Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bát hương

Bát hương là vật đặt trên ban thờ dùng để cắm hương tưởng niệm, cầu khấn thần phật, tổ tiên trong các hoạt động thờ cúng của người Kinh và một số tộc người thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Thái trắng,…

Bát hương được sử dụng trên ban thờ của gia đình và tại các cơ sở thờ tự công cộng gắn với các thực hành tôn giáo tín ngưỡng, thể hiện niềm tin về một phương thức giao tiếp (bằng hương) giữa con người với các lực lượng siêu nhiên. Cùng với các hiện vật thiêng khác (bài vị, di ảnh của người quá cố,…), bát hương cho thấy niềm tin của con người vào sự hiện diện của tổ tiên, thần phật. Người ta tin rằng có thể giao cảm, tương tác được với thần linh, tổ tiên, hồn người chết,… qua thủ tục đầu tiên là thắp hương và cắm vào bát hương trên ban thờ. Từ quan niệm này mà việc đặt và sử dụng bát hương được người ta thực hiện theo một hệ thống các nguyên tắc và kiêng kỵ nghiêm ngặt.

Ở người Kinh, việc đặt bát hương lên ban thờ (tục gọi là bốc bát hương) được thực hiện một cách nghiêm cẩn khi lập ban thờ mới hoặc khi chuyển ban thờ. Theo quan niệm, bát hương không được bốc đúng cách cũng giống như nhà không chủ, khi đó thần, phật, tổ tiên giáng lâm độ trì thì ma quỷ cũng chen chân theo để quấy phá gia chủ. Thường gia chủ có thể bốc bát hương ở đền, chùa hoặc nhờ thầy đặt hộ theo quy trình chọn bát hương, tẩy rửa, đặt cốt, an vị trên ban thờ. Về chọn bát hương, căn cứ vào tuổi gia chủ, kích thước ban thờ, đối tượng thờ phụng mà các thầy sẽ tư vấn lựa chọn kích thước, màu sắc và mẫu mã bát hương cho phù hợp. Về kích thước thường được chọn theo thước Lỗ Ban, mỗi kích cỡ sẽ ứng với một cung nhất định được gán với các ý nghĩa liên quan đến phúc, lộc, thọ. Về màu sắc thì căn cứ vào bản mệnh của gia chủ, ví như người mệnh Kim thì chọn màu trắng hoặc màu vàng, người mệnh Mộc thì chọn màu đen hoặc xanh nước biển, … Người ta cũng căn cứ vào họa tiết trang trí mà phân biệt việc chọn bát hương thờ gia tiên với bát hương thờ Phật hoặc không chọn bát hương có chữ Hán viết ở thành bát.

Chùa_Phật_Cô_đơn_2022_(bát_hương_đá)
Miếu_bà_Ngũ_Hành_ở_Phú_Lâm_(bát_hương_cúng)

Bát hương sau khi mua về phải được rửa hoặc dùng khăn lau bằng nước rượu gừng, để khô rồi lót ở đáy một mảnh giấy trang kim vàng, vừa để lót, vừa phòng các đồ yểm trong bát không bị cháy khi bát nhang “hoá”. Nước dùng rửa bát hương xong phải đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà chứ không được đổ xuống cống. Theo nguyên tắc, bát hương được làm đúng pháp là phải “có cốt” gồm tờ hiệu và bộ Thất bảo. Tờ hiệu là tờ giấy ghi tên đối tượng thờ thường được in trên giấy vàng, chữ màu đỏ bán kèm theo bát hương, tên người thờ được viết dọc vào ô trống ở giữa. Xưa thường viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, nay có thể viết bằng chữ Quốc ngữ. Ví dụ, tờ hiệu thờ Thổ công, thần long mạch ghi: “Phụng thờ: Thành hoàng bản thổ thần linh thổ địa chư vị tôn thần”. Một bát hương thờ nhiều người có thể ghi chung vào 1 tờ hiệu hoặc ghi thêm tờ hiệu khác đều được. Bộ Thất bảo là 7 thứ quý mà người xưa coi trọng là vàng, bạc, mã não, san hô, hổ phách, xà cừ, trân châu (dùng để trang điểm hoặc khảm vào đồ dùng trong nhà) được cho là có khả năng thu năng lượng, hút linh khí, xua đuổi tà ma, hung khí, giúp cho gia chủ làm ăn phát lộc. Ngày nay, Thất bảo được làm giả bán kèm theo bát hương chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thường được thay bằng một đồng tiền giấy mệnh giá thấp.

Tờ hiệu và bộ Thất bảo sẽ được gói trong một tờ giấy trang kim để dưới đáy bát hương, sau đó đổ tro đốt bằng rơm nếp (hay trấu) lên trên, kiêng không dùng cát vì cho rằng cát nặng. Có thầy cầu kỳ còn nắm tro nếp thành từng nắm nhỏ, khi bốc vào bát nhang thì đọc sinh – lão – bệnh – tử, sao cho nắm hương cuối cùng dừng lại ở chữ “sinh” là tốt nhất.

