Băng đảng (trong Tâm lý học xã hội) là một nhóm người được công nhận là một thực thể riêng biệt và tham gia vào các hoạt động chống đối xã hội, nổi loạn hoặc bất hợp pháp, các thành viên của nhóm có chung động cơ, mục đích hoạt động, có sự cố kết và phối hợp hành động cao.
Băng đảng là loại nhóm xã hội không chính thức, là một nhóm người mà các thành viên của họ nhận ra nó như một thực thể riêng biệt và được công nhận bởi cộng đồng của họ. Các hoạt động chống đối xã hội, các hoạt động nổi loạn và bất hợp pháp của băng đảng gây ra phản ứng tiêu cực từ cộng đồng, từ cơ quan thực thi pháp luật và các nhà quản lý xã hội. Băng đảng có những đặc điểm cơ bản sau:
Đặc điểm xã hội của băng đảng[sửa]
Ngoài đặc điểm các băng đảng hình thành một cách tự phát, hoạt động bất hợp pháp. Các băng đảng còn có những đặc điểm cơ bản như có một người lãnh đạo (thủ lĩnh của băng đảng); các thành viên chính thức, các chuẩn mực hoạt động của băng đảng, lãnh thổ riêng; quần áo hoặc hình xăm tiêu chuẩn; tiếng lóng riêng và tên của băng đảng.
Trong xã hội có một số băng đảng hoạt động bất hợp pháp sau: Nhóm buôn bán ma túy; nhóm đòi nợ thuê; nhóm trấn lột và cướp giật tài sản… Người ta ước tính ở Hoa Kỳ có hàng nghìn băng đảng với số thành viên lên đến một triệu người hoạt động ở các trung tâm đô thị lớn, thành phố nhỏ và vùng ngoại ô. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học ở Nam California đã cho thấy, hoạt động băng đảng có ở 94% các thành phố lớn của Hoa Kỳ và hơn 1.000 thành phố nói chung. Số lượng thành viên băng đảng ở Quận Los Angeles ước tính là 130.000 vào năm 1991. Trong cùng năm ước tính có khoảng 50 băng đảng ở Thành phố New York, 125 ở Chicago và 225 ở Dallas.
Một đặc điểm xã hội khác của băng đảng là hầu hết các băng đảng đều gồm các thành viên cùng độ tuổi. Đa số thành viên khi gia nhập băng đảng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Chẳng hạn, đa số thành viên các băng đảng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh khi gia nhập băng đảng ở độ tuổi từ 12 - 18 tuổi (Rizzo, 2003; Spergel, 1995). Khi gia nhập băng đảng các thành viên phải thực hiện một số nghi thức (nghi thức nhập môn). Các nghi thức này tùy theo các băng đảng. Chẳng hạn như đi bộ dòng, cắt đồng tu và trộn máu của họ với máu của các thành viên lớn tuổi hơn.
Các băng nhóm áp dụng các quy tắc ăn mặc nhất định của các thành viên để thể hiện sự đoàn kết của họ và làm tăng thêm sự cố kết của các thành viên băng đảng, đồng thời cũng thể hiện bản sắc và sự khác biệt của mình với các băng nhóm khác. Các thành viên băng đảng thường có thể được nhận dạng bởi kiểu dáng và màu sắc quần áo mà họ mặc. Chẳng hạn, ở Mỹ các băng đảng Latino theo truyền thống mặc quần kaki, áo phông trắng và áo cotton trơn, áo khoác, nhưng ngày nay quần và áo khoác đen được ưa chuộng, đội mũ LA Raiders màu đen. Băng đảng Crips trang phục kết hợp chặt chẽ với màu xanh lam, thường mặc áo khoác xanh, giầy chạy bộ có dây, sọc xanh và băng đô xanh, buộc quanh đầu hoặc treo nổi bật từ túi sau (màu của đối thủ Bloods là màu đỏ). Ngoài quần áo của họ, các thành viên băng đảng còn thể hiện tình đoàn kết bằng cách sử dụng tên đường phố và sử dụng các ký hiệu và mã bí mật, thường được vẽ bằng sơn graffiti ở những nơi công cộng.
Mặc dù hầu hết các thành viên băng đảng là nam giới, nhưng vẫn có phụ nữ tham gia các băng đảng. Có băng đảng mang tính hỗn hợp giới tính hoặc có băng đảng toàn là các thành viên nữ. Nghiên cứu của Moore và Hagedorn (2001) cho thấy tỷ lệ các thành viên băng đảng ở Anh, Hoa Kỳ là nữ chiếm từ 8 - 38%, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ có thể chiếm tới 46% tổng số thành viên băng đảng (Esbensen và Huizinga, 1993). Theo truyền thống, các thành viên nữ đóng vai trò phụ trong các băng nhóm hỗn hợp, hỗ trợ nam giới trong các hoạt động của họ và hình thành sự gắn bó lãng mạn trong nhóm.
Về gia đình, đa số các thành viên của các băng đảng xuất phát từ các gia đình có mức sống thấp, ở các vùng ven đô thị (Rizzo, 2003; Spergel, 1995), đa số đều là thanh thiếu niên phạm pháp. Các thành viên băng đảng đều xuất thân từ các gia đình mà phụ huynh quản lý lỏng lẻo hoặc gia đình có bố mẹ và người thân phạm tội.
