Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ung thư vú
Ung thư vú
Pink ribbon.svg
Ruy băng hồng là biểu tượng của sự nhận thức về ung thư vú.
Chuyên khoaUng bướu (ung thư học)
Triệu chứngU cục ở vú, sưng, đau, lõm da, hình dạng vú thay đổi, núm vú tiết dịch hoặc rụt vào, ...
Yếu tố nguy cơNữ giới, tuổi cao, tiền sử gia đình, đột biến gen, béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, ...
Chẩn đoánTạo ảnh, sinh thiết
Điều trịPhẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp đích
Số người mắc2,3 triệu (2020)
Số người chết685.000 (2020)

Ung thư vú là bệnh xảy ra khi các tế bào ở phát triển vượt tầm kiểm soát.[1] Tùy vào loại tế bào cụ thể phát sinh mà ung thư vú bao gồm các loại khác nhau.[1] Bộ phận của vú hay bị nhất là ống sữa và tiểu thùy.[1] Ở đó liên quan là tế bào biểu mô và do vậy hầu hết ung thư vú là ung thư biểu mô (carcinoma), thường là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma).[2] Kiểu phân loại khác dựa theo tính chất lan tỏa thì có ung thư vú tại chỗ và ung thư vú xâm lấn.[2] Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS) phát sinh trong ống sữa nhưng chưa lan sang mô vú xung quanh và không thể di căn xa.[3] Mặc dù vậy nó có thể biến đổi thành ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC) chiếm 70-80% mọi trường hợp ung thư vú.[2][3] Loại xâm lấn phổ biến thứ hai là ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC).[4]

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú và chúng có thể được xếp vào hai nhóm là sửa đổi được và không sửa đổi được.[5] Trong đó, hai yếu tố chính là giới tính nữ và tuổi cao, khi mà đa số trường hợp mắc bệnh là nữ tuổi trên 50.[6] Một nguy cơ lớn khác là tiền sử gia đình, khoảng 5–10% bệnh nhân mới chẩn đoán có người thân từng mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.[7] Người nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có 70–80% rủi ro mắc ung thư vú trong đời, và còn những đột biến đáng kể khác là PTEN, TP53, CDH1, STK11.[8][9] Yếu tố sửa đổi được bao gồm lười vận động, thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn thực phẩm chế biến, tiếp xúc với hóa chất.[5]

Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư vú là nổi u cục ở vú hoặc nách.[10][11] Tuy nhiên đa số u cục sờ thấy ở vú là lành tính, chỉ 4–10% là ung thư.[↓ 1][12] Còn những dấu hiệu khác có thể là của ung thư vú gồm: sưng, đau, có chỗ lõm da, da bong hoặc đỏ, núm vú tiết dịch (trừ sữa), núm vú rụt vào, kích cỡ hoặc hình dạng vú thay đổi, sưng hạch dưới cánh tay hoặc gần xương đòn.[10][11] Nhóm phụ nữ tuổi 40 đến 74 nguy cơ vừa được khuyến cáo tầm soát định kỳ, còn nhóm nguy cơ cao cần làm việc này sớm hơn.[13] Một số biện pháp phòng ngừa ung thư vú gồm không hút thuốc hay sử dụng hormone ngoại sinh, tránh tiếp xúc bức xạ ion hóa, duy trì cân nặng bình thường, tập thể dục, cho con bú, ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu.[14]

Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội sống sót là rất cao.[15] Có nhiều kỹ thuật tạo ảnh được sử dụng phổ biến để phát hiện và chẩn đoán ung thư vú như X quang, cộng hưởng từ, siêu âm, PET-CT.[16] Sinh thiết là cách duy nhất để khẳng định.[17] Ung thư vú chưa di căn được điều trị cục bộ bằng phẫu thuật cắt bỏ và xạ trị hậu phẫu.[18] Hơn 90% trường hợp là chưa di căn tại thời điểm chẩn đoán.[18] Trái ngược, ung thư vú đã di căn xa thường không thể chữa và liệu pháp nhắm đến giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống.[18][19]

