Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Vương triều Stuart

Vương triều Stuart (1603 - 1714) là được thành lập bởi gia đình Stuart ở Scotland, cai trị Sotland, Anh, Ireland và Vương quốc liên hiệp Anh từ năm 1603 đến năm 1714, một trong những vương triều đẫm máu với nhiều biến cố thăng trầm, cg. vương triều Stewart.

Gia đình Stuart có nguồn gốc từ Brittany (Pháp). Sau khi chuyển đến Anh vào đầu thế kỷ XII, một thành viên trong gia đình được vua Scotland bổ nhiệm làm Thống đốc của triều đình Stuart, gia đình kế thừa chức vụ này qua nhiều thế hệ. Đầu thế kỷ XIV, Walter của gia đình Stuart kết hôn với con gái Vua Robert I của Scotland. Năm 1371, con trai của Walter đã kế vị Robert I, trở thành vua của Scotland, được gọi là Robert II. Từ đó, bắt đầu sự cai trị của gia đình Stuart ở Scotland.

Năm 1503, vua James IV thuộc Vương triều Stuart của Scotland kết hôn với công chúa Margaret, con gái vua Henry VII thuộc vương triều Tudor của Anh. Năm 1603, Nữ hoàng Elizabeth I (1553-1603) thuộc vương triều Tudor của Anh và Ireland qua đời, nhưng không có con cái thừa kế ngai vàng. Nhờ mối quan hệ huyết thống với dòng họ Tudor, vua James VI thuộc Vương triều Stuart của Scotland (chắt của James IV thuộc Vương triều Stuart của Scotland và công chúa Margaret của vương triều Tudor) đã kế vị ngai vàng của Anh với tên gọi là James I. James I đã mở đầu cho sự cai trị của vương triều Stuart ở cả Scotland, Anh và Ireland từ năm 1603 đến năm 1714. Mặc dù điều này ban đầu chỉ có ý nghĩa rằng Scotland, Anh và Ireland có chung một quốc vương còn ba vương quốc vẫn có thể chế, nội các và nhà thờ riêng biệt, nhưng nó đã đặt nền móng cho sự ra đời của vương quốc Liên hiệp Anh sau đó.

Cai trị ở cả Scotland, Anh và Ireland từ năm 1603 đến năm 1714, Vương triều Stuart gồm có bốn vị vua và hai nữ hoàng, đó là: James I (1603 - 1625), Charles I (1625 - 1649), Charles II (1660 - 1685), James II (1685 - 1688), Mary II (1689 - 1694) và William III (1689 - 1702), Anne (1702 - 1714).

Cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII là thời kỳ sản xuất hàng hóa, trao đổi thương mại phát triển mạnh mẽ, nhất là các thương cảng lớn như London, Newcastle .... Giai cấp tư sản cũng ra đời và dần lớn mạnh. Một bộ phận lớn quý tộc đã sử dụng đất đai kinh doanh theo kiểu tư bản chủ nghĩa để làm giàu. Chuyển biến kinh tế, xã hội đã dẫn đến những thay đổi quan trọng về tôn giáo ở Anh với sự xuất hiện của Anh giáo và Thanh giáo. Sự thay đổi này đòi hỏi phải có những nhận thức mới về thể chế chính trị, cơ cấu quyền lực và lựa chọn chính sách cai trị khôn ngoan của các vương triều quân chủ. Trước xu hướng phát triển của thời đại, dường như những vị vua đầu tiên của Vương triều Stuart không thực sự khôn ngoan hoặc có thể quá cố chấp với niềm tin về quyền lực tuyệt đối của ngai vàng. Việc thực hiện các chính sách cai trị độc đoán đã không chỉ cho thấy sự bất lực, kém hiệu quả của chính sách cai trị ấy mà còn thúc đẩy sự bùng nổ của cuộc cách mạng tư sản Anh vào nửa cuối thế kỷ XVII mà kết cục là vua Charles I bị đưa lên máy chém (1649), hoàng gia phải sống lưu vong ở nước ngoài. Nước Anh trở thành một nước cộng hòa, không có vua và thượng viện. Và sự cai trị của Vương triều Stuart bị gián đoạn từ năm 1649 đến năm 1660 mới được phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, cả hai con trai của Charles I là Charles II (1660-1685) và James II (1685-1688) đều có xu hướng muốn thiết lập quyền lực tuyệt đối, phục hồi Anh giáo, thực hiện chính sách thân nước Pháp theo Công giáo và có xu hướng đàn áp Thanh giáo. Điều này đã gây ra bất mãn đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là quý tộc mới và tư sản. Cuộc “cách mạng quang vinh” đã diễn ra năm 1688 và James II phải bỏ trốn khỏi nước Anh. Hoàng tử William của xứ Orange và vợ của ông - công chúa Mary – con gái của James II – đều là tín đồ Tin lành đã được kế vị ngai vàng, trở thành William III (trị vì từ năm1689 đến năm 1702) và Mary II (trị vì từ năm 1689 đến năm 1694). Cả hai đã đồng ý ký vào Tuyên ngôn về quyền do Nghị viện thông qua ngày 16.12.1689, kết thúc cuộc đấu tranh hơn bốn thập kỷ phân định quyền lực giữa các vị vua của Vương triều Stuart với Nghị viện, theo đó Vương triều Stuart sẽ cai trị trong khuôn khổ luật pháp do Nghị viện thông qua. Sau khi Mary II và William III chết, họ không có con thừa kế ngai vàng. Theo Luật kế vị ngai vàng được Nghị viện Anh thông qua năm 1701, Anne - con gái của James II và là em gái của Mary trở thành nữ hoàng Anh, trị vì từ năm 1702 đến năm 1714. Nữ hoàng Anne qua đời năm 1714 và cũng không có người thừa kế. Ngai vàng được truyền cho George I của Hanover - một người họ hàng xa của gia đình Stuart. Vương triều Hanover được thiết lập, chấm dứt sự cai trị của Vương triều Stuart ở Vương quốc liên hiệp Anh.

Cai trị ở Scotland, Anh và Ireland vào thời kỳ đầy biến động, lịch sử Vương triều Stuart gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử Vương quốc liên hiệp Anh: sự hình thành Liên minh quân chủ giữa Scotland, Anh và Ireland, nội chiến, “cách mạng quang vinh” và sự hình thành chế độ quân chủ lập hiến… Tất cả những điều đó đã góp phần định hình sự phát triển của Vương quốc liên hiệp Anh trong những giai đoạn tiếp theo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Đức Mãn, Lược sử nước Anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  2. Maurice Percy Ashley, The Stuarts (Vương triều Stuart), Nxb. Đại học California, 2000.
  3. John Miller, The Stuarts (Vương triều Stuart), Nxb. Hambledon, London, 2004.
  4. Allan Massie, The Royal Stuarts: A History of the Family that Shaped Britain (Vương triều Stuart: Lịch sử hoàng gia đã định hình sự phát triển của nước Anh), Nhà sách Thomas Dunne, 2011.
  5. Barry Coward, Peter Gaunt, The Stuart age: England, 1603-1714 (Triều đại Stuart: nước Anh, 1603-1714), tái bản lần thứ 5, Nxb. Routledge, London, 2017.