Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Anh giáo

Anh giáo là một giáo phái trong xuất hiện trong phong trào Cải cách tôn giáo ở Anh vào thế kỷ XVI, về cơ bản giống Công giáo La Mã, song người đứng đầu giáo hội là nhà vua thay vì Giáo hoàng.

Henry_VIII_of_England,_by_Hans_Holbein

Nước Anh vốn là nước theo Công giáo. Đầu thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản ở Anh phát triển khá mạnh, tuy nhiên những thủ tục, giáo lý lạc hậu và giáo điều của giáo hội Công giáo đã trở thành lực cản sự phát triển của xã hội. Giáo hoàng nắm trong tay nhiều ruộng đất và quyền lực chính trị. Trong khi giai cấp tư sản và các các tầng lớp quần chúng muốn giảm bớt các lễ nghi, thủ tục, muốn có một giáo hội rẻ tiền, tầng lớp quý tộc mới thì muốn có ruộng đất của Giáo hoàng. Vào thời điểm này, vua Anh Henry VIII (1509 – 1547) muốn có một người thừa kế ngai vàng, đã tìm cách li hôn với Hoàng hậu Catherine vì bà không có con trai để cưới Anne Boleyn đang mang thai. Quyền hủy hôn thuộc về Giáo hoàng La Mã. Hoàng hậu Catherine vốn là công chúa Tây Ban Nha, con vua Ferdinand và Hoàng hậu Isabella, dì của Charles V, Hoàng đế La Mã Thần thánh. Trước sức ép của Hoàng đế La Mã, Giáo hoàng Clement VII (1523-1534) không đồng ý việc li hôn của vua Anh. Do đó, nhà vua đã tập hợp các lực lượng ủng hộ mình để chống lại Giáo hoàng. Nhà vua đã triệu tập Quốc hội và cử Thomas Cromwell soạn thảo những sắc lệnh để tách nước Anh ra khỏi ảnh hưởng chính trị của Giáo hoàng, phong Thomas Cranmer (1489 - 1556) làm Tổng Giám mục Canterbury. Ông cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ về tôn giáo với Giáo hoàng La Mã. Ngày 28.5.1533, cuộc hôn nhân của vua Henry VIII và Anne Boleyn được Tổng Giám mục Canterbury công nhận là hợp pháp.

Một loạt các đạo luật được ban hành để tăng cường quyền lực của nhà vua trước Giáo hoàng, “Đạo luật hạn chế kháng cáo” (the Act in Restraint of Appeals) (1533), “Đạo luật phân phối” (the Dispensations Act) và “Đạo luật quyền tối cao” (the Act of Supremacy) (1534). Với các Đạo luật này, nhà vua trở thành người đứng đầu tối cao duy nhất của Giáo hội Anh. Các quyền hành trước đây thuộc về Giáo hoàng được chuyển sang nhà vua như quyền thuyên chuyển tu sĩ, bổ nhiệm các Giám mục, quyền quản lí tài sản các nhà thờ và cả về vấn đề hôn nhân, di chúc, thuế thập phân. Năm 1536, vua Henry VIII đã công bố sắc lệnh “Mười điều khoản”. Năm 1544, bản Kinh thánh được dịch ra tiếng Anh và được sử dụng trong các nhà thờ.

Mặc dù đã tuyên bố tách khỏi ảnh hưởng của Giáo hội La Mã nhưng giáo lí, lễ nghi và các giáo phẩm của Anh giáo vẫn giống với Công giáo. Vì vậy, thực chất Anh giáo là một hình thức trung gian giữa Công giáo và đạo Tin lành.

King_Edward_VI_of_England

Ngày 28.1.1547, Vua Henry VIII qua đời. Con trai ông là Edward VI (1537 – 1553) lên ngôi vua vào ngày 31.1.1547 khi còn nhỏ tuổi, Tổng Giám mục Thomas Cranmer chịu ảnh hưởng của giáo phái Calvin đã tiến hành những sửa đổi để loại bỏ những nghi thức truyền thống giống Công giáo của Anh giáo và thay vào đó là các nghi thức của đạo Tin lành. Năm 1549, cuốn sách “Kinh nguyện chung” (Book of Commont Prayer) được biên soạn và đến tháng 11.1552 cuốn sách “Bốn mươi hai điều tín cương” (Forty-Two Articles of Religion) mang tư tưởng, giáo lý của đạo Tin lành đã được giới thiệu. Tuy nhiên, những cải cách này đã bị xóa bỏ khi vua Edward VI chết, nữ hoàng Mary con gái của Hoàng hậu Catherine lên ngôi (1553 – 1558). Bà đã bắt giam Tổng Giám mục Thomas Cranmer và nhiều giáo sĩ. Năm 1558, bà qua đời, do không có con nên nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vua (1558 – 1603) vào ngày 17.11.1558. Dưới thời nữ hoàng Elizabeth, những cải cách tôn giáo trước đây đã được khôi phục lại, đạo Tin lành có xu hướng phát triển mạnh. Một giáo phái mới xuất hiện muốn thanh lọc những tàn dư của Công giáo trong Giáo hội Anh để đáp ứng nhu cầu phát triển của giai cấp tư sản và quý tộc mới ở nước Anh.

Phong trào cải cách tôn giáo ở Anh, với sự ra đời của Anh giáo mặc dù còn duy trì nhiều hình thức của Công giáo nhưng đã góp phần làm suy yếu thế lực của Giáo hội Công giáo chịu ảnh hưởng của Giáo hoàng La Mã, củng cố và tăng cường quyền lực của vua Anh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Tâm Xuyên, Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
  2. Mark Chapman, Anglicanism: A very short introduction (Anh giáo: giới thiệu sơ lược), Nxb. Oxford, 2006.
  3. Colin Buchanan, The A to Z of Anglicanism (Anh giáo từ A đến Z), Nxb. Scarecrow, 2009.
  4. Ralph Stanley Dean, Anglicanism (Anh giáo), https://www.britannica.com/topic/Anglicanism, truy cập ngày 14.5.2021