Bóng rỗi tên gọi của một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, gắn bó với tập tục thờ nữ thần ở Nam Bộ. bóng rỗi còn gọi là hát bóng rỗi là loại hình nghệ thuật do các ông, bà Bóng thực hiện, cất lên những lời ca thờ cúng, xưng tụng thần linh. bóng rỗi là loại hình diễn xướng đặc biệt phục vụ trong các nghi lễ cúng Bà của người dân Nam Bộ. Nghi thức bóng rỗi bắt nguồn từ cách múa dâng lễ trong các nghi lễ ở đền, tháp thờ các vị Mẫu thần của người Chăm Trung Bộ. Bà Bóng cũng như những Pajao, là nhân vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Các bà có nhiệm vụ như người hầu cận thân tín, có thể tiếp xúc với vị nữ thần và dâng lễ vật, lời cầu xin đến vị thần. bóng rỗi là loại hình diễn xướng hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, cho đến nay, về thời gian, nguồn gốc, hay chủ nhân loại hình nghệ thuật diễn xướng này chưa được xác định một cách rõ ràng và thống nhất.
Hình tức biểu diễn[sửa]
Bóng rỗi gồm có hát rỗi và múa bóng. Về phương thức diễn xướng, hát rỗi gồm hệ thống các bài bản thể hiện bằng ngôn ngữ thanh nhạc, là những lời ca tụng công đức của những vị thần được tôn thờ (như Bà Chúa Xứ, Ngũ Hành Nương Nương) và lời chào mời các vị thần về dự lễ, chuyển tải ước vọng của con người đến thần linh. Sau lễ khai tràng của dàn nhạc, các bà Bóng bắt đầu bằng nghi thức chầu mời, thỉnh tổ. Dựa trên các lời văn có sẵn, các bà Bóng đưa vào bài rỗi các làn điệu dựa theo hơi nhạc tài tử Nam Bộ như: Xuân, Ai, Đảo hay Dựng… Người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ nữ thần, tay cầm trống nhỏ gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ. Nội dung diễn tả cảnh đẹp của vùng đất, nói đến những con người đang sinh sống nơi đây bằng tấm lòng thành kính mong muốn được thỉnh mời các vị thần về chứng lễ. Bên cạnh đó, còn có các bài rỗi riêng mời các vị thần tham dự như bài rỗi mời Bà, mời Ông, mời Cô, mời Cậu, mời các vị chiến sĩ, cô hồn… Bà Bóng có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ, người chủ tế theo nền nhạc đệm có sẵn. Mỗi bài rỗi là bài ứng tác không bị trùng lắp câu chữ, hướng đến nội dung thể hiện ước vọng cầu gia đạo bình an, cầu sức khỏe, cầu tài lộc…
Múa bóng là hệ thống các động tác thể hiện ngôn ngữ hình thể, thực hiện trong khi dâng lễ vật lên thần linh. Bên cạnh hát rỗi, các bà Bóng dùng nhiều đạo cụ khác nhau để múa dâng Bà, đồng thời góp phần làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của người xem. Các điệu múa bóng thường chia làm hai loại chính: múa mâm (múa dâng lộc) và múa đồ chơi (giải trí). Những loại đạo cụ của múa dâng lộc như: mâm vàng bạc, hoa quả, trầu cau… Những loại đạo cụ trong múa đồ chơi như: dao, kiếm, lu khạp, ghế bàn, xe, trống… Tất cả các đạo cụ múa được để trên đầu khi múa. Động tác của hai tay đơn giản, hầu hết các động tác chỉ xoay quanh cổ tay, chủ yếu là động tác cuộn tròn tay. Tay chỉ sử dụng động tác như một cách giữ thăng bằng cho dụng cụ đang ở trên đầu. Không có điệu bộ cho động tác chân. Chân và thân thường nhún lên xuống theo trục thẳng đứng của cơ thể, các bước chân không theo nhịp bắt buộc. Mặt người múa bóng luôn hướng về phía bàn thờ. Nếu có quay tròn thì cũng phải quay thật nhanh để trở lại vị trí mặt trước bàn thờ. Người múa tuyệt đối không có những động tác đưa lưng hoặc thân vào bàn thờ. Nhạc khí chính đệm cho hát bóng rỗi là cây đàn cò (Nhị) và trống lệnh. Tuy nhiên, nếu các miếu có điều kiện kinh tế có thể mời ban nhạc với các nhạc khí hỗ trợ cho buổi lễ thêm long trọng như: đàn kìm, đàn sến, guitar phím lõm, kèn…
Lý do tổ chức[sửa]
Hệ thống các vị Mẫu thần trong đời sống tâm linh của người Việt ở Nam Bộ có thể tìm thấy ở trên khắp vùng với những tượng và tên gọi như: Ngũ Hành Nương Nương, Bà Cố Hỷ Phu nhân, Bà Diêu Trì Địa Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu…Từ những nhận thức về thờ Mẫu kết hợp với môi trường văn hóa xã hội vùng đất phương Nam, đã hình thành nghi lễ thờ Mẫu mang tính chất đặc trưng vùng rõ rệt tiêu biểu là bóng rỗi. bóng rỗi là loại hình trình diễn dân gian trong đời sống văn hóa xã hội của người Việt ở Nam Bộ, thể hiện tâm tư tình cảm, ước vọng con người đối với các vị thần vào những dịp tế lễ. Bóng rỗi là hoạt động văn hóa tâm linh vừa có tác dụng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, giải trí, vừa có chức năng giáo dục, nối kết cộng đồng. Đây là loại hình diễn xướng thể hiện giá trị nhân sinh qua nội dung và hàm chứa giá trị nghệ thuật trình diễn. bóng rỗi vừa mang tính chất thiêng vừa mang tính thế tục, yếu tố tín ngưỡng và nghệ thuật có sự đan xen vào nhau tạo sự thỏa mãn về nhu cầu tâm linh và giải trí nghệ thuật. Đây là sản phẩm văn hóa dân gian, chuyển tải những khát vọng tiềm ẩn về sự nối tiếp giữa thế giới siêu nhiên và thế giới thực tại, ước vọng, cầu mong sự bình an thịnh vượng của người dân Nam Bộ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Huỳnh Ngọc Trảng, “Tìm hiểu nguồn gốc và đặc điểm của múa bóng ở Nam Bộ”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Duy trì và phát triển nghệ thuật múa truyền thống một số dân tộc phía Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, 1993.
- Nguyễn Thị Hải Phượng, Bóng rỗi và chặp địa nàng trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa học, ĐHKHXH&NV, Tp. HCM, 2013.
- Huỳnh Thanh Bình, Tìm về nguồn cội của hát bóng rỗi Nam Bộ, Tạp chí Khoa học ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2017, tr.30-37.