Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm các tổ chức bao phủ các xoang, là các khoang chứa khí nằm trong xương vùng mặt cạnh mũi, thường do nhiễm trùng trong các xoang đó gây nên.

Viêm xoang thường được phân thành cấp hoặc mạn tính. Viêm xoang cấp tính khởi phát nhanh và thường là biến chứng của cảm lạnh thông thường nhưng cũng có thể được gây ra bởi tác nhân dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm. Viêm xoang kéo dài trên 8 tuần hoặc tái phát nhiều lần (≥ 4 lần/năm) được gọi là viêm xoang mạn tính.

Dịch tễ[sửa]

Viêm xoang là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, chiếm tỷ lệ 2 – 5% dân số nói chung, có xu hướng ngày một tăng lên. Thống kê cho thấy có đến 25 – 30% số bệnh nhân đến khám Tai – Mũi – Họng tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh viêm xoang. Con số này còn cao hơn tại các thành phố lớn – nơi chất lượng không khí luôn ở mức nguy hại cao đối với sức khỏe. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hóa chất độc hại, khói, bụi, nghề nghiệp…

Bệnh thường phối hợp với viêm mũi, ít khi gặp viêm xoang đơn độc.

Mô tả[sửa]

Xoang là các khoang chứa khí nằm trong các xương vùng mặt, bao gồm:

Xoang trán: nằm trong xương trán, phía trên của mắt, giữa 2 cung mày.

Xoang hàm: nằm trong xương gò má, cạnh 2 bên mũi.

Xoang sàng: nằm trong xương sàng, ngay sau sống mũi.

Xoang bướm: nằm trong xương bướm, sau xoang sàng, sau mắt.

Các xoang đều thông với mũi, và được phủ một lớp niêm mạc - có các sợi lông nhỏ gọi là lông chuyển. Các lông này chuyển động không ngừng để giúp đẩy các chất nhầy do các xoang sản xuất vào trong đường thở. Chuyển động của lông chuyển quét chất nhầy dọc đường thở giúp làm sạch đường thở khỏi các mảnh vật chất hoặc các mầm bệnh.

Khi lớp niêm mạc của xoang bị sưng lên làm cản trở lưu thông chất nhầy. Chất nhầy bị tích lại sẽ lấp đầy xoang và gây ra cảm giác khó chịu, đè ép và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Yếu tố nguy cơ[sửa]

Các yếu tố nguy cơ của viêm xoang cấp và viêm xoang mạn là giống nhau. Bao gồm:

Tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh dị ứng khác ảnh hướng tới mũi.

Bất thường giải phẫu như polyp mũi, lệch vách ngăn mũi.

Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc thiếu hụt các kháng thể.

Suy dinh dưỡng nặng, bị bỏng, có bệnh gan hoặc ung thư.

Nằm viện trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại các đơn vị HSTC.

Hen phế quản, gặp ở khoảng 20% người có viêm xoang mạn tính.

Quá mẫn cảm với aspirin gây ra các triệu chứng của đường hô hấp trên

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Viêm xoang thường được gây ra bởi nhiễm trùng và các tác nhân dị ứng có thể tạo ra trạng thái nhiễm trùng. Các lọai vi khuẩn hay gặp nhất như: Streptococcus pneumonia, Haemophylus influenza, … Khoảng 2 % viêm xoang do virus gây ra nhiễm khuẩn xoang thứ phát.

Trong một số trường hợp, viêm xoang là thứ phát sau nhiễm trùng ở răng, dị vật ở mũi, lạm dụng cocaine hoặc phơi nhiễm nghề nghiệp với một số các chất kích ứng hóa học như khí clo.

Viêm xoang ở trẻ em có thể do Moraxella catarrhalis (20%). Ở những người có hệ thống miễn dịch suy giảm như trong bệnh đái tháo đường, AIDS, hoặc sử dụng một số chất làm giảm sức đề kháng như ở các bệnh nhân ung thư hoặc ghép tạng, vêm xoang cũng có thể do nấm như Aspergillus, Candida hoặc Mucorles.

