Bia "Thanh Hư Động" (cg. Bia “Côn Sơn Thanh Hư Động Bi Minh”, “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”) bảo vật quốc gia, hiện vật độc bản, được công nhận năm 2015, hiện được bảo quản, lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Bia Thanh Hư động (BTHĐ) còn nguyên vẹn về hình dáng, được đặt trên lưng rùa, được làm bằng đá trầm tích, màu xanh. Bia được tạo tác thời Long Khánh (1372 - 1377), là hiện vật độc bản, lưu ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Theo dòng lạc khoản Hoằng Định tam niên thập nguyệt cốc nhật tạo trong bài ký “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”, bia được khắc thêm vào tháng 10 năm 1602. Mặt trước, trên diềm đỉnh trán bia trang trí đề tài rồng chầu mặt trời, được chạm theo lối triện hóa. Giữa trán bia khắc chìm 4 chữ Hán “Long Khánh Ngự Thư”, thể chữ Triện (cao 13cm, rộng 10cm). Hai bên thân bia là diềm bia (rộng 6,5cm) trang trí hoa văn triện hóa long; những con rồng được tạc với thân gấp khúc, đầu ngẩng cao, miệng há rộng, nối đuôi nhau theo hàng dọc chạy từ chân bia đến hết thân bia quy chầu vào khung chữ. Mặt sau, diềm trán bia trang trí hoa cúc dây. Trên đỉnh diềm trán bia chạm một bông hoa sen nở. Giữa trán bia chạm mặt trời tạo bởi hai vòng tròn đồng tâm (đường kính 15 cm), các đao lửa tỏa đều sang hai bên. Hai bên hình mặt trời trang trí bông cúc nở mãn khai. Dưới trán bia tạo băng hình chữ nhật, kẻ 6 ô khắc chữ Hán “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”, thể chữ Chân. Nội dung nói về chùa Côn Sơn Tư Phúc là nơi vua Trần Minh Tông (1300 - 1357) tu thân học đạo. Vị tổ thứ ba thiền phái Phật giáo Trúc Lâm là Huyền Quang Tôn giả (1254 - 1334), nối đời trụ trì tại danh lam Côn Sơn Tư Phúc.
Hoa văn trang trí hình rồng theo lối cách điệu, chữ viết theo thể triện thư, Lệ thư, vuông vức, gẫy gọn, mang giá trị thư pháp độc đáo, hay nhất nghệ thuật thời Trần cũng như trong hệ thống trang trí văn bia Việt Nam. BTHĐ có giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn. Cùng với giá trị độc bản, hình thức nghệ thuật độc đáo, BTHĐ có liên quan đến tông phái Trúc Lâm là một thiền phái Phật giáo độc đáo, duy nhất của Việt Nam thời Trần. Bia cũng liên quan đến các nhân vật lịch sử, văn hóa lớn của thời Trần như Hoàng đế Trần Duệ Tông, Hoàng đế Trần Nghệ Tông, đệ Tam tổ Trúc lâm Huyền Quang tôn giả, Đại tư đồ Trần Nguyên Đán trong lịch sử thời Trần.
Tài liệu tham khảo:[sửa]
- Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Duy Chí, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ, Nguyễn Đỗ Bảo, Mỹ thuật thời Trần, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1977.
- Chu Quang Trứ, Phạm Đức Huân, Hồ sơ khoa học khu di tích lịch sử danh thắng Côn Sơn, Tài liệu Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 1996.
- Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc, Di sản Hán nôm Côn Sơn, Kiếp Bạc, Phượng Sơn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
- Nguyễn Khắc Minh, “Văn bia Đăng Minh Bảo tháp”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 1, Hà Nội, 2010, tr.75 - 79.
- Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc, Côn Sơn – Kiếp Bạc di tích và danh thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.