Mục từ này cần được bình duyệt
COVID-19
(đổi hướng từ BKTT:COVID-19)

Bệnh COVID-19 do chủng vi rút corona mới Sar-Cov-2 gây ra được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019.

Trên trang web wordometers tính đến ngày 10 tháng 10 năm 2020 thế thời đã ghi nhận 40.268.496 trường hợp mắc, 1.118.294 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung Quốc là nước đầu tiên ghi nhận nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ đứng thứ 11 trên thế giới về số ca mắc (83.534 ca) và thứ 10 trên thế thới về số ca tử vong (4.634 ca) do bệnh COVID-19 [1]. Bệnh sau đó đã nhanh chóng lây lan sang hầu hết các nước trên thế giới. Tối ngày 11/3/2020 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do vi rút Sar-Cov-2 là đại dịch toàn cầu.

Giữa tháng 10 năm 2020 đã ghi nhận số ca mắc tăng kỷ lục kể từ đầu đợt dịch, riêng ngày 18/10/2020 ghi nhận hơn 400.000 trường hợp nhiễm một ngày. Như vậy, chỉ khoảng 2 ngày thế giới đã tăng hơn 1 triệu trường hợp nhiễm. Tại Châu Âu số nhiễm trung bình mỗi ngày trong tuần giữa tháng 10/2020 đều ở mức hơn 140 nghìn trường hợp, cao hơn số nhiễm mỗi ngày của cả 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch là Mỹ, Brazil và Ấn Độ cộng lại. Ước tính cứ 100 trường hợp được ghi nhận trên thế giới thì có 34 trường hợp từ các nước khu vực châu Âu và cứ 9 ngày lại có thêm khoảng 1 triệu trường hợp bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới tại châu Âu.

Khu vực Châu Á, Ấn Độ là có số nhiễm nhiều nhất (7.548.238 trường hợp mắc), đứng thứ 2 về số trường hợp mắc là Iran với 530.380 trường hợp mắc và thủ đô Tehran tiếp tục phải thực hiện phòng tỏa (tuần thứ 3 liên tiếp). Tại khu vực ASEAN, Indonesia với 361.867 trường hợp mắc (12.511 trường hợp tử vong) đã vượt qua Philippines trở thành là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số trường hợp mắc và số bệnh nhân tử vong do đại dịch. Tiếp theo là Philippines với tổng số 356.618 trường hợp nhiễm (6.652 trường hợp tử vong), hiện Philippines áp đặt các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 trường hợp tử vong và 57.911 trường hợp nhiễm, quốc gia này đang dự kiến đưa ra thỏa thuận với HongKong trong thời gian tới để thành lập hành lang du lịch an toàn đầu tiên ở khu vực, theo đó cho phép người xét nghiệm âm tính với COVID-19 có thể đi lại giữa 2 nơi bằng các chuyến bay thẳng mà không cần phải cách ly.

Về tình hình nghiên cứu vắc xin, ngày 14/10 vừa qua, Liên bang Nga đã cấp phép loại vắc xin thứ 2 ngừa COVID-19. Mỹ (hãng dược Pfizer) đang thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 ở trẻ từ 12 tuổi và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho trẻ em từ 12 tuổi tham gia vào thử nghiệm vắc xin này. Ngoài ra, các công ty dược phẩm của Thái Lan và Vương Quốc Anh đang hợp tác để sản xuất và cung cấp vắc xin COVID-19 tiềm năng AZD1222 do Đại học Oxford phát triển.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối tháng 1 năm 2020, tính đến ngày 30/6/2020 Việt Nam đã ghi nhận 335 trường hợp mắc COVID-19, không có ca tử vong. Đây cũng là ngày thứ 75 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng kể từ trường hợp cuối cùng ghi nhận ngày 15/4/2020. Việt Nam được coi là một trong những nước khống chế tốt dịch COVID-19 cùng với Đài Loan, Hàn Quốc và thực hiện thành công các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là đối với các trường hợp xâm nhập từ nước ngoài (215 trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay, 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng, 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng ). Tuy nhiên nguy cơ xâm nhập của các trường hợp COVID-19 từ bên ngoài vào Việt Nam là rất cao. Nguy cơ này có thể đến từ nhiều đường khác nhau, trong đó nguy cơ từ nhóm người nhập cảnh trái phép đặc biệt cao do đây là nhóm người không được quản lý ngay từ đầu vào. Việt Nam có đường biên giới đường bộ dài 4.550 km với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đây vừa là điểm thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng cũng chính là thách thức cho Việt Nam trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh qua nhóm người nhập cảnh trái phép. Trung Quốc được biết đến như là nơi đầu tiên phát hiện trường hợp COVID-19, tính đến thời điểm này dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp tại quốc gia này. Đường biên giới Việt – Trung dài 1.449,566 km, trong đó đường biên giới đi theo sông/suối là 383,914km nằm trên địa phận của 7 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, và Hà Giang với 29 cửa khẩu và rất nhiều đường mòn lối mở. Địa hình khu vực biên giới Việt – Trung đặc biệt phức tạp và không đồng nhất với nhiều dãy núi cao. Toàn tuyến biên giới mật độ dân cư thấp, có 20 dân tộc cùng sinh sống. Người dân sống tại khu vực biên giới thường xuyên di chuyển và thay đổi địa điểm định cư thêm vào đó việc qua lại của người dân 2 nước qua đường mòn, lối mở diễn ra phức tạp đặc biệt là trong thời kỳ COVID-19, do vậy, việc quản lý đi lại của người dân 2 nước qua khu vựa này đặc biệt khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập trường hợp mắc COVID-19 từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đó lây lan trong cộng đồng. Để duy trì công tác phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ đến các địa phương và kiểm soát tốt người nhập cảnh từ các cửa khẩu như hiện nay thì việc phát hiện, quản lý, và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh chóng cho những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong đó có nhập cảnh qua biên giới Việt – Trung là đặc biệt quan trọng. Tính đến ngày 19/10/2020, Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.134 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 477 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Việt Nam đã thực hiện 1.268.880 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch đến thời điểm hiện tại. Trong đó TP. Đà Nẵng đã thực hiện 180.888 xét nghiệm; Hà Nội đã thực hiện 135.539 xét nghiệm;TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 151.195 xét nghiệm.

Có được thành quả đáng ghi nhận trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành đoàn thể, các cấp chính quyền, sự ủng hộ và đồng lòng của người dân dưới dự chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt nhưng cũng rất linh động của Chính phủ. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020 đã có trên 200 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ/Cục và các cơ quan ngang Bộ/Cục được ban hành theo sát những diễn biến, những thay đổi từng ngày của dịch tại Việt Nam. Một số văn bản đã được điều chỉnh hoặc thay thế sau khi ban hành trong thời gian ngắn cho phù hợp với tình hình mới. Thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo/hướng dẫn đã cho thấy sự quyết liệt nhưng cũng vô cùng linh hoạt trong đáp ứng dịch tại Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn, định hướng từ tuyến trung ương là cơ sở, là kim chỉ nam cho các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả của tuyến dưới.