Trong năm 2020, ung thư vú là loại ung thư có nhiều người mắc mới nhất trên thế giới với 2,3 triệu ca.[20] Số người tử vong vì căn bệnh là 685.000, đứng thứ năm trong nhóm ung thư.[20] Gần một phần tư số ca là ở Đông Á, tuy nhiên tỷ lệ mắc cao nhất thuộc về các khu vực phát triển như châu Âu hay Bắc Mỹ.[21] Ở các nước thu nhập cao, đa phần phụ nữ mắc ung thư vú sống sót còn với hầu hết các nước thu nhập thấp thì ngược lại.[22] 63% bệnh nhân tử vong trong năm 2020 thuộc các quốc gia châu Á và châu Phi.[5] Độ phổ biến của bệnh được dự kiến tăng nhanh theo sự phát triển con người.[22] Đến năm 2040, số ca mắc mới và tử vong có thể đạt lần lượt hơn 3 triệu và 1 triệu.[21]

Dịch tễ[sửa]

Theo dữ liệu của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong năm 2020, ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc với 2.261.419 ca và thứ 4 về tỷ lệ tử vong với 684.996 ca trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư vú đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ mắc với 21.555 ca và thứ 4 về tỷ lệ tử vong với 9.345 ca. Ung thư vú ở nam giới chiếm khoảng 1% trong tổng số ung thư vú. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư vú ngày càng được cải thiện.

Mô tả[sửa]

Hầu hết ung thư vú là ung thư biểu mô ống có nguồn gốc từ niêm mạc ống dẫn sữa, các ống mang sữa từ các tiểu thùy đến núm vú. Ung thư biểu mô tiểu thùy bắt đầu trong các tuyến sữa. Hiếm khi, ung thư vú bắt nguồn từ các mô vú khác.

Ung thư vú giai đoạn 1A

Ung thư vú xảy ra bởi các cơ chế khác nhau. Thường mô vú sẽ được đánh giá về thụ thể nội tiết của Estrogen và Progesteron (ER và PR) và đột biết HER2 để tiên lượng và đưa ra hướng điều trị.

Ung thư vú có thụ thể nội tiết ER (+) nghĩa là trên bề mặt các tế bào ung thư vú có các thụ thể tiếp nhận Estrogen và tăng sinh để đáp ứng với Estrogen. Ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính nghĩa là có quá nhiều bản copy của gen HER2 mã hóa cho thụ thể yếu yếu tố phát triển biểu bì. Bình thường các thụ thể HER2 giúp kiểm soát tế bào phát triển, phân chia và tự sửa chữa. Quá nhiều bản sao của HER2 làm cho các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Ung thư vú bộ ba âm tính là một ung thư có tiên lượng kém hơn, khó điều trị hơn.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ[sửa]

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi cao, gia đình có mẹ và chị em gái mắc ung thư vú, buồng trứng, tử cung, đặc biệt có 2 người trở lên ở lứa tuổi trẻ; đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2; lần đầu có kinh sớm, mãn kinh muộn; phụ nữ độc thân không sinh con; béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo; uống rượu nhiều; sinh thiết vú có bất thường trước đây; từng xạ trị vùng ngực; sử dụng biện pháp tránh thai; đã uống diethylstilbestrol (DES) để tránh sảy thai…

Triệu chứng[sửa]

Ung thư vú giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Triệu chứng đầu tiên có thể phát hiện là tự sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc nách với đặc điểm cứng, chắc, ấn không đau. Các triệu chứng khác có thể là một sự thay đổi kích thước, hình dạng hoặc cảm giác của vú hoặc núm vú, chẳng hạn như đỏ, lún, co rúm hoặc tụt núm vú hoặc tiết dịch núm vú. Giai đoạn di căn bệnh nhân thấy khó chịu và đau vùng vú, sưng nách, loét da, giảm cân, đau xương…

Chẩn đoán[sửa]

Lâm sàng[sửa]

Phụ nữ được khuyến khích thường xuyên tự kiểm tra vú hàng tháng để tự phát hiện các u cục, đau hoặc bất thường khác. Bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố nguy cơ, khám lâm sàng vú 2 bên, hạch vùng và các cơ quan khác của bệnh nhân.

Chụp X-quang tuyến vú[sửa]

Chụp 2 bên, mỗi bên chụp ít nhất 2 tư thế. Trường hợp mật độ mô vú đậm, khó đánh giá có thể chụp tuyến vú số hoá có tiêm thuốc cản quang, chụp ống dẫn sữa cản quang. Đối với những bệnh nhân đặt túi ngực có thể gây biến dạng rò, vỡ túi. Cần thay thế bằng chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm tuyến vú.

