Binh pháp hệ thống tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc, phương pháp chuẩn bị, chỉ đạo và tiến hành chiến tranh cũng như tổ chức, huấn luyện và sử dụng quân đội trong các hoạt động tác chiến.
Khái niệm Binh pháp (phép dùng binh) có thể hiểu tương tự như khoa học nghệ thuật quân sự ngày nay. Với Việt Nam thời kỳ hiện đại là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối chiến tranh nhân dân, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam. Các nước tư bản thường gọi là học thuyết quân sự. Binh pháp (cổ), đặt nền móng cho khoa học nghệ thuật quân sự hiện đại. Tuy nhiên, giữa các khái niệm Binh pháp (cổ) và nghệ thuật quân sự hiện đại có những sự khác biệt. Thứ nhất, khoa học nghệ thuật quân sự hiện đại mang tính phổ biến, là sản phẩm của những hệ tư tưởng khác nhau, trong khi Binh pháp (cổ) thường thể hiện tư tưởng, quan điểm của một cá nhân cụ thể hoặc một hệ phái, do một cá nhân đại diện. Thứ hai, khoa học nghệ thuật quân sự hiện đại đã trở thành một ngành khoa học hoàn chỉnh, một hệ thống lí luận với đầy đủ các bộ phận cấu thành, trong khi các nội dung được đề cập trong Binh pháp (cổ) phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sáng tạo ra nó.
Binh pháp (cổ) xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc với rất nhiều tác phẩm, thể loại binh pháp khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là “Binh pháp Tôn Tử” do Tôn Vũ soạn thảo năm 512 tcn, Ông là nhà quân sự nổi tiếng thời Xuân Thu, trình bày quan điểm về nghệ thuật chiến tranh, có quan hệ tới các yếu tố cơ bản quyết định thắng bại là: đạo, trời, đất, tướng, pháp, trong đó đạo (sự ủng hộ của nhân dân) giữ vai trò quan trọng nhất, làm rõ sự phụ thuộc của chiến tranh vào các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, các biện pháp và thủ đoạn tác chiến… Tuy vậy, do điều kiện lịch sử khách quan, Tôn Vũ cũng có những hạn chế như xem nhẹ vai trò của binh sĩ, không chú ý tới yếu tố chính nghĩa, hay phi nghĩa của chiến tranh… “Binh pháp Tôn Tử” là một trong những bộ binh pháp cổ nhất thế giới, có giá trị lớn, được coi là “binh kinh” và “thủy tổ binh học”. Không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, “Binh pháp Tôn Tử” còn được truyền sang nhiều nước khác, thế kỷ VIII được truyền sang Nhật Bản, sau đó sang một số nước Đông Á khác như Triều Tiên, Việt Nam..; từ thế kỷ XVIII thâm nhập vào châu Âu, được dịch sang tiếng Anh với tên “ The Art of War” (Nghệ thuật chiến tranh). Hiện nay, đã dịch ra 29 thứ tiếng trên thế giới, được giới thiệu trên hàng nghìn đầu sách, hàng trăm trang Web bằng các thứ tiếng khác nhau, được trường quân sự nhiều nước đưa vào chương trình giảng dạy; nhiều nhà lãnh đạo, tướng lĩnh trên thế giới đã vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” trong chỉ đạo, chỉ huy chiến tranh. Do mức độ nổi tiếng và phổ biến của “Binh pháp Tôn Tử”, thuật ngữ “binh pháp” còn thường được dùng để chỉ bộ sách này.
Ở Việt Nam, Binh pháp (cổ) được gọi là Binh thư, hai bộ binh thư cổ nhất còn được biết đến ngày nay là “Binh gia diệu lí yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, cả hai bộ sách này đều đã thất truyền, người đời sau dựa vào tư tưởng của Trần Quốc Tuấn viết thành “Binh thư yếu lược”, gồm 4 quyển. Quyển 1, gồm 9 chương: Thiên tượng, Kén mộ, Chọn tướng, Đạo làm tướng, Kén luyện, Quân lễ, Tuyển người làm việc dưới trướng, Đồ dùng của binh lính, Hiệu lệnh. Quyển 2, gồm 10 chương: Hành quân, Hướng đạo, Đồn trú, Tuần canh, Quân tư, Hình thế, Phòng bị, Điểm về việc binh, Phép dùng gián điệp, Dùng cách lừa dối. Quyển 3, gồm 7 chương: Liệu thế giặc, Quyết chiến, Đặt kì, Dã chiến, Sơn chiến, Thủy chiến, Lâm chiến. Quyển 4, gồm 7 chương: Đánh thành, Giữ thành, Xông vây - ứng cứu, Lui đánh, Thắng và đặt phục, Phép nhận hàng. Đầu thế kỷ XVII, còn có bộ binh thư “Hổ trướng khu cơ”, của Đào Duy Từ. Thời Tây Sơn, có “Tây Sơn binh pháp” (đã bị thất truyền) của Huỳnh Văn Thuận.
Nhiều tác giả ngày nay, đặc biệt ở Trung Quốc vẫn vận dụng phương pháp thể hiện trong binh pháp của các nhà quân sự cổ đại để trình bày những quan điểm, tư tưởng quân sự hiện đại. Ở Việt Nam, người duy nhất trong các nhà quân sự hiện đại trình bày các quan điểm quân sự dưới hình thức Binh pháp là Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo với tác phẩm “Về cách dùng binh”, tác phẩm thuộc loạt công trình khoa học quân sự được giải thưởng Hồ Chí Minh.
Một điểm đặc biệt là những giá trị của binh pháp cổ không chỉ còn mang ý nghĩa thuần tuý quân sự. Nhiều quan điểm tư tưởng, phương châm hành động rút ra từ binh pháp cổ đã và đang được vận dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội hiện đại, đặc biệt là trong quản lí, kinh doanh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng,Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối quân sự của Đảng, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
- Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược quân sự Việt Nam, kết luận số 31- KL/TW ngày 16.4.2018.
- Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược quốc phòng Việt Nam, kết luận số 24- KL/TW ngày 16.4.2018.
- Wikipedia, tiếng Việt, Bách khoa toàn thư mở, Website: vi.wekipedia.org