Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vi khí hậu

Vi khí hậu là vùng khí quyển địa phương có khí hậu khác biệt với xung quanh. Vi khí hậu được cấu thành bởi các yếu tố độ ẩm, nhiệt độ, vận tốc chuyển động trong không khí và bức xạ nhiệt. Có rất nhiều vi khí hậu từ tự nhiên lẫn nhân tạo và quy mô lớn nhỏ khác nhau. Một ví dụ điển hình cho vi khí hậu tại Việt Nam là hang động Sơn Đoòng, nơi đây tồn tại các điều kiện khí hậu riêng tạo nên hệ sinh thái đa dạng góp phần tạo nên tính đặc sắc cho văn hóa du lịch Việt Nam. Một ví dụ khác là các ốc đảo tạo nên một khu vực cho con người và động vật cư trú trên sa mạc. Hay đơn giản ở quy mô nhỏ hơn, các hốc cây nơi có ánh sáng và độ ẩm thích hợp cho các loại nấm có thể phát triển được.

Trong thế giới động vật, loài mối cũng tạo ra được tổ có nhiệt độ và đổ ẩm ổn định nhằm tránh được điều kiện khắc nghiệt bên ngoài. Vi khí hậu được hình thành do các tác động và ảnh hưởng của sự vật - sự việc xung quanh có nguồn gốc từ tự nhiên lẫn nhân tạo. Trong tự nhiên có rất nhiều tác động hay ảnh hưởng điều kiện tạo ra vi khí hậu. Ví dụ: sự hấp thu nhiệt độ bởi nước nên các khu vực quanh hồ, sông, suối hay biển sẽ có nhiệt độ thấp hơn các khu vực xung quanh; hai bên sườn núi có sự khác nhau về hướng quay của hai mặt sườn núi bắc - nam, dẫn đến một bên sườn núi sẽ hấp thu ánh sáng Mặt trời nhiều hơn và trở nên ấm hơn trong khoảng thời gian dài hơn. Các ốc đảo được hình thành khi có các nguồn nước từ các dòng sông ngầm hay từ các địa tầng ngậm nước.

Trong khi đó, con người cũng tạo ra vi khí hậu một cách vô tình hay chủ ý. Trong quá trình đô thị hóa con người đã vô tình tạo ra vi khí hậu do sự hấp thu và bức xạ năng lượng Mặt trời ra môi trường của các vật liệu như gạch, đá, nhựa đường và bê-tông làm nhiệt độ trong khu vực tăng lên. Hay các khu vực với điều kiện môi trường riêng biệt do các hoạt động sản xuất từ nhà máy với nguồn nhiệt lớn và ô nhiễm như nấu chảy kim loại hay xử lý rác; hoặc là nhiệt độ quá thấp như các kho đông lạnh gây ra vi khí hậu nóng và vi khí hậu lạnh.

Việc nghiên cứu vi khí hậu của các lãnh thổ mang lại các giá trị thực tiễn như trong sản xuất nông nghiệp, khảo sát vi khí hậu có thể chỉ ra các khu vực thuận lợi nhất để canh tác các loại cây ưu nhiệt hay ưa ẩm. Ngoài ra việc khảo sát có thể cho thấy những biến đổi khí hậu do quá trình canh tác, từ đó đề xuất các biện pháp cải tạo đất theo hướng làm cho điều kiện vi khí hậu tốt hơn. Trong phát triển đô thị, qua tìm hiểu và học hỏi từ thiên nhiên, con người cũng đã chủ ý tạo ra những vi khí hậu có lợi như bố trí hướng đường phố thông thoáng, bố trí các cây xanh, tạo sông, hồ, thác nước nhân tạo nhằm điều hòa vi khí hậu thành phố hiệu quả nhất. Về học thuật, bổ sung các thông tin nhằm giúp việc dự báo các hiện tượng thời tiết địa phương chính xác hơn. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu về vi khí hậu của một khu vực, ta có thể lập nên sơ đồ phân vùng vi khí hậu địa phương trong phạm vi lãnh thổ đó. Khi tiếp xúc trong thời gian dài, vi khí hậu sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến hoạt động và sức khỏe của con người. Trong đó, ba yếu tố được cho là có ảnh hưởng nhất đối với con người là nhiệt độ, độ ẩm và bức xạ nhiệt. Đối với vi khí hậu nóng và vi khí hậu lạnh được tạo ra bởi các hoạt động của nhà máy, việc tiếp xúc lâu dài sẽ gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến công nhân lao động như sự mất nước và mất cân bằng điện giải, các triệu chứng “say nóng” dẫn đến co giật,… đối với vi khí hậu nóng. Hay hiện tượng lạnh cục bộ gây nên các chứng đau, viêm cơ, viêm đường hô hấp,… đối với vi khí hậu lạnh. Vùng có độ ẩm cao sẽ làm giảm hàm lượng oxy hít thở vào phổi do hàm lượng hơi nước trong không khí tăng lên. Ngoài ra, hàm lượng hơi nước tăng làm tăng khả năng chập mạch điện dễ xảy ra các tai nạn về điện. Ngược lại đối với vùng có độ ẩm thấp sẽ làm tăng hàm lượng của không khí khô gây khô và nứt da.

Năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 26/2016/TT-BYT để giới hạn giá trị cho phép của vi khí hậu tại môi trường làm việc để đảm bảo an toàn cho người lao động. Nhằm giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực từ vi khí hậu nhân tạo, các biện pháp phòng chống đã và đang được sử dụng rộng rãi như: cơ giới hóa và tự động hóa các quá trình lao động ở vị trí có nhiệt độ, bức xạ nhiệt cao; thông gió tự nhiên hoặc thiết kế, lắp đặt, sử dụng các thiết bị điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ,… thích hợp; ngăn các nguồn phát sinh nhiệt với con người bằng những mành che, tấm chắn cách nhiệt; sử dụng các dụng cụ bảo hộ khi làm trong điều kiện khắc nghiệt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bherwani H., Kumar A. S. R., Assessment methods of urban microclimate and its parameters: A critical review to take the research from lab to land. Urb. Clim., 34, 2020.
  2. Lê Văn Mai, Vi khí hậu học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  3. Trần Thị Vân, Hà Dương Xuân Bảo, Đinh Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Đặng Thị Mai Nhung, Đặc điểm môi trường nhiệt và diễn biến đảo nhiệt đô thị bề mặt khu vực phía bắc thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ,

49: 11-20, 2017.