Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bạch cập

Bạch cập (hay Vị bạch cập)là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch Cập – Tên khoa học là Bletilla striata (Thunb.) Reichb. f, họ Lan (Orchidaceae).

Tên gọi khác: Bạch cấp, Bạch căn, Cam căn, Liên cập thảo, Hát tất đa, Võng lạt đa, Nhược lan lan hoa, Từ lan, Trúc túc giao, Tuyết như lai, Tử tuệ căn, Tử lan căn.

Mô tả[sửa]

Cây Bạch Cập thuộc thảo, sống nhiều năm, mọc đứng, cao 20 – 30cm. Hành giả hình củ, xếp thành chuỗi nằm ngang màu trắng ngà có những đường vòng màu nâu đỏ do các vết tích của lá cũ và những mầm thân non đang phát triển. Mỗi nhánh mang 4 – 5 lá hình mác, có những nếp nhăn dọc, xếp ôm nhau ở góc, không có cuống. Hoa 3 – 8 cái màu hồng tím khá to, mọc thành chùm ở ngọn, cánh môi màu tím đậm mang 5 – 7 mào uốn lượn. Quả nang hình thoi 6 cạnh.

Cần phân biệt với loại Bạch cập của Trung Quốc, có những khối rắn, có màu trắng nâu với 2-3 nhánh con rất đặc biệt.

Phân bố[sửa]

Cây Bạch Cập thường mọc hoang trên đất đồi, đất rừng thứ sinh ở độ cao 800 – 1500m. Ở nước ta, bạch cập mọc hoang ở nhiều vùng núi cao mát như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang. Tuy vậy, Bạch cập vẫn hiếm thấy ở nước ta, còn phải nhập.

Hiện nay cũng được trồng làm thuốc, trồng bằng thân rễ. Có thể thu hái quanh năm tuy nhiên thời điểm để thu hái tốt nhất để dược liệu phát huy dược tính tốt nhất là vào mùa đông, cây 2 – 3 tuổi, rửa sạch đất, cát bỏ vẩy và rễ con, phơi khô, thường có màu trắng vàng.

Bộ phận dùng[sửa]

Bộ phận được dùng để làm thuốc là thân rễ (củ).

Chế biến: lấy thân rễ, rửa sạch đất cát, bỏ rễ con, luộc hoặc đồ lên đến khi mặt cắt ngang thân rễ không còn lõi trắng, phơi đến khô một nửa, bỏ vỏ ngoài rồi phơi tiếp đến khô. Lấy Bạch cập sạch, hấp cho mềm đều, thái phiến phơi khô.

Sau khi sơ chế, dược liệu có hình bánh dày dẹt phẳng, có ngạnh, mặt ngoài có các vân nhỏ đồng tâm. Vị thuốc bạch cập có chất cứng chắc, mặt cắt giống chất sừng và khó bẻ gãy. Loại tốt nhất có màu trắng đục, chất đặc rắn, củ mập dày.

Bảo quản: Để dược liệu tại những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp, mùa hè hay phơi nắng.

Thành phần hóa học[sửa]

Trong Bạch Cập có Bletilla Manna (gồm Mannose và Glucose). Trong rễ tươi có tinh bột [30,48%], Glucose [1,5%], tinh dầu, chất nhầy, nước 14,6% (Trung Dược Học). Trong Bạch Cập Chủ yếu là chất nhầy, chiếm khoảng 55% và thuộc loại Glucomanan, 1 ít tinh dầu và Glycogen (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Ngoài ra, người ta còn phát hiện một lượng rất nhỏ chất flavonoid có trong Bạch cập. Tuy nhiên thì do hoạt chất này ở Bạch cập là quá ít nên không được ứng dụng nhiều cho chữa bệnh.

Tác dụng và công dụng[sửa]

Bạch Cập có vị đắng, hơi ngọt chát, tính bình hơi hàn, vào kinh phế, vị. Có tác dụng bổ phế, sinh cơ, làm tan máu ứ, cầm máu.

Bạch Cập được dùng làm thuốc cầm máu trong nôn ra máu, ho khạc ra máu, chảy máu dạ dày, chảy máu cam, lỵ ra máu, đau mắt đỏ.

Tác dụng cầm máu[sửa]

Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu của thỏ, gia nhanh tốc độ lắng máu. Chích dịch nhầy Bạch cập vào tĩnh mạch chủ dưới của ếch, quan sát thấy hồng cầu ngưng kết trong mạch máu ngoại vi hình thành máu khối có tác dụng bịt những mạch máu bị tổn thương mà không gây tắc các mạch lớn. Bạch cập ít gây kích thích tại chỗ, những huyết khối do Bạch cập gây nên tự tiêu trong vòng 5 ngày. Người ta cắt ngang đùi thỏ, kẹp các động mạch lớn lại rồi đắp nước Bạch cập lên, máu đang chảy được cầm ngay. Tác dụng cầm máu của Bạch cập có liên quan đến thành phần chất nhầy (Trung Dược Học).

Ngày dùng 6 – 15 g, dạng thuốc sắc.

Ngày dùng 3 – 6 g, dạng thuốc viên hoặc thuốc bột để uống.

Dùng bôi, đắp ngoài với lượng phù hợp. Dùng ngoài đắp hoặc bôi lên mụn nhọt, sưng tấy, bỏng lửa, vết thương chảy máu.

Kiêng kị[sửa]

Theo Bản Thảo Kinh Sơ:

  • Ung nhọt đã vỡ không nên dùng thuốc Bạch cập cùng với những loại thuốc mang tính hàn, vị đắng.
  • Ung thư phổi thời kì đầu, cấm dung.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế. Dược điển VN – 5, tập II, NXB Y học, 2017, Tr.1070.
  2. Đỗ Huy Bích và cs. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2004, tập I, Tr.126.
  3. Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, 2012, Tập I, Tr.88.
  4. . Từ điển Bách Khoa Dược học. NXB Từ điển Bách Khoa, 1999, Tr.57.