Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vận tải cơ giới

Vận tải cơ giới là phương thức vận tải quân sự, sử dụng các loại phương tiện vận tải có động cơ trong vận tải đường bộ và đường thủy. Vận tải cơ giới có sức chở lớn, tốc độ cao, đáp ứng được yêu cầu của tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.

Sự hình thành và phát triển Vận tải cơ giới của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với phương pháp tổ chức và sự hoàn thiện phương tiện vận tải quân sự. Trong Kháng chiến chống Pháp, kết thúc chiến dịch Biên Giới năm 1950, ta thu được của địch 73 xe ô tô, cùng với một số xe do các nước bạn viện trợ và xe do ta tự lắp, Cục Vận tải thành lập 2 đại đội ô tô: đại đội 200 có 36 xe, đại đội 203 có 16 xe; là những đơn vị Vận tải cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ (1954-75), lực lượng Vận tải cơ giới phát triển nhanh chóng, từ các đoàn xe vận tải ô tô độc lập (trong Kháng chiến chống Pháp) đã được phát triển, xây dựng thành các trung đoàn, sư đoàn vận tải ô tô (như Sư đoàn vận tải ô tô 471, 571...), các tiểu đoàn vận tải thủy bằng phương tiện cơ giới (Tiểu đoàn vận tải thủy 759...). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Vận tải cơ giới trong quân đội đang ngày càng được xây dựng, củng cố, đầu tư, hoàn thiện cả về tổ chức biên chế cũng như trang bị phương tiện ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục được biên chế các lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn vận tải ô tô, vận tải đường thủy.

Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ vận tải cho tác chiến trong tương lai, Vận tải cơ giới cần được coi trọng đầu tư đúng mức.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995
  2. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  5. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009