Siêu âm tuyến vú[sửa]

Siêu âm tuyến vú và hạch vùng bằng siêu âm 3D, siêu âm đàn hồi, siêu âm quét thể tích vú tự động để có kết quả chính xác hơn, đánh giá được độ ác tính của mô vú theo thang điểm BIRADS, từ đó xác định nguy cơ và đưa ra quyết định sinh thiết hay theo dõi định kỳ.

Mô bệnh học[sửa]

Chọc hút kim nhỏ hoặc sinh thiết lõi nhằm lấy các tế bào, tổ chức. Dịch chảy ra từ núm vú cũng có thể là bệnh phẩm để kiểm tra. Nếu chẩn đoán bằng sinh thiết kim là nghi ngờ, có thể thực hiện phẫu thuật mở lấy trọn u. Kết hợp nhuộm hoá mô miễn dịch để đánh giá tình trạng thụ thể nội tiết, đột biến HER2…

Các phương pháp chẩn đoán giai đoạn khác[sửa]

Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xạ hình xương, chụp PET/CT… nhằm xác định giai đoạn, theo dõi điều trị, phát hiện tái phát, di căn.

Dấu ấn ung thư[sửa]

CEA, CA 15-3, CA 27-29…

Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]

Phân loại mô bệnh ung thư vú theo phân loại của WHO (2012). Đánh giá trên mô học cần bao gồm số lượng u, vị trí u, đường kính lớn nhất của u, bờ diện cắt, thể mô học, độ mô học, xâm lấn mạch, số lượng hạch di căn trên số lượng hạch lấy được. Kết hợp với các xét nghiệm hoá mô miễn dịch, sinh học phân tử, khuếch đại gene đánh giá tình trạng thụ thể nội tiết (ER và PR), HER-2, Ki67. Từ đó đánh giá týp ung thư vú theo Hội nghị đồng thuận St.Gallen 2015 với các thể: Týp lòng ống A, týp lòng ống B – HER2 âm tính, týp lòng ống B – HER2 dương tính, týp HER2 dương tính, týp bộ ba âm tính.

Chẩn đoán giai đoạn bệnh[sửa]

Phân chia giai đoạn ung thư vú chủ yếu theo TNM của AJCC phiên bản 8 (năm 2017). Trong đó cTNM (xếp giai đoạn lâm sàng ban đầu) và pTNM (sau khi có mô bệnh học) có chung đặc điểm T và M, chỉ khác về đặc điểm cN và pN. Đánh giá dựa trên các yếu tố:

Đặc điểm u (T): kích thước u và tính trạng xâm lấn của u tới thành ngực, da …

Hạch vùng: số lượng hạch, kích thước hạch và vị trí hạch (hạch nách nhóm I, II, III, hạch thượng đòn, hạch hạ đòn, hạch vú trong…).

Di căn xa.

Điều trị[sửa]

Phẫu thuật[sửa]

Có thể cắt hoàn toàn tuyến vú hoặc phẫu thuật bảo tồn (cắt rộng u và vét hạch nách). Phẫu thuật tái tạo tuyến vú có thể tiến hành ngay trong khi cắt tuyến vú hoặc vào một thời điểm nào sau đó nếu bệnh nhân có nhu cầu.

Xạ trị[sửa]

Đây thường là phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Xạ trị cũng được thực hiện nhằm điều trị giảm nhẹ cho các trường hợp di căn xương, di căn não hoặc u, hạch lớn xâm lấn cơ quan lân cận.

Hóa trị[sửa]

Hóa trị có thể được dùng điều trị sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại hoặc các tế bào ung thư di căn không phát hiện được và làm giảm nguy cơ tái phát. Hóa trị được sử dụng cả đường uống hoặc tiêm.