Bát hương bốc xong sẽ được lau sạch bụi tro rồi đặt ngay ngắn sao cho mặt nguyệt (lưỡng nghi) nằm trên trục vuông góc với bàn thờ và theo hướng ban thờ, cách tường khoảng 15 cm, mỗi bát hương cách nhau khoảng từ 5cm đến 10 cm. Việc tiếp theo là thắp hương (cắm 9 hay 3 cây nhang tùy bát hương) rồi chú nguyện, thỉnh thần linh, vong linh về an nhập.

Để “luyện” bát hương, sau khi bốc xong bát hương phải được thắp hương thường xuyên từ 3 ngày đến 7 ngày hoặc 21, 49, 100 ngày tùy điều kiện từng gia đình. Việc chuyển bát hương sang bàn thờ mới được thực hiện vào ngày mùng một hoặc ngày rằm hàng tháng. Trước khi chuyển gia chủ chuẩn bị một mâm lễ cúng tạ từ ngày hôm trước.

Ngoài ra còn có dạng bát hương đặt tạm khi các thầy cúng đi hành lễ. Chẳng hạn ở người Tày, Thái khi đi làm lễ trên bàn cúng của các thầy thường đặt từ 1 đến 3 bát hương bằng bát ăn cơm đựng gạo, bên trên đặt quả trứng hoặc các vật thiêng của thầy như ấn Tam bảo (ở người Tày, Nùng) hoặc vòng bạc, răng lợn lòi,…(ở người Thái).

Quy trình bốc bát hương ở các cơ sở thờ tự về cơ bản cũng như tại gia, màu sắc bát hương được chọn thường tương phản với màu bàn thờ và tượng. Chẳng hạn như nếu tượng gỗ, tượng màu hoặc tượng dát vàng thì chọn bát hương trắng và ngược lại.

Việc sử dụng, bảo quản bát hương cũng có những quy ước, kiêng kị riêng. Chẳng hạn, mỗi khi sắp xếp lại ban thờ (thường vào ngày 23 hoặc 30 tháng Chạp) phải khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển các đồ thờ tự mà không được xê dịch bát hương, chỉ xúc bớt tro chứ không đổ hết tro vì cho rằng dễ bị "tán tài". Cũng như vậy, khi vệ sinh bát hương phải lấy tay giữ yên rồi lau bằng nước rượu pha gừng giã nhỏ.

Bên cạnh đó còn có quan niệm bát hương không linh, nghĩa là thắp hương mà không có ai “về”, được giải thích là có thể trong bát hương không có dị hiệu, hoặc ghi nhầm dị hiệu, hoặc dị hiệu ghi thờ quá nhiều người, hoặc do các ông, bà đồng yểm âm binh của họ vào bát hương của gia chủ gây cản trở không cho người được thờ về bàn thờ.

Liên quan đến các nguyên tắc xung quanh việc đặt và sử dụng bát hương còn cho thấy các quan niệm khác nhau về tính thiêng của hiện vật. Chẳng hạn, có người cho rằng bốc bát hương nên nhờ thầy, có người cho rằng tự mình làm mới là tốt nhất. Về chất liệu, có thầy cho rằng bát hương gốm sứ tượng trưng cho mệnh Thổ góp phần tạo nên yếu tố ngũ hành trên bàn thờ là tốt nhất, có thầy cho rằng lựa chọn chất liệu nào cũng được vì cốt vẫn là ở cái tâm của gia chủ. Hoặc như khi bốc bát hương người ta hay dán mảnh giấy đỏ viết tên người thờ cho dễ nhận biết nhưng có người cho như thế là phạm thượng với gia tiên. Về đồ lễ cúng bốc bát hương có thầy hướng dẫn gia chủ sắm lễ mặn, bao gồm cả đồ sống nhưng có thầy hướng dẫn sắm lễ chay tùy tâm và “tuyệt đối không được cúng cỗ mặn”. Hiện tượng “bát hương hóa” (hóa âm ở chân hương, hóa dương từ trên xuống) có người giải thích là do khi dâng hương chưa dập tắt hết lửa, hoặc do thời tiết nắng nóng, hanh khô dễ bốc cháy... Tuy nhiên có người lại căn cứ vào thực tế của từng gia đình mà suy đoán các điềm lành dữ,...

Bên cạnh đó, cũng là đặt bát hương nhưng ở người Tày, Nùng không quá chú trọng kiểu dáng, màu sắc, cũng không phải đặt cốt bát hương như ở người Kinh, sự linh thiêng của bát hương là ở năng lực của ông thầy cúng (thường là thầy Tào) được họ mời đến nhà làm lễ đặt bát hương. Ngoài ra, tùy theo địa phương, vùng miền, tộc người mà bát hương có những hình thức, chất liệu khác nhau, từ đơn giản như ống tre, bát ăn cơm đến làm bằng đồng, vàng, gỗ đá, composite, lưu ly,… Như vậy, bát hương là vật thiêng trên ban thờ của các gia đình cũng như các cơ sở thờ tự, phản ánh các chiều kích khác nhau trong giao lưu văn hóa tín ngưỡng của các tộc người Việt Nam, có vai trò quan trọng trong thực hành nghi lễ kết nối giữa con người với thế giới tổ tiên, thần, phật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
  2. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
  3. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.
  4. Trương Thìn (biên soạn), Đại đức Thích Minh Nghiêm (hiệu đính), 101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.