Viêm xoang do virus thường kéo dài khoảng 7-10 ngày trong khi đó viêm xoang nhiễm khuẩn thường dai dẳng hơn. Triệu chứng cảm lạnh dường như kéo dài hơn, nghẹt mũi nặng hơn. Các chất dịch chảy ra từ mũi thường thay đổi màu sắc từ trong sang đục, vàng hoặc xanh. Có thể kèm theo sốt, đau đầu, và đau quanh vùng xoang bị viêm và cảm giác đè nặng, tăng lên khi bệnh nhân ngửa đầu hoặc nằm ngửa. Ở trẻ em có thể khó chịu ở bụng do nuốt phải các chất dịch bị chảy xuống từ vùng mũi. Một số bệnh nhân kèm theo ho.

Viêm xoang mạn tính khi các triệu chứng kéo dài trên 8 tuần và hiếm khi có sốt. Ở mũi bị nghẹt thường có đau và cảm giác đè nặng. Do các xoang bị sưng lên, nên các dịch tiết ra không chảy ra mũi mà chảy ngược xuống họng gây ra viêm họng và hơi thở hôi.

Viêm xoang ở trẻ em khó phân biệt với cảm lạnh thông thường. Trẻ dưới 6 tuổi thường ít có đau đầu, nhưng hay gặp sưng quanh mắt, kích ứng bất thường và mệt mỏi cùng với chảy dịch xanh hoặc hơi vàng, đau họng, hơi thở hôi, sốt trên 38 độ C, và các triệu chứng có thể kéo dài hơn 10-14 ngày.

Chẩn đoán[sửa]

Thăm khám[sửa]

Đôi khi khó để chẩn đoán viêm xoang vì các triệu chứng giống với các biểu hiện của cảm lạnh. Nên nghi ngờ viêm xoang khi cảm lạnh kéo dài hàng tuần. Trong 1 số trường hợp, tiền sử bệnh nhân giúp gợi ý cho chẩn đoán, đặc biệt tiền sử mắc hen phế quản, viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, hoặc tiếp xúc khói thuốc lá hoặc các hóa chất công nghiệp. Khoảng 40% trường hợp viêm xoang mạn liên quan tới hút thuốc lá thụ động.

Gõ vào vùng xoang bị viêm có thể gây đau hoặc không. Sử dụng phương pháp soi đèn có thể giúp ích. Chiếu đèn pin vào da vùng má, bác sĩ sẽ quan sát miệng bệnh nhân khi há miệng. Nếu các xoang chỉ chứa khí thì ánh sáng sẽ xuyên qua xoang và sẽ quan sát thấy được vùng trần của miệng là vùng sáng đỏ. Nếu xoang chứa đầy chất nhầy, thì ánh sáng không thể xuyên qua. Mặc dù test đơn giản này có thể hữu ích, nhưng nó không phải là cách hoàn hảo để chẩn đoán hay loại trừ viêm xoang.

Các xét nghiệm.[sửa]

Chẩn đoán hình ảnh có thể có ích trong chẩn đoán viêm xoang. Chụp Xquang và cắt lớp vi tính có thể giúp chẩn đoán cả viêm xoang cấp và mạn tính. Bệnh nhân bị viêm xoang mạn có thể cần nội soi mũi để quan sát để phát hiện sự tắc nghẽn giải phẫu – là nguyên nhân gây ra bệnh như lệch vách ngăn mũi, dẫn đến nhiễm trùng thứ phát.

Các thủ thuật.[sửa]

Trong 1 số trường hợp, cần phải sinh thiết hoặc nuôi cấy mô vùng mũi – đặc biệt hữu ích trong phát hiện viêm xoang do nấm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ dị ứng gây ra viêm xoang, có thể thực hiện test da để xác định dị nguyên gây ra viêm xoang.

Điều trị[sửa]

Truyền thống[sửa]

Thuốc: Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm xoang cấp. Các kháng sinh thích hợp bao gồm các thuốc sulfa, Amoxicillin và nhiều kháng sinh nhóm Cephalosporins. Các thuốc này có thể dùng trong 2 tuần hoặc lâu hơn. Có thể dùng các thuốc giảm xung huyết mũi. Dùng Acetaminophen và Ibuprofen để giảm đau xoang và đau đầu do viêm xoang. Có thể dùng thuốc giữ ẩm để tránh chất nhầy ở khoang mũi bị khô và giúp làm dịu tình trạng đau họng và ho.