Đặc điểm tâm lý của băng đảng[sửa]
Các thành viên băng đảng đều có lòng tự trong thấp, có một mối quan hệ đáng kể với những người phạm pháp, chống đối xã hội, có hành vi và sự hung hăng. Những người tham gia băng đảng là thanh niên với ít sự tự tin, có mối quan hệ yếu kém với môi trường xã hội, mạng lưới trường học và gia đình. Họ hướng nhiều đến các băng nhóm hơn là hướng đến các thanh niên tự tin và sống có lý tưởng tốt đẹp. Lòng tự trọng cũng là yếu tố quan trọng đối với các thành viên băng đảng. Nó quyết định một cá nhân gia nhập hay rời khỏi một băng đảng.
Các thành viên băng đảng thường có hành vi mang tính bốc đồng, tìm kiếm sự rủi ro và áp lực ngang hàng. Khi các cá nhân tham gia băng đảng thường bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ băng nhóm sẽ giúp họ có được tiềm năng để đạt được sự tôn trọng và địa vị. Có thể nói, việc tham gia các băng nhóm tội phạm phản ánh nhu cầu của một bộ phận thanh viên về địa vị, danh tính và đồng nhất. Một số thanh thiếu niên bắt chước và khao khát trở thành thành viên của băng đảng. Những thành viên băng đảng thường biện minh bằng cách hợp lý hóa cho hành vi phạm pháp chống lại người khác của mình.
Một đặc điểm tâm lý cơ bản của băng đảng là lòng trung thành. Lòng trung thành được xem là phẩm chất và yêu cầu quan trọng nhất đối với các thành viên băng đảng. Sự phản bội của các thành viên băng đảng có thể bị trả giá đắt bằng những hình phạt kiểu xã hội đen.
Đặc điểm tâm lý cơ bản khác của băng đảng là thực hiện các hành vi bạo lực. Một số nghiên cứu cho thấy mức độ thực hiện các hành vi bạo lực của các băng đảng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của Archer (2010); Hannan & Burkhart (1993) cho thấy mối liên hệ giữa tính hiếu động cao và hành vi bạo lực của các thành viên băng đảng. Hành vi gây hấn được các thành viên băng đảng coi như một phản ứng bình thường. Họ sẵn sàng trả đũa khi danh dự băng nhóm của họ bị đe dọa hoặc bị tấn công. Sự liên kết giữa các thành viên băng đảng góp phần phát triển và duy trì niềm tin phạm pháp của họ. Các thành viên băng đảng đều có thái độ chống đối chính quyền. Đây được coi như là bản chất của băng đảng.
Bệnh thái nhân cách là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn tới đến hành vi bạo lực và chống đối xã hội trong tương lai và là một đặc điểm của các thành viên băng đảng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số đặc điểm thái nhân cách nhất định của cá nhân như: sự đồng cảm thấp và kiểm soát xung động kém có thể là một nguyên nhân quan trọng trong việc xác định ai sẽ tham gia một băng đảng. Sự bốc đồng, thiếu trách nhiệm - một đặc điểm của thái nhân cách cũng là đặc điểm của các thành viên băng đảng. Những người bị thái nhân cách có nguy cơ gia nhập các băng đảng nhiều hơn những người bình thường. Đây cũng là một vấn đề cần được chú ý trong can thiệp xã hội và trị liệu cho những người phạm pháp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Esbensen F.A., Huizinga D., Gangs, drugs, and delinquency in a survey of urban youth, Criminology, 31, 1993, pp. 565 - 589.
- Anderson E., Code of the Street: Decency, Violence and the Moral Life of the Inner City, New York, NY: Norton and Company, 1999.
- Bennett T., Holloway K., Gang membership, drugs and crime in the UK, Br J Criminol 44, 2004, pp. 305 - 323.
- Gordon R.A., Lahey B.B., Kawai E., Loeber R., Stouthamer-Loeber M., Farrington D.P., Antisocial behavior and youth gang membership: Selection and socialization, Criminology, 42, 2004, pp. 55 - 87.
- Bradshaw P., Youth gangs and delinquency in Edinburgh, In: Decker SH, Weerman FM (eds), European Street Gangs and Troublesome Youth Groups, UK: Altamira Press, 2005, pp. 193 - 218.
- Ang, R. P. & Huan, V. S., Predictors of recidivism for adolescent offenders in a Singapore sample, Criminal Justice and Behavior, 35, 895905, 2008.
- Alleyne, E., & Wood, J.L., Gang involvement: Psychological and behavioral characteristics of gang members, peripheral youth and non-gang youth, Aggressive Behavior, 36, doi: 10.1002/ ab.20360, 2010, pp. 423 - 436.
- Chi Meng Chua, Michael Daffern, Stuart D.M. Thomas, Yaming Anga and Mavis Long, Criminal attitudes and psychopathic personality attributes of youth gang offenders in Singapore, Psychology, Crime & Law, 2014. Vol. 20, No. 3, 284_301, http://dx.doi.org/10.1080/1068316 X.2013.772182.2014.