Bia "Đại Việt Lam Sơn chiêu lăng bi" là bảo vật quốc gia, hiện vật độc bản, được công nhận năm 2016, hiện được bảo quản, lưu giữ tại Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh.
Bia được dựng trên gò đất, giữa một thung lũng nhỏ, cách lăng vua Lê Thánh Tông khoảng 150m về phía Đông Nam, thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bia tương đối nguyên vẹn (hông bia bên trái sứt một mảnh nhỏ).
Bia được làm bằng một tấm đá xanh nguyên khối, dựng trên lưng rùa đá, với kích thước tổng thể: cao 2,76m, rộng 1,90m, dày 0,28m. Rùa đế bia được tạo tác ở tư thế đầu ngẩng cao, thân hướng về phía trước, có chiều dài 2,65m, rộng 1,89m, cao 0,69m. Mặt trước bia khắc toàn văn chữ Hán, bao quanh diềm bia là hoạ tiết hoa văn hình rồng. Mặt sau khắc một bài thơ của vua Lê Hiến Tông và 35 bài thơ của văn nhân đương thời, họa vần; Bốn mặt của bia được trang trí hoa văn, hai mặt hông đều trang trí một con rồng thăng, kỹ thuật chạm khắc sâu hơn, đường nét sắc nhọn, dứt khoát, trau chuốt tỉ mỉ, khỏe khoắn thể hiện rõ được các đặc điểm của phong cách tạo hình thời Lê Sơ, đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chạm khắc Việt Nam thế kỉ XV.
Văn bia có khoảng 3.000 chữ, khắc theo lối chữ triện và chữ khải, mô thuật đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông. Soạn giả là những nhân vật nổi tiếng đương thời như Lê Hiến Tông, Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ... Vì thế, văn bia không những là một pho sử ghi trên đá vô cùng quí giá, phục vụ việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông và triều đại Lê Sơ, mà còn là một di sản văn hóa quan trọng, góp phần cho công tác nghiên cứu về văn hóa, giáo dục cho hậu thế.
BĐVLSCLB được dựng năm 1498 hiện vẫn còn nguyên vẹn tại lăng Lê Thánh Tông - vị vua có nhiều đóng góp cho phát triển nền giáo dục nước nhà thế kỷ XV. Ông đã tiến hành cải cách chính trị, kinh tế, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa… đưa quốc gia phát triển rực rỡ về mọi mặt, đặc biệt Ông đã cho xây dựng bộ luật Hồng Đức - là bộ luật rất tiến bộ, tiêu biểu nhất trong các bộ luật thời kỳ quân chủ phong kiến Việt Nam. Chính vì thế, thời kỳ này nước Đại Việt đã đạt đến đỉnh cao một thời vàng son lịch sử, có sức ảnh hưởng toàn khu vực.
Tài liệu tham khảo:[sửa]
- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960.
- Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Duy Chí, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Vân, Mỹ thuật thời Lê Sơ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1978.
- Đặng Kim Ngọc, “Điêu khắc và trang trí ở Lam Kinh”, Khảo cổ học (2), Hà Nội, 1982, tr.54 - 60.
- Nguyễn Thịnh, Trần Văn Phương (1995), Xem lại bia Vĩnh Lăng NPHM…1994, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.356 - 357.
- Nguyễn Văn Đoàn, Khu di tích trung tâm Lam Kinh Thanh Hóa, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội, 2004.