Điều trị nội tiết[sửa]

Khoảng 70% bệnh ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh, có ER và PR dương tính. Thuốc Tamoxifen liên kết với các thụ thể Estrogen trên các tế bào ung thư có thụ thể ER dương tính, do đó ngăn chặn Estrogen liên kết với thụ thể và kích thích tăng trưởng tế bào ung thư. Nó được sử dụng trong 5 năm như là một phương pháp điều trị bổ trợ chính. Ung thư không đáp ứng với Tamoxifen có thể được điều trị bằng các loại thuốc khác như Toremifene, Raloxifene hoặc Fulvestrant…

Các chất ức chế Aromatase ngăn chặn hoạt động của enzyme aromatase cần thiết để sản xuất estrogen trong buồng trứng và các mô khác. Phụ nữ tiền mãn kinh thường có quá nhiều Aromatase bị chặn bởi thuốc một cách hiệu quả, trừ khi chúng được sử dụng cùng với một loại thuốc ức chế hoạt động của buồng trứng. Các chất ức chế Aromatase bao gồm letrozole (Femara) và anastrozole (Arimidex), tạm thời vô hiệu aromatase và exemestane (Aromasin) vĩnh viễn bất hoạt Aromatase. Cắt buồng trứng hoặc xạ trị buồng trứng được coi là phương pháp điều trị nội tiết cho những bệnh nhân chưa mãn kinh có thụ thể nội tiết dương tính.

Liệu pháp sinh học[sửa]

Liệu pháp sinh học hoặc điều trị đích sử dụng kháng thể đơn dòng, phản ứng với các thụ thể đặc hiệu trên các tế bào ung thư và làm bất hoạt hoặc phá hủy các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào khác. Trastuzumab (Herceptin) và Lapatinib (Tykerb) nhắm vào các tế bào ung thư dương tính với HER2, chiếm khoảng 15-25%.

Biện pháp khắc phục tại nhà[sửa]

Các bài tập đặc biệt cho cánh tay, vai và ngực giúp giảm co kéo sau phẫu thuật, xạ trị vùng vú và nách.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng phụ thuộc vào thể mô bệnh học và giai đoạn của ung thư vú. Các giai đoạn trước nếu ít hoặc không di căn vào hạch bạch huyết có tỷ lệ sống sót rất cao. Mặc dù ung thư có thể tái phát, tamoxifen đã làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú dương tính ER khoảng 50%.

Phòng ngừa[sửa]

Ung thư vú có thể không ngăn ngừa được, song nên duy trì các thói quen tốt và lối sống lành mạnh như:

- Duy trì cân nặng hợp lý.

- Ăn nhiều trái cây và rau quả hơn

- Thay thế các sản phẩm ngũ cốc bằng ngũ cốc nguyên hạt

- Hạn chế thịt chế biến và thịt đỏ

- Không uống rượu.

Tự kiểm tra vú và chụp X-quang tuyến vú định kỳ có ý nghĩa phát hiện và điều trị sớm, giúp tăng đáng kể khả năng sống thêm. Nên chụp X-quang tuyến vú định kỳ từ tuổi 40 trở lên. Đối với những người có yếu tố nguy cơ cần chụp sớm hơn và thường xuyên hơn, có thể chụp cộng hưởng từ tuyến vú định kỳ.

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao do đột biến gen BRCA, tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc cắt bỏ một phần tuyến vú do ung thư, phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn 2 vú giúp giảm nguy cơ. Tamoxifen, Raloxifene hoặc Exemestane được khuyến cáo để phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bauman, Edward M., and Helayne L. Waldman. The WholeFood Guide for Breast Cancer Survivors: A Nutritional Approach to Preventing Recurrence. Oakland, CA: NewHarbinger, 2012.
  2. Gemignani, Mary L., and Caren Goldman. Prevention the Ultimate Guide to Breast Cancer: Your Essential Resourcefram Diagnosis to Treatment and Beyond. New York: Rodale, 2013.
  3. Hartmann, Lynn C., and Charles L. Loprinzi. The Mayo Clinic Breast Cancer Book. Intercourse, PA: Good Books, 2012.
  4. Link, J ohn S., James Waisman, and Nancy Link. The Breast Cancer Survival Manual: A Step-by-Step Guide for Women with Newly Diagnosed Breast Cancer.New York: Henry Holt, 2012.
  5. Prijatel, Patricia. Surviving T riple Negative Breast Cancer: Hope, Treatment, and Recovery. New York: Oxford University Press, 2013.
  6. Sumner, David E. “‘My Pink Ribbon’: One Man’s Bout with Breast Cancer.” Saturday Evening Post 285, no. 5.
  7. Stephen B., Frederick L. G., et al. Breast, AJCC Cancer Staging Manual eighth edition, Springer, 2017, pp.589-628.
  8. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai. Ung thư vú, Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2010.
  9. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư vú, 2018.
  10. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang. Ung thư vú, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2018, Tr.274-294.