Phẫu thuật[sửa]

Viêm xoang mạn thường được điều trị khởi đầu bằng kháng sinh. Steroid dạng xịt có thể được sử dụng để làm giảm phù nề. Nếu có bất thường cấu trúc giải phẫu gây ra viêm xoang mạn thì cần phẫu thuật điều trị, kết hợp với lấy mẫu bệnh phẩm để xác định mầm bệnh. Viêm xoang do nấm cần được phẫu thuật để làm sạch các xoang. Sau đó điều trị 1 đợt dài thuốc chống nấm Amphoterincin B đường tĩnh mạch.

Các biện pháp khác[sửa]

Viêm xoang mạn thường liên quan tới dị ứng thức ăn. Một chế độ ăn ‘elimination/challenge’ được khuyến cáo để xác định và loại bỏ thức ăn gây dị ứng. Rửa khoang mũi bằng dung dịch nước muối để làm sạch nhầy ở khoang mũi.

Châm cứu cũng được sử dụng điều trị viêm xoang, thủy trị liệu có thể thực hiện trực tiếp trên xoang để làm giảm áp và nhanh lành bệnh. Hít tinh dầu giúp thông các xoang và diệt khuẩn gây nhiễm trùng.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng cho nhiễm trùng xoang thường tốt mặc dù ở một số người dễ bị nhiễm trùng xoang sau cảm lạnh. Rủi ro chính dẫn đến thể bệnh nặng là do khoang mũi gần với hệ thống thần kinh trung ương, hạch bạch huyết vùng cổ và các mạch máu vùng cổ và họng.

Biến chứng của viêm xoang có thể bao gồm viêm xương tủy xương, viêm mô tế bào hốc mắt, viêm màng não. Viêm xoang do nấm lại thường có tỉ lệ tử vong khá cao.

Dự phòng[sửa]

Việc phòng bệnh liên quan tới đảm bảo vệ sinh tốt để hạn chế mắc bệnh cảm lạnh. Bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, xác định và điều trị dị ứng, tránh lặn sâu ở bể bơi có thể ngăn nhiễm trùng xoang. Nên sử dụng chất giữ ẩm vào mùa đông vì khô mũi có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mũi. Khi bị dị ứng nên xịt các thuốc xịt mũi để ngăn tình trạng viêm ở khoang mũi, do đó cho phép lưu thông chất nhầy bình thường..

Một số khuyến cáo để ngăn ngừa viêm xoang:

Xì mũi nhẹ nhàng, bịt 1 mũi còn lại trong khi xì mũi kia.

Tránh di chuyển bằng hàng không khi các phương pháp di chuyển khác sẵn có. Với các trường hợp bắt buộc thì phải sử dụng thuốc giảm xung huyết mũi để ngăn nghẹt mũi xoang trước khi cất cánh.

Người bị dị ứng nên hạn chế tới mức tối đa tiếp xúc với các dị nguyên đã biết cũng như sử dụng các thuốc làm giảm xung huyết mũi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Goroll, Alliin H., and Albert G. Mulley Jr., eds. Primary care medicine: office evaluation and management of the adult patient, 6th ed. Philadelphia: Wolters Kluwer Healtla/Lippincott Williams and Wilkins, 2009.
  2. Cazzavillan, A., et a1. “Treatment of Rhinosinusitis: The Role of Surgery.” International Journal of Immunopathology and Pharmacology 23 (January-March 2010): 74 - 77.
  3. Bệnh viện Tâm Anh (2019). Bệnh viêm xoang: nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa, https://tamanhhospital.vn/benh-viem-xoang/, truy cập ngày 12/02/2021.
  4. Singh, N., et al. “Fine-Needle Aspiration Biopsy as an Initial Diagnostic Modality in a Clinically Unsuspected Case of Inv‹isive Maxillary Fungal Sinusitis: A Case Report.” Diagnostic Cytopathology 38 (April 2010): 290-93.
  5. Centers for Disease Control and Prevention (CDC), 1600 Clifton Ro‹id, Atlanta, GA, 30333, (800) 232-4636, cdcinfo cdc.gov, http: /www.cdc.gov.
  6. National Institute of Allergy and Infectious Diseases (NIAID), 6610 Rockledge Drive, MSC 6612, Bethesda, M D, 20892-6612, (301) 496-5717, (866) 284—4107,Fax: (301 ) 402-3573, http://www3.niaid.nih.gov.
  7. Phạm Khánh Hòa. Tai mũi họng, Bộ y tế, Nhà xuất bản giáo dục, 2010.