Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường là việc huy động lực lượng cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý môi trường các cấp, ra quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước. Thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường nhằm mục đích biến chủ trương bảo vệ môi trường thành nghĩa vụ và quyền lợi của các tầng lớp xã hội, làm cho mọi người thấy được vai trò trách nhiệm của mình, tạo được chuyển biến trong nếp sống thân thiện với môi trường, tích cực và tự nguyện tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là công việc chung của Nhà nước và xã hội, có tính liên ngành, liên vùng rất cao. Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2005 đã quy định chi tiết trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước (Điều 5), của tổ chức, cá nhân (Điều 6), thẩm quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 121), của ủy ban nhân dân các cấp (Điều 122), của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng dân cư (Điều 124). Đồng thời quy định cơ quan chuyên môn, chuyên trách quản lý về bảo vệ môi trường ở bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ có chất thải nguy hại hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường (Điều 123). Trên cơ sở nội dung của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản dưới luật về bảo vệ môi trường, trong đó có các văn bản liên quan đến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Ngày 30.5.2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Ngày 31.12.2008, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 135/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30.5.2008 của Chính phủ. Các địa phương trên cơ sở các văn bản pháp luật trên đã xây dựng các quy chế về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xã hội hóa bảo vệ môi trường. Nội dung của xã hội hóa bảo vệ môi trường là việc huy động lực lượng cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, vào các hoạt động quản lý môi trường các cấp, vào việc ra quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước. Thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường nhằm mục đích biến chủ trương bảo vệ môi trường thành nghĩa vụ và quyền lợi của các tầng lớp xã hội, làm cho mọi người thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường, tạo được chuyển biến trong nếp sống thân thiện với môi trường, tích cực và tự nguyện tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Tâm Trung, Tiếp cận vấn đề bảo vệ môi trường với chủ trương xã hội hóa, trong sách “Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, 2008.
  2. Dogaru L., The importance of environmental protection and sustainable development, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 93: 1344-1348, 2013.
  3. Quốc hội Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, 2020.
  4. Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Tuấn Anh (đồng chủ biên), Xã hội học môi trường: một số nghiên cứu phục vụ xây dựng pháp luật và quản lý, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.