Chú thích[sửa]

  1. Khi thấy dấu hiệu trên vẫn nên sớm đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị nếu cần.[10]

Trích dẫn[sửa]

  1. a b c Division of Cancer Prevention and Control (ngày 26 tháng 9 năm 2022), "What Is Breast Cancer?", cdc.gov, Centers for Disease Control and Prevention, lưu trữ từ nguyên tác ngày 15 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2022
  2. a b c The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 19 tháng 11 năm 2021), "Types of Breast Cancer", cancer.org, American Cancer Society, lưu trữ từ nguyên tác ngày 17 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2022
  3. a b The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 19 tháng 11 năm 2021), "Ductal Carcinoma in Situ", cancer.org, American Cancer Society, lưu trữ từ nguyên tác ngày 10 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022
  4. The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 19 tháng 11 năm 2021), "Invasive Breast Cancer (IDC/ILC)", cancer.org, American Cancer Society, lưu trữ từ nguyên tác ngày 19 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022
  5. a b c Łukasiewicz, Sergiusz; Czeczelewski, Marcin; Forma, Alicja; Baj, Jacek; Sitarz, Robert; Stanisławek, Andrzej (ngày 25 tháng 8 năm 2021), "Breast Cancer—Epidemiology, Risk Factors, Classification, Prognostic Markers, and Current Treatment Strategies—An Updated Review", Cancers, 13 (17): 4287, doi:10.3390/cancers13174287, PMC 8428369, PMID 34503097, S2CID 237467083
  6. Division of Cancer Prevention and Control (ngày 26 tháng 9 năm 2022), "What Are the Risk Factors for Breast Cancer?", cdc.gov, Centers for Disease Control and Prevention, lưu trữ từ nguyên tác ngày 19 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022
  7. Liu, Lei; Hao, Xiaomeng; Song, Zian; Zhi, Xiangcheng; Zhang, Sheng; Zhang, Jin (ngày 18 tháng 3 năm 2021), "Correlation between family history and characteristics of breast cancer", Scientific Reports, 11 (1), doi:10.1038/s41598-021-85899-8, PMC 7973811, PMID 33737705, S2CID 232295463
  8. Kuchenbaecker, Karoline B.; Hopper, John L.; Barnes, Daniel R. (ngày 20 tháng 6 năm 2017), "Risks of Breast, Ovarian, and Contralateral Breast Cancer for BRCA1 and BRCA2 Mutation Carriers", JAMA, 317 (23): 2402, doi:10.1001/jama.2017.7112, PMID 28632866, S2CID 205093245
  9. Shiovitz, S.; Korde, L.A. (tháng 7 năm 2015), "Genetics of breast cancer: a topic in evolution", Annals of Oncology, 26 (7): 1291–1299, doi:10.1093/annonc/mdv022, PMC 4478970, PMID 25605744, S2CID 8478578
  10. a b c The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 1 năm 2022), "Breast Cancer Signs and Symptoms", cancer.org, American Cancer Society, lưu trữ từ nguyên tác ngày 20 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2022
  11. a b Division of Cancer Prevention and Control (ngày 26 tháng 9 năm 2022), "What Are the Symptoms of Breast Cancer?", cdc.gov, Centers for Disease Control and Prevention, lưu trữ từ nguyên tác ngày 18 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2022
  12. Dodelzon, Katerina; Katzen, Janine T (ngày 21 tháng 8 năm 2019), "Evaluation of Palpable Breast Abnormalities", Journal of Breast Imaging, 1 (3): 253–263, doi:10.1093/jbi/wbz040, S2CID 202037640
