Bản đồ địa chất Việt Nam thể hiện các đặc điểm địa chất và khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam. Bản đồ Địa chất Việt Nam (phần đất liền) được thành lập ở nhiều tỷ lệ, bao gồm các bản đồ tỷ lệ nhỏ (1:1.000.000; 1:500.000), trung bình (1:250.000; 1:200.000; 1:100.000) và lớn (1:50.000; 1:25.000; 1:10.000 hoặc lớn hơn). Tuy nhiên, có ba loại bản đồ cơ bản gồm các bản đồ tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 và 1:50.000 được coi là bản đồ địa chất quốc gia, được thành lập theo các quy định kỹ thuật thống nhất của nhà nước. Các bản đồ đã xuất bản đều kèm theo thuyết minh bằng tiếng Việt và Tiếng Anh.
Phân loại[sửa]
Bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 được thành lập trên cơ sở các lộ trình khảo sát thực địa thu thập các tài liệu địa chất, khoáng sản theo lộ trình khảo sát dọc theo mạng lưới sông suối chính và các trục đường giao thông trong khu vực. Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam được thành lập năm 1965 do tập thể các nhà địa chất Liên Xô - Việt Nam thực hiện, do Dovjikov A.E. chủ biên. Công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 trên phạm vi cả nước đã được hoàn thành năm 1984. Bản đồ được xuất bản và lưu hành hiện nay gồm 22 mảnh (tờ) bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 phủ kín toàn bộ diện tích phần đất liền và các đảo của cả nước.
Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 được thành lập chủ yếu trên cơ sở các lộ trình khảo sát thực địa thu thập các tài liệu địa chất, khoáng sản theo mạng lưới, mật độ lộ trình trung bình khoảng 0,2 km/km2, kết hợp với tổng hợp các tài liệu địa chất có trước. Công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 được hoàn thành năm 1984, phủ kín toàn bộ diện tích phần đất liền và các đảo của cả nước. Bản đồ được xuất bản và lưu hành hiện nay gồm 56 mảnh (tờ), bao gồm bản đồ địa chất loạt Đông Bắc và Tây Bắc xuất bản năm 1978. Loạt này được biên tập và hiệu đính lại, loạt Đông Bắc xuất bản vào các năm 1999-2001, loạt Tây Bắc xuất bản vào các năm 2004-2005. Còn từ Bắc Trung Bộ trở vào phần lớn được xuất bản vào các năm 1995-1996, riêng loạt Bến Khế - Đồng Nai là các năm 1997-1998. Kể từ năm 1996, các loạt tờ Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Nam Bộ, Kon Tum - Buôn Ma Thuột, Bến Khế - Đồng Nai và Đông Bắc Bộ đã được biên tập và xuất bản với Ban biên tập do GS.TS Trần Văn Trị làm Trưởng ban. Sau đó, loạt tờ Tây Bắc Bộ đã được biên tập và xuất bản với Ban biên tập do TS. Nguyễn Thành Vạn làm Trưởng ban - là loạt tờ cuối cùng được xuất bản năm 2005, kết thúc công việc biên tập và xuất bản Bộ Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000. Với công việc này, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đóng góp vào kho tư liệu địa chất của nước ta một bộ tư liệu quý giá về cấu trúc địa chất Việt Nam và sự phân bố của các loại khoáng sản trong các cấu trúc đó ở tỷ lệ trung bình (1:200.000).
Bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 được thành lập chủ yếu trên cơ sở các lộ trình khảo sát thực địa thu thập các tài liệu địa chất, khoáng sản theo mạng lưới, mật độ lộ trình trung bình khoảng 0,5 km/km2, kết hợp với tổng hợp các tài liệu địa chất có trước. Cho đến nay, bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 đã phủ kín 73% diện tích phần đất liền cả nước.
Các bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ (1:1.000.000; 1:1.500.000) thường là các bản đồ tổng hợp, được thành lập trên cơ sở tổng hợp từ các bản đồ nêu trên và các tài liệu nghiên cứu, điều tra địa chất khác. Bản đồ địa chất tỷ lệ 1: 1.000.000 Việt Nam phần miền Bắc do Trần Văn Trị chủ biên xuất bản năm 1997; bản đồ địa chất 1:1.500.000 Việt Nam - Lào - Campuchia do Phan Cự tiến chủ biên, Nhà xuất bản. Bản đồ năm 2009.
Nội dung[sửa]
Nội dung bản đồ, ngoài các yếu tố về địa lý tự nhiên, kinh tế xã hội (địa hình, giao thông, địa danh, dân cư,…) được giản lược, bản đồ địa chất Việt Nam (phần đất liền) ở các tỷ lệ khác nhau (1:500.000, 1:200.000 và 1:50.000) đều thể hiện hai nội dung chính về địa chất gồm nền địa chất và các điểm quặng, mỏ khoáng sản. Nền địa chất thể hiện diện phân bố, ký hiệu của các phân vị địa chất (địa tầng, magma, biến chất) và hệ thống các ký hiệu gồm thạch học, hóa thạch, các yếu tố cấu trúc (thế nằm đá trầm tích, hướng ép, trục uốn nếp, đứt gãy,…). Kèm theo là chỉ dẫn mô tả khái quát đặc điểm các phân vị địa chất và các yếu tố cấu trúc, cá ký hiệu khác. Phần lớn các bản đồ đều kèm theo mặt cắt địa chất để thể hiện đặc điểm cấu trúc địa chất của tờ bản đồ. Các điểm quặng, mỏ khoáng sản thể hiện các thông tin gồm: ký hiệu khoáng sản (thể hiện loại khoáng sản, quy mô mỏ), số thứ tự trên bản đồ, tên viết tắt của loại khoáng sản; hiện trạng khai thác (nếu có). Kèm theo là danh sách các mỏ, điểm quặng đã đăng ký trên bản đồ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. Nguyễn Thành Vạn, Nguyễn Xuân Bao, Dương Văn Cầu, Trần Văn Mến, Nguyễn Bá Minh, Nguyễn Đình viên, Phạm Huy Thông, Vũ Quang Lân, Thái Quang, Mai Kim Vinh, Bùi Thế Vinh, Đào Ngọc Đình, Vũ Trọng Tấn, Những kết quả nổi bật trong lập bản đồ địa chất - khoáng sản tỉ lệ 1/50.000 (Phần đất liền) - giai đoạn 2000-2012, Tạp chí Địa chất, 336-337: 7-10, 2013, 2. Tạp chí Địa chất, Cụm công trình Bản đồ địa chất Việt Nam và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Tin địa chất, Tạp chí Địa chất, 289: 7-8, 2005. 3. Tạp chí Địa chất, Hoàn thành việc biên tập và xuất bản bộ Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000, Tin địa chất, Tạp chí Địa chất, 291: 11-12, 2005.