đời sống tín ngưỡng của dân làng. Trong hoạt động này, việc sửa chữa được tiến hành trước tiên. Các già làng họp bàn và phân công cho thanh niên vào rừng tìm những cây lồ ô to khỏe, thay cho những đoạn lồ ô làm máng nước đã bị yếu hoặc hỏng sau một năm sử dụng. Các bệ đỡ máng nước được củng cố lại. Mạch nước đầu nguồn được khai quang nhằm đảm bảo vệ sinh và lưu lượng nước chảy. Khu vực bến nước cũng được dọn dẹp vệ sinh nhằm giữ sạch sẽ nơi nguồn nước quý được đón về, cũng như tạo không gian hứng và sử dụng nước thuận lợi cho cộng đồng trong năm sắp tới.
Sau khi bến nước được sửa sang và dọn dẹp xong xuôi, các chủ bến nước (khoa pin ea trong tiếng Ê Đê) chủ trì lễ cúng bến nước của cả cộng đồng để tạ ơn thần linh đã giữ nguồn sống cho cả dân làng trong năm, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, và dân làng mạnh khỏe. Lễ cúng bến nước là một trong những nghi lễ cộng đồng lớn nhất và quan trọng nhất trong năm ở các buôn làng Tây Nguyên.
Ngày nay, các bến nước ngày càng vắng bóng trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng ở Tây Nguyên. Nguyên nhân trước hết là do nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của hoạt động khoan giếng lấy nước tưới rẫy vườn trồng cây công nghiệp như cà phê hay hồ tiêu. Bên cạnh đó là việc các rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt cũng khiến lưu lượng trên các nguồn lộ này suy giảm, các bến nước cũng như những sinh hoạt xung quanh địa điểm này ngày càng vắng bóng trong đời sống của cộng đồng. Tình hình khan hiếm nước sinh hoạt khiến ở nhiều buôn làng, nhà nước hay các hộ gia đình đầu tư để đào giếng, dùng máy bơm nước lên lấy nước sinh hoạt. Do đó, bến nước ở nhiều làng dần bị bỏ hoang và quên lãng.
Trong quan niệm về văn hóa Tây Nguyên truyền thống, bến nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong chỉnh thể một buôn làng Tây Nguyên truyền thống. Lễ cúng bến nước ở nhiều làng được phục hồi trong nỗ lực bảo tồn văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên hiện nay.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Anne De Hautecloque-Howe (Nguyên Ngọc, Phùng Ngọc Cứu dịch), Người Ê Đê, một xã hội mẫu quyền, Nbx. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004)
- Lưu Hùng, Góp phần tìm hiểu Trường Sơn – Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.