Bảo tàng báo chí Việt Nam(cg. Vietnam Press Museum) đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, nằm trong “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”, khánh thành và mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19.6.2020 nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 21 tháng 8 năm 2014, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và sau gần 3 năm tích cực tiến hành các hoạt động chuẩn bị, đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Di sản, ngày 28.7.2017, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập. Bảo tàng được giao nhiệm vụ: 1) Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bầy và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam. 2) Nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.
Tọa lạc tại tầng 1-2-3, Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng có bộ máy gọn nhẹ, với 02 đơn vị cấp phòng (Phòng Nghiệp vụ và Phòng Kế hoạch - tài vụ) đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động chuyên môn thiết yếu.
Không gian trưng bày của Bảo tàng bố trí trên diện tích gần 1.500m2,, tái hiện tiến trình ra đời và phát triển của báo chí Việt Nam gắn với lịch sử đất nước và dân tộc, đồng thời tôn vinh các thế hệ người làm báo Việt Nam; khẳng định những đóng góp to lớn trong các thời kỳ lịch sử từ 1865 đến nay của báo chí với việc nhấn mạnh vai trò xung kích của báo chí - một công cụ hữu hiệu để mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, cổ vũ tự cường dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đặc biệt là báo chí yêu nước và cách mạng - vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân tố quan trọng góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam hôm nay.
Với nhiều hình thức trưng bày hiện đại, đa dạng và áp dụng các giải pháp công nghệ đa phương tiện như phát thanh, truyền hình, số hóa để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của công chúng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngoài các không gian trưng bày theo tiến trình lịch sử, còn có Khu vực trải nghiệm, Khu vực tưởng niệm những người làm báo đã hy sinh, Phòng tra cứu và Phòng Đương đại nhằm phục vụ các hoạt động chuyên môn, chiếu phim, tổ chức sự kiện, khai thác, giới thiệu và phát huy giá trị di sản báo chí.Nhiều cuộc gặp gỡ nhân chứng lịch sử báo chí, tọa đàm và trưng bày chuyên đề về báo chí đã diễn ra tại đây.
Nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu, giảng dạy và học tập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với 02 cơ sở đào tạo báo chí lớn là Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; tiếp đón nhiều đoàn sinh viên ngành báo chí, truyền thông, Việt Nam học từ các trường đại học trên địa bàn Thủ đô tới tham quan, nghiên cứu…
Kho cơ sở của Bảo tàng tập hợp, phân loại và bảo quản 30.000 đơn vị hiện vật, đã xây dựng được nhiều sưu tập báo chí quý hiếm, trong đó có bộ sưu tập Báo chí Việt Nam 1865-1925 vớituổi đời từ gần 100 năm đến 140 năm ; hoặc một số bộ sưu tập khác như Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Báo chí Việt Nam 1925-1975, Báo Xuân xưa và nay …
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hội Nhà báo Việt Nam, Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2014.
- Thủ tướng Chính phủ,Công văn số 1353/TTg – KGVX ngày 01.08.2014 về việc bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020;
- Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 21/8/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 28.7.2017 về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2017.
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học “Phát huy giá trị di sản trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, 2020.
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học “Bước đầu nghiên cứu, phân loại nhóm hiện vật của Nhà báo Wilfred Burchett tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam”,2020.
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Sách “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”- NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.