  13. Ren, Wenhui; Chen, Mingyang; Qiao, Youlin; Zhao, Fanghui (tháng 8 năm 2022), "Global guidelines for breast cancer screening: A systematic review", The Breast, 64: 85–99, doi:10.1016/j.breast.2022.04.003, PMC 9142711, PMID 35636342, S2CID 248284063
  14. Sauter, Edward R. (ngày 16 tháng 5 năm 2018), "Breast Cancer Prevention: Current Approaches and Future Directions", European Journal of Breast Health, doi:10.5152/ejbh.2018.3978, PMC 5939980, PMID 29774312, S2CID 21714570
  15. Ginsburg, Ophira; Yip, Cheng‐Har; Brooks, Ari; Cabanes, Anna; Caleffi, Maira; Dunstan Yataco, Jorge Antonio; Gyawali, Bishal; McCormack, Valerie; McLaughlin de Anderson, Myrna; Mehrotra, Ravi; Mohar, Alejandro; Murillo, Raul; Pace, Lydia E.; Paskett, Electra D.; Romanoff, Anya; Rositch, Anne F.; Scheel, John R.; Schneidman, Miriam; Unger‐Saldaña, Karla; Vanderpuye, Verna; Wu, Tsu‐Yin; Yuma, Safina; Dvaladze, Allison; Duggan, Catherine; Anderson, Benjamin O. (ngày 29 tháng 4 năm 2020), "Breast cancer early detection: A phased approach to implementation", Cancer, 126 (S10): 2379–2393, doi:10.1002/cncr.32887, PMC 7237065, PMID 32348566, S2CID 217549021
  16. Bhushan, Arya; Gonsalves, Andrea; Menon, Jyothi U. (ngày 14 tháng 5 năm 2021), "Current State of Breast Cancer Diagnosis, Treatment, and Theranostics", Pharmaceutics, 13 (5): 723, doi:10.3390/pharmaceutics13050723, PMC 8156889, PMID 34069059, S2CID 235227730
  17. The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 1 năm 2022), "Breast Biopsy", cancer.org, American Cancer Society, lưu trữ từ nguyên tác ngày 22 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022
  18. a b c Waks, Adrienne G.; Winer, Eric P. (ngày 22 tháng 1 năm 2019), "Breast Cancer Treatment", JAMA, 321 (3): 288, doi:10.1001/jama.2018.19323, PMID 30667505, S2CID 58580711
  19. Santa-Maria, Cesar A.; Gradishar, William J. (ngày 1 tháng 7 năm 2015), "Changing Treatment Paradigms in Metastatic Breast Cancer", JAMA Oncology, 1 (4): 528, doi:10.1001/jamaoncol.2015.1198, PMID 26181262, S2CID 21135991
  20. a b Sung, Hyuna; Ferlay, Jacques; Siegel, Rebecca L.; Laversanne, Mathieu; Soerjomataram, Isabelle; Jemal, Ahmedin; Bray, Freddie (ngày 4 tháng 2 năm 2021), "Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries", CA: A Cancer Journal for Clinicians, 71 (3): 209–249, doi:10.3322/caac.21660, PMC 8879621, PMID 33538338, S2CID 231804598
  21. a b Arnold, Melina; Morgan, Eileen; Rumgay, Harriet; Mafra, Allini; Singh, Deependra; Laversanne, Mathieu; Vignat, Jerome; Gralow, Julie R.; Cardoso, Fatima; Siesling, Sabine; Soerjomataram, Isabelle (tháng 12 năm 2022), "Current and future burden of breast cancer: Global statistics for 2020 and 2040", The Breast, 66: 15–23, doi:10.1016/j.breast.2022.08.010, PMC 9465273, PMID 36084384, S2CID 252055261
  22. a b Ginsburg, Ophira; Bray, Freddie; Coleman, Michel P; Vanderpuye, Verna; Eniu, Alexandru; Kotha, S Rani; Sarker, Malabika; Huong, Tran Thanh; Allemani, Claudia; Dvaladze, Allison; Gralow, Julie; Yeates, Karen; Taylor, Carolyn; Oomman, Nandini; Krishnan, Suneeta; Sullivan, Richard; Kombe, Dominista; Blas, Magaly M; Parham, Groesbeck; Kassami, Natasha; Conteh, Lesong (tháng 2 năm 2017), "The global burden of women's cancers: a grand challenge in global health", The Lancet, 389 (10071): 847–860, doi:10.1016/S0140-6736(16)31392-7, PMC 6191029, PMID 27814965, S2CID 205982993