Bảo tàng biên phòng là bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được xếp hạng bảo tàng hạng II năm 2000 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bảo tàng Biên phòng (BTBP) thành lập ngày 15 tháng 10năm 1968 theo Quyết định số 12/NQ-ĐU của Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), với tên gọi ban đầu là Ban Triển lãm kỉ niệm 10 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Năm 1984 Ban Triển lãm đổi tên thành Ban Bảo tàng. Năm 1987, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quyết định đổi tên Ban Bảo tàng thành BTBP.
BTBP hiện nằm tại tầng 2 của Tòa nhà hỗn hợp trong trụ sở của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, số 2 phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi còn mang tên “Ban Bảo tàng”, trụ sở của Bảo tàng đặt tại 40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khu trưng bày trong nhà của BTBP có diện tích 1.600m2, hoàn thiện đổi mới và nâng cấp vào đầu năm 2020, giới thiệu hơn 2.000 tài liệu hiện vật quý hiếm theo 11 chủ đề: Biên giới Tổ quốc - Lịch sử, truyền thống bảo vệ biên giới của cha ông ta; Lực lượng Công an nhân dân vũ trang ra đời; Chiến đấu bảo vệ biên giới trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước; Lực lượng An ninh vũ trang miền Nam dũng cảm, kiên cường; Chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; Quản lý, bảo vệ biên giới Việt - Lào; Bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo Việt Nam; Hợp tác quốc tế và đối ngoại Biên phòng; Quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Vinh dự - Trách nhiệm - Tự hào. Nằm ở sân trụ sở Bộ Tư lệnh, khu trưng bày ngoài trời rộng khoảng 200m2, giới thiệu nhóm tượng về bộ đội biên phòng và hệ thống mốc biên giới quốc gia qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Công tác trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động ở Bảo tàng được tổ chức thường xuyên và liên tục trong nhiều năm, kể từ khi thành lập.
Hơn 50 năm hoạt động, BTBP đã đón gần 5 triệu lượt khách tham quan; sưu tầm và bảo quản hơn 12.000 tài liệu, hiện vật và ảnh, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật có giá trị, như: sưu tập hệ thống quân hàm quân hiệu, sưu tập hệ thống quân phục, sưu tập hệ thống cột mốc biên giới quốc gia... Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tham mưu biên soạn tài liệu, tham gia hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tàng cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thống trong lực lượng bộ đội biên phòng; tư vấn công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa quân sự trên toàn tuyến biên giới, tư vấn thiết kế thi công Nhà truyền thống An ninh vũ trang miền Nam, Khu di tích Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh, Di tích vĩ tuyến 17 giới tuyến quân sự tạm thời tỉnh Quảng Trị… Năm 1990, BTBP vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng và Bảo tàng Biên phòng, Bảo tàng Biên phòng 45 năm xây dựng và trưởng thành 15.10.1968 - 15.10.2018, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013.
- Nguyễn Trọng Phương, Bảo tàng Biên phòng là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống của Bộ đội Biên phòng, Báo cáo trong lễ kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống Bảo tàng Biên phòng 15.10.1968 - 15.10.2018, Hà Nội, 2018.
- Bảo tàng Biên phòng, Báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP trong hoạt động Bảo tàng - Truyền thống giai đoạn 2013-2018, Hà Nội, 2018.
- Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Báo cáo tóm tắt truyền thống Bảo tàng Biên phòng 15.10.1968 - 15.10.2018, Hà Nội, 2018.
- Bảo tàng Biên phòng, Tài liệu thuyết minh trưng bày Bảo tàng Biên phòng, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2019.